“Lãi suất cho vay tiêu dùng đang quanh ngưỡng 20 - 30%, thậm chí cao hơn, tùy theo mức độ rủi ro của khoản vay. Nếu áp trần lãi suất thì đồng nghĩa với việc triệt tiêu một mảng tín dụng rất quan trọng”, bà Nguyễn Thị Hiền, Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) nhận định.
Bà đánh giá thế nào về thị trường tài chính tiêu dùng thời gian qua?
Tài chính tiêu dùng ở Việt Nam thời gian qua tăng trưởng mạnh. Tuy mới chiếm tỷ trọng nhỏ trong tiêu dùng và dư nợ tín dụng, nhưng tín dụng tiêu dùng lại có tốc độ tăng trưởng khá cao trong giai đoạn 2011 - 2015, đạt trên 30%/năm. Điều này cho thấy, tiềm năng phát triển của thị trường này rất lớn.
Có ý kiến cho rằng, lãi suất cho vay tiêu dùng đang ở mức cao, nên cần áp trần lãi suất để bảo vệ người tiêu dùng. Bà có ý kiến gì về nhận định này?
Trần lãi suất là một biện pháp nhằm hạn chế cho vay nặng lãi, các hình thức cho vay với lãi suất cao gây tổn hại đến người đi vay. Tại nhiều quốc gia, các quy định về trần lãi suất thường được đề cập trong luật chống cho vay nặng lãi, hoặc luật bảo vệ người tiêu dùng và được áp dụng đối với những cá nhân/tổ chức cho vay nặng lãi, các khoản vay có khả năng gây tổn hại, bất công bằng đối với người đi vay. Chúng ta hiểu nôm na đây là những đối tượng hoạt động tự phát, không nằm trong sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào.
Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây.
Trong khi đó, lĩnh vực cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng thì lại khác. Sự phát triển của hệ thống tài chính thế giới đã cho thấy, khi thị trường tín dụng chính thống phát triển, lãi suất cho vay sẽ được hình thành trên cơ sở cung - cầu.
Hiện nay, một số công ty tài chính cho vay tiêu dùng đang cho vay ở mức lãi suất 20 - 30%, thậm chí còn cao hơn đối với những khoản vay có độ rủi ro lớn, nhưng đều có sự quản lý của Ngân hàng Nhà nước. Vì vậy, nếu áp mức trần lãi suất cho vay tiêu dùng thì đồng nghĩa với việc triệt tiêu một mảng tín dụng rất quan trọng. Không những thế, trần lãi suất cũng không phù hợp đối với một số hình thức cho vay khác, như cho vay tín dụng theo thẻ của ngân hàng, hay các khoản cho vay của công ty tài chính vi mô…, vốn cũng đang có dải lãi suất không hề thấp. Như vậy, vô hình trung, trần lãi suất sẽ còn tác động tiêu cực đến hệ thống tài chính - ngân hàng.
Theo Điều 468, Bộ luật Dân sự sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2017, mức trần lãi suất được quy định là 20%/năm của khoản tiền vay. Mức trần lãi suất này liệu có áp dụng đối với các tổ chức tín dụng, thưa bà?
Tôi hoàn toàn không nghĩ như vậy. Tại Điều 468, Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định: “Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”. Với vế “trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác” là đã hàm ý tổ chức tín dụng tuân thủ các quy định tại luật chuyên ngành.
Tại Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 cũng đã quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng được quyền thỏa thuận về lãi suất”. Như vậy, ở đây, chúng ta thấy hoàn toàn không có chuyện trần lãi suất đối với tổ chức tín dụng, trong đó bao gồm cả lãi suất cho vay tiêu dùng. Đây là một quy định hết sức đúng đắn, vì kinh tế thị trường là tôn trọng sự thỏa thuận, trừ một số trường hợp cố tình cho vay nặng lãi cần phải xử lý như đã phân tích ở trên.
Nếu không áp trần lãi suất, theo bà, chúng ta cần làm gì để kéo lãi suất vay tiêu dùng giảm xuống, không ở mức cao như hiện nay?
Mọi người hay nói, lãi suất vay tiêu dùng cao, nhưng cao so với cái gì? Theo tôi hiểu, người tiêu dùng đang so sánh giữa lãi suất cho vay tiêu dùng với lãi suất cho vay thương mại truyền thống. Nếu theo cách nghĩ này thì lãi suất cho vay tiêu dùng cao hơn so với lãi suất cho vay thương mại là đương nhiên. Điều này không chỉ diễn ra ở Việt Nam, mà còn xảy ra ở tất cả các nước, vì nó xuất phát từ sự khác biệt trong mô hình kinh doanh. Mô hình kinh doanh của các công ty tài chính hoàn toàn khác biệt so với mô hình của các ngân hàng thương mại truyền thống.
Để giảm lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, theo tôi, cần phải làm sao giúp họ giảm chi phí kinh doanh một cách hợp lý, thay vì áp một mức trần lãi suất cứng nhắc. Mệnh lệnh hành chính phải sử dụng khéo léo, nếu không sẽ cản trở và kìm hãm sự phát triển của hoạt động này.
Quan trọng hơn, cần có một khung khổ chính sách riêng để tạo một sân chơi riêng cho các công ty tài chính. Hiện nay, hoạt động của công ty tài chính vẫn bị “nhốt” chung với các quy định về hoạt động của ngân hàng thương mại. Đây là một rào cản, hạn chế lớn đối với các công ty tài chính, khiến họ dễ bị hiểu nhầm, đem so sánh với hoạt động cho vay của ngân hàng thương mại, trong khi đây hoàn toàn là hai lĩnh vực khác nhau, phục vụ phân khúc đối tượng vay khác nhau.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tạo điều kiện cho các công ty tài chính giảm chi phí vốn đầu vào thông qua việc tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn. Hiện nay, các công ty tài chính không được phép huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ trong dân.
Hà Lê / baodautu.vn