Khủng hoảng vận tải biển dẫn đến việc các hãng tàu liên minh với nhau ngày một nhiều hơn. Năm 2010, các liên minh hãng tàu chỉ chiếm chưa đến 30% tổng sức chở toàn cầu thì đến đầu năm 2016, tỷ lệ này đã lên đến trên 76%.
Hơn mười năm qua, ngành hàng hải đã biến động quá nhiều. Cỡ tàu ngày một lớn trong khi số lượng các hãng tàu lớn lại đang giảm đi do quá trình mua lại và sáp nhập. Người ta tính toán rằng trong vòng hơn ba năm từ tháng 1-2015 đến tháng 4-2017, một nửa trong số 20 hãng tàu lớn nhất thế giới đã, đang và sẽ “biến mất” do bị mua lại như APL, hoặc sáp nhập với các hãng khác như China Shipping, hoặc phá sản như Hanjin.
Cạnh tranh ngày càng khốc liệt
Những năm 2012 - 2013, nhiều doanh nghiệp vận tải biển cho rằng, đây là thời điểm thực sự khủng khoảng, vận tải biển sẽ chạm đáy rồi hồi phục, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc, cước vận tải vẫn thấp, nguồn hàng khan hiếm trong khi có quá nhiều tàu vận tải tuyến nội địa kể cả tàu sông biển cũng tham gia. Trên tuyến vận tải quốc tế các hãng tàu container của Việt Nam mới chỉ đảm nhiệm được vận chuyển feeder chứ chưa vươn tới được các tuyến xa.
Đến thời điểm này, các công ty hàng đầu về môi giới trong lĩnh vực vận tải biển và các chuyên gia về hàng hải trên thế giới nhận định rằng, thị trường vận tải biển trong vòng vài năm tới khả quan nhất là tới giai đoạn hồi phục. Theo lộ trình mở cửa WTO, sau khi được phép thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam, các hãng tàu quốc tế đã, đang và sẽ đẩy mạnh việc đầu tư vào thị trường Việt Nam thay vì việc chỉ lấy hàng tại các cảng lớn như Hongkong, Singapore, Kaohsiung và thuê các feeder chở hàng từ Việt Nam sang các cảng khu vực này.
Giữa năm 2016, hãng tàu Maersk Lines, có tàu mẹ trung chuyển hàng tại cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) đi miền Đông và miền Tây nước Mỹ, đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải cho phép tàu của hãng được vận tải nội địa để gom hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, cả từ khu vực miền Bắc và miền Trung vào Cái Mép – Thị Vải.
Liên kết tạo sức mạnh
Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: "Việc liên kết các công ty vận tải biển thành viên để gia tăng nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở các tuyến vận tải mới trong thòi gian qua được Tổng công ty Hàng hải Việt Nam hết sức chú trọng".
Vừa qua tuyến vận tải container đi Hồng Kông - dịch vụ liên kết giữa Công ty Vận tải biển Container Vinalines và Công ty TNHH MTV vận tải Biển Đông, hai đơn vị thành viên của Vinalines đã chính thức được khai trương. Theo đó các tàu container của hai công ty này sẽ thực hiện vận chuyển khoảng 1.800 Teus/1 chuyến vòng tròn 14 ngày “TP HCM – Hải Phòng – Hồng Kông – Hải Phòng – TP HCM” qua các cảng Tân Vũ, Tân Thuận và cảng HIT (Hồng Kông). Đây là dịch vụ mới theo mô hình "liên minh các hãng tàu trên thế giới" nhằm duy trì lịch tàu thường xuyên tại các cảng.
Cũng theo mô hình liên kết để tăng sức mạnh này, trước đó không lâu, tại Kuala Lumpur, Malaysia, Các doanh nghiệp vận tải biển thuộc Vinalines bao gồm Công ty Vận tải biển Vinalines và Công ty Vận tải biển Việt Nam (Vosco), Công ty cổ phần Vận tải biển Vinaship, Công ty cổ phần Hàng hải Đông Đô đã ký kết Hợp đồng khung với các tập đoàn lớn của Maylayxia như Petronas Chemicals Marketing Ltd, Hemat Marine Sdn Bhd về vận chuyển phân bón. Đội tàu vận tải biển của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sẽ vận chuyển phân bón từ Malayxia đi Thái Lan và Philipines. Sản lượng vận chuyển dự kiến tăng dần từ 1-2 triệu tấn/năm.
Mở tuyến mới, cung cấp dịch vụ trọn gói
Kết quả kinh doanh hai năm gần đây của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cho thấy, dù cảng biển và dịch vụ hàng hải có mức tăng trưởng mạnh và có lãi nhưng cũng chỉ bù đắp cho hoạt động vận tải biển. Song song với việc tái cơ cấu đội tàu, tái cơ cấu tài chính một cách toàn diện, tiết giảm chi phí…, việc nghiên cứu nhằm tìm ra hướng kinh doanh mới cho các doanh nghiệp vận tải biển trở nên bức thiết và có tính sống còn.
Trong tháng 6/2017, Công ty vận tải biển Container Vinalines (VCSC) mở thêm dịch vụ vận tải đường thủy bằng sà lan tuyến Hải Phòng–Việt Trì với tuần suất 2–3 chuyến sà lan/tuần vận chuyển hàng từ cảng Hải Linh về Hải Phòng. Số liệu đến hết tháng 10/2017 cho thấy, sản lượng vận tải container tuyến Hải Phòng-Việt Trì đạt gần 900 Teus, dự kiến đến hết tháng cuối năm 2017, sản lượng container đạt khoảng 1.000 Teus sau 6 tháng đi vào hoạt động.
Ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, trước đó VCSC đã sử dụng sà lan vận chuyển hàng hóa 2 chiều từ các cảng thuộc khu vực Cái Cui, Hoàng Diệu, Trà Nóc trung chuyển qua các cảng thuộc thành phố Hồ Chí Minh như Tân thuận, Cát Lái, VICT, Bến Nghé, Dầu Thực vật và một số ICD trên địa bàn, để chuyển đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc và ngược lại. Sau một năm đẩy mạnh dịch vụ vận chuyển container bằng đường thủy nội địa khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng hàng container bằng sà lan 10 tháng năm 2017 tại khu vực này đạt gần 14.000 TEUs (tăng gần 60% so với cùng kỳ năm 2016).
Việc "khơi thông dòng chảy" thủy nội địa ở khu vực phía Bắc và phía Nam của VCSC là một phần trong dịch vụ chuỗi, tích hợp hoạt động cảng biển-vận tải biển-dịch vụ hàng hải trong dịch vụ logistics trọn gói nhằm nâng cao giá trị gia tăng mà Vinalines đang triển khai thực hiện, đồng thời góp phần giảm tải đáng kể áp lực lên hệ thống đường bộ theo chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải.
Thủy Tiên