Dự báo sẽ có thêm nhiều nhà đầu tư vào ngành điện gió nếu Chính phủ nâng giá mua điện từ nguồn này. Và Vestas không muốn bỏ lỡ cơ hội này.
Ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas châu Á – Thái Bình Dương. Ảnh: Đại sứ quán Đan Mạch |
Tập đoàn cung cấp tua-bin điện gió Vestas (Đan Mạch) là một trong những doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường điện gió Việt Nam từ những dự án đầu tiên. Mới đây lãnh đạo tập đoàn này đã không giấu diếm tham vọng giành thêm các hợp đồng mới tại thị trường còn non trẻ này.
Ngày 7/12, đại diện Vestas châu Á - Thái Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ với Tổng công ty Tân Hoàn Cầu về việc tiến hành nghiên cứu về sức gió ở xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, mở đường cho việc phát triển các trang trại điện gió mới ở đây.
Theo đó, Tân Hoàn Cầu sẽ hợp tác với Vestas nghiên cứu tiềm năng điện gió của khu vực này và đề xuất tổng công suất tiềm năng. Dựa trên tiến độ phát triển cơ sở hạ tầng, hai bên sẽ được phát triển theo giai đoạn thông qua 6 tiểu dự án với công suất tối thiểu 30MW/dự án.
Hiện Vestas đã cung cấp tua-bin cho dự án điện gió Phú Lạc do CTCP Phong Điện Thuận Bình đầu tư tại tỉnh Bình Thuận và dự án Hướng Linh 2 (Quảng Trị), với công suất 30MW/dự án.
Ông Clive Turton, Chủ tịch Vestas châu Á – Thái Bình Dương, cho biết: “Việt Nam là nền kinh tế phát triển nhanh thứ hai trong khối ASEAN và đang có những nỗ lực đáng khen ngợi trong việc phát triển năng lượng gió. Vestas sẽ tham gia, mở rộng và nâng cao năng lực tại thị trường Việt Nam, hướng đến một mối quan hệ hợp tác chặt chẽ hơn”.
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty Vestas Việt Nam, cho rằng Vestas không ngại cạnh tranh với các nhà cung cấp giải pháp điện gió khác tại Việt Nam, bởi Vestas là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực này và luôn cố gắng tạo ra khoảng cách công nghệ với các đối thủ khác.
Vestas đang tích cực tiếp xúc với các nhà đầu tư tiềm năng khác, từ Quảng Bình đến Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Vestas sẽ cùng làm việc với các nhà tài trợ vốn để giúp nhà đầu tư dỡ bỏ rào cản vốn, ông Dũng nói thêm.
Trao đổi với BizLIVE bên lề Hội thảo Đầu tư và Lợi nhuận từ năng lượng gió ngày 7/12, ông Mai Văn Huế, Chủ tịch Tổng công ty Tân Hoàn Cầu, cho biết Tân Hoàn Cầu quyết định hợp tác với công ty hàng đầu thế giới Vestas để tiến hành dự án này do muốn tiếp cận các công nghệ và mô hình tua-bin gió tiên tiến nhất, mang tính đồng bộ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Trả lời việc liệu có làn sóng đầu tư mới vào ngành điện gió hay không nếu Chính phủ chấp thuận tăng giá mua điện (FIT) gió trên bờ thêm 12% lên mức 8,77 cent một kWh, tương đương 2.000 đồng/kWh, ông Huế cho rằng việc tăng giá mua điện thêm 1 cent/kWh thể hiện nỗ lực lớn của Chính phủ.
Tuy nhiên, ngay cả khi được tăng, giá mua điện mới vẫn thấp hơn nhiều các nước trong khu vực như Hàn Quốc và Thái Lan, ông Huế nói.
Trước nhu cầu điện ngày càng tăng, Tân Hoàn Cầu đã chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để phát triển thêm, trong đó có xây lắp, tư vấn và con người, ông Huế cho biết.
Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII), Chính phủ đặt mục tiêu đưa tổng công suất nguồn điện gió lên 800 MW vào năm 2020, khoảng 2.000 MW vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030.
Minh Tuấn / BizLIVE