Thu hút vốn ngoại là mục tiêu của nhiều ngân hàng trong nước, trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản được quan tâm lựa chọn hàng đầu.
Sở dĩ ngân hàng Việt Nam chọn đối tác Nhật làm cổ đông chiến lược nước ngoài là do những nét tương đồng giữa văn hóa Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời các ngân hàng Nhật Bản thiên về bán lẻ phù hợp với chiến lược mà ngân hàng Việt Nam đang đặt ra.
Đến nay, nhiều ngân hàng, công ty tài chính đã chọn đối tác Nhật Bản như Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), Công ty tài chính HD SAISON…
Nhằm tăng cường tiềm lực tài chính, các ngân hàng trong nước đang chạy đua tìm đối tác ngoại. Ảnh: Đức Thanh
Thời gian tới, có thể sẽ có thêm nhiều ngân hàng trong nước và nhà đầu tư Nhật Bản bắt tay hợp tác khi làn sóng mua bán và sáp nhập (M&A) trong lĩnh vực tài chính được dự báo tiếp tục gia tăng.
Trên thực tế, không phải đến nay, nhà đầu tư Nhật Bản mới để mắt tới ngân hàng Việt Nam, mà trước đó, không ít ngân hàng nội đã bán cổ phần cho nhà đầu tư Nhật Bản.
Cụ thể, cuối năm 2012, VietinBank đã bán 12,79% cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là Bank of Tokyo Mitsubishi UFJ Ltd (BTMU). Sau đó, VietinBank nới “room” cho nhà đầu tư nước ngoài này từ 12,79% lên 30%. Trong khi đó, Vietcombank bán cổ phần cho Ngân hàng TNHH Mizuho, một thành viên của Tập đoàn tài chính Mizuho. Eximbank đã bán 20% cổ phần cho Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC).
Lãnh đạo Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, trước đây, Sacombank từng có ý định bán 20% cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài (khi chưa có kế hoạch sáp nhập Ngân hàng Phương Nam - Southern Bank), trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản được HĐQT Sacombank đánh giá cao.
Mới đây, ngày 4/5/2016, Sacombank và 3 ngân hàng là Resona Bank Ltd., Saitama Resona Bank Ltd. và The Kinki Osaka Bank Ltd. (trực thuộc Resona Holdings – Nhật Bản) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc hợp tác nhằm phát triển hệ khách hàng của các bên trong thời gian tới.
Theo biên bản ghi nhớ, Sacombank và 3 ngân hàng Nhật Bản sẽ hợp tác cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho khách hàng tại Nhật Bản, Việt Nam và các quốc gia mà Sacombank có hoạt động; hợp tác cho vay đối ứng trên cơ sở lợi ích song phương, chuyển tiền, thanh toán quốc tế; cung cấp các dịch vụ tài chính cho khách hàng Nhật Bản tại Việt Nam. Đồng thời, 3 ngân hàng Nhật sẽ hỗ trợ, giới thiệu sản phẩm dịch vụ của Sacombank đến khách hàng và các công ty liên kết của Resona Holdings và ngược lại.
Resona Holdings hiện là tập đoàn tài chính lớn thứ 4 tại Nhật Bản, với tổng tài sản hợp nhất đạt 46.000 tỷ yên, tập trung chủ yếu vào thị trường bán lẻ tại Nhật Bản. Resona Holdings hiện có trên 1.400 điểm giao dịch tại Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hồng Kong, Việt Nam và Singapore.
“Với những điểm chung về tầm nhìn và chiến lược kinh doanh ngân hàng bán lẻ, cùng với thế mạnh tiềm năng của các bên, tôi tin rằng quá trình hợp này sẽ diễn ra hết sức thành công”, ông Phan Huy Khang, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Sacombank nhận định.
Trong khi đó, Hội đồng Quản trị Ngân hàng Phát triển TP.HCM (HDBank) cũng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch gọi vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài sau khi hoàn tất việc sáp nhập Ngân hàng Đại Á (DaiA Bank) và mua lại 100% vốn của một công ty trong lĩnh vực tiêu dùng. HDBank thuê công ty tư vấn để triển khai việc tìm đối tác chiến lược nước ngoài và Ngân hàng đã làm việc với các đối tác đến từ Nhật Bản, Anh.
Đánh giá thị trường ngân hàng Việt Nam, ông Kazuhiro Higashi, Chủ tịch Resona Holdings, kiêm Tổng giám đốc Resona Bank Ltd chia sẻ: “Việt Nam là quốc gia ưa thích nhất với các doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh. Số khách hàng cần được tư vấn về đầu tư tại Việt Nam của chúng tôi tăng đều hàng năm”.
Rõ ràng, những nét tương đồng về văn hóa và kế hoạch phát triển chiến lược ngân hàng bán lẻ giữa các ngân hàng Việt Nam và Nhật Bản đang là nền tảng vững chắc cho sự hợp tác giữa các nhà băng hai nước thời gian tới.
Diễn đàn M&A Việt Nam 2016 với chủ đề: “M&A trong không gian kinh tế mở” do Báo Đầu tư và AVM Việt Nam tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ diễn ra ngày 18/8 tại Trung tâm Hội nghị Riverside Palace (360D Bến Vân Đồn, Q.4, TP.HCM).
Diễn đàn sẽ tập trung đánh giá tác động của các khu vực kinh tế chung tới thị trường M&A, các cơ hội và thách thức trong việc thu hút nguồn vốn mới; Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam đón làn sóng đầu tư mới này; Diễn đàn cũng đưa ra những đánh giá và dự báo về xu hướng M&A trong các lĩnh vực sôi động nhất hiện nay như: Ngân hàng, tài chính, thực phẩm, tiêu dùng nhanh, công nghệ và thương mại điện tử.
Ngoài Diễn đàn chính, Chương trình kết nối đầu tư sẽ được tổ chức nhằm thúc đẩy hoạt động M&A của doanh nghiệp, và các hoạt động thường niên như Bình chọn thương vụ M&A tiêu biểu, Đặc san toàn cảnh M&A Việt Nam…
Diễn đàn dự kiến thu hút 500 khách tham dự đến từ các cơ quan chức năng, các quỹ đầu tư, tập đoàn, nhà tư vấn, chuyên gia M&A…
Vân Linh / baodautu.vn