Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI nhận xét: “Tỷ lệ doanh nghiệp ủng hộ TPP như vậy là rất cao và đang tăng lên. Có nghĩa là về mặt tinh thần, các doanh nghiệp đã sẵn sàng cho TPP. Đây là lý do để chúng ta lạc quan.”
Theo báo cáo của VCCI, cuối năm 2015 các doanh nghiệp trong nước có sự am hiểu về TPP thấp hơn (77%) so với các doanh nghiệp FDI tới từ các nước thành viên TPP (86%) và các doanh nghiệp FDI không tới từ các nước thành viên TPP (82%).
Tuy nhiên, mức độ ủng hộ TPP của các doanh nghiệp trong nước lại cao nhất (73%) so với các doanh nghiệp FDI đến từ các nước thành viên TPP (67%) và các doanh nghiệp không tới từ các nước thành viên TPP (65%).
Phần lớn doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI đều thể hiện quan điểm lạc quan; trong đó có các điều khoản về mở cửa thị trường và những vấn đề sau biên giới như quyền lợi của người lao động và doanh nghiệp nhà nước.
Đối với các doanh nghiệp trong nước: mức độ ủng hộ giảm đối với bốn nội dung sau: 1) mở cửa thị trường; 2) đầu tư; 3) lao động và 4) doanh nghiệp nhà nước. Mức giảm đáng kể chủ yếu rơi vào nhóm các doanh nghiệp định hướng kinh doanh nội địa, dự kiến chịu ảnh hưởng tiêu cực từ TPP. Tuy nhiên mức giảm thấp hơn cũng được ghi nhận ở các doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.
Hiệp định TPP được kết thúc đàm phán vào ngày 5/10/2015 sau 7 năm thương thảo giữa các nước Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Hoa Kỳ và Việt Nam.
Mười hai quốc gia thành viên TPP đã ký kết hiệp định này vào ngày 4/2/2016, chính thức bắt đầu tiến trình phê chuẩn tại mỗi nước, dự kiến trong vòng 2 năm./.
(Theo Vietnam+)