VEPR dự báo 3 kịch bản tăng trưởng của kinh tế Việt Nam năm 2022 và đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
GS-TS. Lê Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội phát biểu khai mạc Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 (Ảnh: UEB)
Ngày 20/5, Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN và Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) Việt Nam tổ chức Hội thảo Công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2022 với chủ đề “Nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ”.
Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 tăng trưởng 3,6%
Tóm lược bức tranh kinh tế trên toàn cầu trong năm 2021, các chuyên gia của Trường Đại học Kinh tế - ĐHQGHN cho rằng, sau những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới đã nỗ lực vượt qua khó khăn. Năm 2021 đánh dấu bước đầu của tăng trưởng kinh tế phục hồi dù tốc độ vẫn còn khá chậm.
Động lực chính của tăng trưởng kinh tế năm 2021 chính là tiêu dùng và thương mại tăng trưởng mạnh hơn dự kiến cho dù lòng tin của người tiêu dùng ở hầu hết các nước vẫn chưa hoàn toàn phục hồi. Thương mại toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục sau những gián đoạn bởi đại dịch Covid-19 nhưng chưa thực sự đồng đều. Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài toàn cầu cũng phục hồi mạnh mẽ nhưng sự đứt gãy không đều của các chuỗi cung ứng cũng gây ra thách thức không nhỏ. Hoạt động sản. xuất công nghiệp và thị trường lao động cũng bắt đầu mở rộng.
Tuy nhiên, lạm phát bắt đầu trở thành hiện tượng toàn cầu. Thị trường tài chính biến động mạnh, các đồng tiền chủ chốt biến động theo các hướng khác nhau. Nhiều chính sách hỗ trợ kinh tế được thực thi ở các quốc gia nhưng đại dịch cũng làm cho gánh nặng nợ tăng dần. Triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022 tăng trường 3,6%, thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu. Đồng thời, môi trường địa kinh tế chính trị toàn cầu năm 2022 cũng được dự báo là bất ổn hơn gây ra những khó khăn mới cho nền kinh tế thế giới.
Đối với kinh tế Việt Nam, theo đánh giá của VEPR, kinh tế vĩ mô diễn tiến tương đối tích cực trong nửa đầu năm 2021. Tuy nhiên, sự sụt giảm nghiêm trọng của tăng trưởng kinh tế trong quý III/2021 đã làm chệch hướng phục hồi kinh tế năm 2021.
Trong năm qua, chính sách tiền tệ tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn kéo dài, quy mô các gói hỗ trợ tăng lên đáng kể so với năm 2020, được đánh giá là phù hợp và cần thiết.
Hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia, học giả, giới nghiên cứu (Ảnh: UEB)
Dự báo 3 kịch bản tăng trưởng năm 2022
Dự báo kinh tế Việt Nam năm 2022, VEPR đánh giá, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi nhưng vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại.
Thứ nhất là các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới mặc dù những diễn biến gần đây cho thấy sự cải thiện trong kiểm soát dịch bệnh toàn cầu.
Thứ hai là áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh.
Thứ ba là rủi ro từ xung đột Nga - Ukraine. Mặc dù các tác động trực tiếp không quá lớn do quan hệ thương mại và đầu tư song phương giữa hai quốc gia này với Việt Nam khá nhỏ, nhưng các tác động gián tiếp là rất lớn.
Thứ tư là sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Trung Quốc trong bối cảnh nước này vẫn tiếp tục chính sách “zero Covid” với các biện pháp kiểm soát dịch nghiêm ngặt có thể gây căng thẳng cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới các chuỗi cung ứng, qua đó tác động tới kinh tế Việt Nam.
Thứ năm là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu có thể làm giảm hiệu quả tác động của các chính sách kích thích kinh tế mà Việt Nam đang kỳ vọng.
Từ đó, VEPR đưa ra các kịch bản tăng trưởng GDP năm 2022, với kịch bản cơ sở là tốc độ tăng trưởng trong năm nay sẽ đạt 5,7%, kịch bản bích cực là 6,2%. Tuy nhiên, nếu bối cảnh tiêu cực, mức tăng trưởng GDP mà VEPR dự báo sẽ giảm còn 5,2%.
Nhóm chuyên gia nghiên cứu khuyến nghị, trong bối cảnh đại dịch còn có thể diễn biến phức tạp, việc chủ động kiểm soát dịch bệnh, giảm thiểu tác động tiêu cực, bảo vệ và hỗ trợ phục hồi kinh tế cần phải được ưu tiên.
Đồng thời, theo dõi chặt chẽ, có đánh giá đầy đủ và có các biện pháp ứng phó kịp thời với vấn đề nhập khẩu lạm phát, ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc với chính sách “Zero Covid”, xung đột Nga - Ukraine leo thang và các rủi ro khác có thể xảy ra.
Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi các giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế. Trong đó, tiếp tục triển khai các giải pháp an sinh xã hội, các chính sách miễn, giảm thuế, phí,...đã đề xuất tại Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội 2022- 2023. Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện điều hòa hiệu quả nguồn vốn đầu tư công từ nguồn vốn của Chương trình phục hồi và nguồn vốn từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn.
Một vấn đề nữa cũng cần lưu ý là đẩy nhanh tiến độ thực hiện các biện pháp giảm lãi suất và hỗ trợ lãi suất song cần gắn chặt với việc giám sát, kiểm soát chặt chẽ tình hình nợ xấu...