Thị trường tài chính đang phát triển nên nhiều ngân hàng (NH) đã lên kế hoạch thành lập công ty tài chính (CTTC). Tuy nhiên, các CTTC vẫn gặp rào cản "tín dụng đen" khi tiếp cận với lượng khách vay là tiểu thương, người buôn bán nhỏ.
Kênh cho vay tiêu dùng đang được các ngân hàng chú trọng - Ảnh: X.Thảo
Chiếm tỷ lệ khá lớn trong phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ là buôn bán lẻ và sản xuất hộ gia đình, nhưng gần đây nhóm khách hàng này mới được các NH chú ý bởi nhìn thấy tiềm năng không hề nhỏ. Đơn cử, năm 2015, con số gần 1.100 tỷ đồng, tương đương hơn 1/3 lợi nhuận của VPBank là do Công ty Tài chính TNHH MTV VPBank (FE Credit) đem lại.
Một chuyên gia NH phân tích: "Về mặt khách quan, những đối tượng này vay mượn bên ngoài với lãi suất rất cao nhưng đều hoàn trả đủ, không có "nợ chồng nợ". Hơn nữa, họ vay vốn với mục đích kinh doanh, sản xuất thật sự nên nguồn thu cũng được đảm bảo".
Có lẽ vì thế mà Vietcombank, VietinBank đang xúc tiến các thủ tục để thành lập công ty tín dụng tiêu dùng và sắp tới còn có các NH như BIDV, ACB... cũng tham gia thị trường này.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, so với vay NH, cơ chế hoạt động của CTTC giúp người dân vay vốn dễ dàng, nhanh hơn, thuận tiện hơn, không cần tài sản thế chấp hay chứng minh thu nhập, cũng như không lo về mặt pháp luật bởi họ hoạt động chuyên nghiệp trong khuôn khổ được pháp luật cho phép. Do những lợi ích như thế nên kênh cho vay này đang phát triển mạnh.
Theo ông Đàm Thế Thái - Phó tổng giám đốc Công ty TNHH HD Saison: "Hiện nay, các hộ buôn bán nhỏ, tiểu thương có nhu cầu vay vốn rất cao và cũng là đối tượng phù hợp với các CTTC vì vốn vay không lớn, không thế chấp tài sản, nhu cầu cần vốn vay nhanh chóng và có thể đáp ứng được ngay các yêu cầu căn bản của CTTC về hồ sơ giấy tờ.
Tuy nhiên, các CTTC chưa có được cơ sở pháp lý để mở điểm giao dịch trực tiếp tại các chợ nhằm hỗ trợ bà con tiểu thương tiếp cận dịch vụ ngay tại chỗ nên nhiều người chưa được biết, chưa hiểu rõ dịch vụ dẫn đến ngại hoặc chưa chủ động tiếp cận. Bên cạnh đó, một trong những rào cản lớn nhất là do thời gian qua, việc cho vay của các CTTC tiêu dùng bị ảnh hưởng từ những người cho vay nặng lãi, cho vay "cắt cổ”.
Vấn đề cốt lõi là người tiêu dùng chưa phân biệt rạch ròi giữa lãi suất cho vay tiêu dùng của các CTTC với lãi suất vay của ngân hàng thương mại và lãi suất "tín dụng đen". Vì vậy, các CTTC khó tiếp cận khách hàng tại các kênh chợ, trong khi đây là đối tượng có nhu cầu vay cao và thường bị "tín dụng đen bóp hầu bao".
Hiện nay, các CTTC đều áp dụng lãi suất phổ biến quanh mức 25 - 30%, một số người vay với lãi suất lên tới 40 - 50%/năm với hồ sơ vay quá rủi ro. Nếu chỉ nhìn vào con số thì mức lãi suất cho vay tiêu dùng cao đáng kể so với mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng Nhà nước. Nhưng nếu so sánh biên độ giữa lãi suất cho vay tiêu dùng và lãi suất cơ bản với các nước khác thì Việt Nam đang duy trì mức lãi suất khá tương đương, như lãi suất của Mỹ là 8 - 36%, EU là 15 - 25%, Trung Quốc là 10 - 40%...
Thừa nhận lãi suất cao nhưng đây là dịch vụ cho vay có rủi ro cao, lại nhỏ lẻ, ông Thái chia sẻ: Nếu đánh giá một cách toàn diện thì lãi suất cho vay của các CTTC so với các hình thức cho vay khác khá hợp lý trong bối cảnh hiện nay, chẳng hạn cho vay kiểu cầm đồ thì mức lãi suất áp dụng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ rẻ hơn nhiều. Vì vậy, tín dụng tiêu dùng hay cho vay của CTTC còn là một cách ngăn chặn nạn "tín dụng đen".
Luật các tổ chức tín dụng cho phép mức trần lãi suất cho vay 20%/năm, đồng thời để ngỏ một "khe cửa" cho các tổ chức tín dụng chủ động lãi suất cho vay phù hợp với quản trị rủi ro. Đây chính là yếu tố thuận lợi cho các CTTC hoạt động.
"Hiện trên thị trường đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp mạo danh CTTC và triển khai dịch vụ cho vay tiêu dùng. Để đảm bảo quyền lợi, khách hàng nên tìm đến những công ty đã được Ngân hàng Nhà nước cấp phép và giám sát hoạt động", ông Thái khuyến cáo.
Theo LỮ Ý NHI / DNSG