Chùa Bà Thiên Hậu (quận 5) có tuổi đời hơn 250 năm là một trong những ngôi chùa cổ lâu đời nhất của người Hoa tại TPHCM.
Thiên Hậu miếu (chữ Hán) hay còn được gọi với những cái tên là Chùa Bà Thiên Hậu và chùa Bà Chợ Lớn (cách gọi của người Việt) có tuổi đời hơn 250 năm, nằm trên đường Nguyễn Trãi (quận 5, TPHCM). Được xây dựng từ năm 1760, trải qua gần 3 thế kỷ nhưng ngôi chùa vẫn giữ được nét đẹp cổ kính, đặc trưng cho kiến trúc văn hóa của cộng đồng người Hoa sinh sống ở TPHCM.
Chùa được nhóm người Hoa gốc Tuệ Thành (tức Quảng Châu thuộc tỉnh Quảng Đông) di dân sang Việt Nam và cùng nhau xây dựng vào khoảng năm 1760, trải qua hơn 2 thế kỷ đã được trùng tu nhiều lần. Chùa nằm trong khu trung tâm của những người Hoa đầu tiên đến tạo lập khu dân cư Chợ Lớn sau này.
Những ngày đầu năm mới, đặc biệt là dịp rằm tháng Giêng, chùa trở nên nhộn nhịp, đông đúc hơn bởi người dân ở khắp nơi đổ về cúng bái, cầu bình an.
Với lối kiến trúc độc lạ, mang nét cổ kính lâu đời, đây không chỉ là nơi thờ phụng tâm linh, mà còn là địa điểm tham quan, thu hút khách du lịch ở TPHCM.
Chùa xây theo hình ấn (kiểu kiến trúc đặc trưng của người Hoa) - là tổ hợp 4 ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ "khẩu" hoặc chữ "quốc".
Ba dãy nhà ở giữa tạo thành tiền điện, trung điện và hậu điện. Giữa các dãy nhà này có một khoảng trống gọi là thiên tỉnh (giếng trời) giúp không gian chùa thoáng đãng, đủ ánh sáng cho hậu cung và có chỗ thoát khói hương.
Chùa Bà Thiên Hậu thường đông khách đến viếng và tham quan vào các dịp Tết Nguyên đán, Tết Nguyên tiêu, Tết Đoan Ngọ, lễ vía Bà Thiên Hậu (23/3 Âm lịch) và ngày rằm hàng tháng.
Trần Phương Trang (Hà Nội) cùng người thân vào TPHCM du lịch những ngày đầu năm mới. Chùa Bà Thiên Hậu là địa điểm mà Trang chọn tới thăm đầu tiên mỗi khi vào TPHCM.
"Mỗi lần vào TPHCM, mình đều ghé thăm chùa, thắp hương cầu bình an cho gia đình. Ở đây có không gian đẹp và không quá đông đúc nên mình rất thích", Phương Trang chia sẻ.
Điểm nổi bật của chùa là hai dãy hành lang được dán kín những tờ giấy hồng ghi tên của khách thập phương tới cầu an. Đây cũng là nơi nhiều người thường đến chụp hình lưu niệm mỗi khi có dịp viếng thăm chùa.
Kế bên là những bức bia đá có tuổi đời hàng trăm năm được khắc bằng chữ Hán. Theo ban quản lý chùa, những dòng chữ ghi chép về lịch sử ra đời cũng như quá trình hình thành của ngôi chùa.
Ngoài ra, ngôi chùa cổ này còn lưu giữ khoảng 400 cổ vật, trong đó có 7 pho tượng thần, 6 tượng đá, 9 bia đá, 2 chuông nhỏ, 4 lư hương đồng, một lư hương đá, 10 bức hoành phi, 23 câu đối và 41 tranh nổi... Tất cả những cổ vật này đều được chế tác công phu, tỉ mỉ với những đường nét tinh tế.
Bên cạnh giá trị về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hiện vật cổ..., nơi đây không chỉ là nơi đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi quy tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Quảng Đông sinh sống tại TPHCM.
Nét đặc trưng của ngôi chùa là những vòng nhang lớn treo trên trần độc đáo, nằm dọc từ phía ngoài cửa vào cho tới trước chánh điện.
Người dân tới thăm chùa ngoài việc thắp hương tại các lư đồng, họ thường xin thêm các vòng hương, kèm theo đó là giấy đỏ có ghi lời cầu nguyện kèm tên tuổi của mình dán lên đó.
Những vòng hương sau khi được người dân thắp, sẽ được nhân viên trong chùa giúp treo lên trần. Hàng trăm chiếc vòng hương được treo sát nhau tạo nên khung cảnh độc đáo, hiếm thấy ở TPHCM.
Giữa khuôn viên chùa có một giếng trời, nơi nhiều người thường tới thắp hương. Thời điểm sáng sớm, ánh nắng chiếu xuyên qua mái chùa tạo nên khung cảnh huyền ảo, lạ mắt.
Hiện tại, để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, người dân tới thắp hương, tham quan chùa được ban quản lý yên cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt, đảm bảo các nguyên tắc 5K trước khi vào bên trong.
Trải qua nhiều đợt trùng tu, chùa vẫn giữ được nét đặc trưng với phong cách kiến trúc cổ xưa và độc đáo của người Hoa, thu hút đông đảo người dân đến cúng bái, thắp hương, cầu bình an.