Báo cáo tài chính quý 3/2020 của các ngân hàng cho thấy lượng tiền gửi tại NHNN của không ít nhà băng sụt giảm rất mạnh.
Thống kê tại 28 ngân hàng thương mại, tiền gửi của các nhà băng này tại NHNN giảm tới 37% trong 9 tháng đầu năm nay, hiện chỉ còn 227.634 tỷ đồng.
Trong đó có 17/28 ngân hàng ghi nhận giảm từ 18-82% so với đầu năm, đặc biệt tiền gửi tại NHNN của ABBank giảm tới 82% xuống còn 1.207 tỷ đồng; tiền gửi của BIDV tại NHNN giảm 70,2% xuống chỉ còn gần 40.356 tỷ đồng; tiền gửi của LienVietPostbank tại NHNN cũng giảm 70,1% xuống còn 1.937 tỷ đồng…
Tiền gửi của LienVietPostbank tại NHNN cũng giảm 70,1% xuống còn 1.937 tỷ đồng…
Không chỉ giảm tiền gửi tại NHNN, các ngân hàng cũng giảm mạnh lượng tiền gửi tại các TCTD khác.
Theo đó, lượng tiền gửi của các ngân hàng nói trên tại các TCTD khác giảm 10% so với đầu năm nay, chỉ còn 817.847 tỷ đồng. Trong đó, giảm mạnh nhất là LienVietPostBank (giảm 73%), NCB (giảm 68%), OCB (giảm 65%)…
Đây là một hiện tượng rất đáng chú ý khi mà tín dụng của các ngân hàng đang tăng trưởng ì ạch và dự báo chưa sớm khởi sắc trở lại khi hoạt động sản xuất – kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn vì đại dịch COVID-19.
Trong khi đó, tiền gửi của khách hàng trong 9 tháng đầu năm nay dù tăng trưởng thấp hơn cùng kỳ năm ngoái, song vẫn còn khá hơn so với tốc độ tăng của tín dụng. Hệ quả là thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang dư thừa khá lớn, thể hiện qua lãi suất liên ngân hàng liên tục giảm và hiện đang đứng ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua.
Tuy nhiên, điều đó cũng không có gì khó hiểu. Mặc dù thanh khoản ngân hàng đang dư thừa, song phân bổ không đều; có ngân hàng dư thừa nhiều, có ngân hàng dư thừa ít, thậm chí vẫn có ngân hàng thiếu thanh khoản.
Nguyên nhân do mặc dù tín dụng toàn hệ thống chỉ tăng 6,09% trong 9 tháng đầu năm nay, song cũng có không ít nhà băng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tín dụng khá cao, thậm chí còn cao hơn cả tốc độ tăng trưởng nguồn vốn huy động.
Chẳng hạn như LienVietPostBank, trong 9 tháng đầu năm nay, dư nợ cho vay khách hàng của nhà băng này tăng tới 15%, trong khi tiền gửi của khách hàng chỉ tăng 13,25%. Thậm chí, MSB ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tăng tới 15,46% trong 9 tháng đầu năm nay, song tiền gửi khách hàng thậm chí còn giảm nhẹ.
Rõ ràng việc tín dụng tăng cao hơn nguồn vốn huy động sẽ làm tăng rủi ro thiếu hụt thanh khoản tạm thời của các ngân hàng do phần lớn các khoản tiền gửi của khách hàng đều có kỳ hạn ngắn, thậm chí là tiền gửi thanh toán. Rủi ro càng lớn khi mà nợ xấu đang có xu hướng gia tăng vì đại dịch COVID-19.
Quả vậy, báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm nay của hấu hết các ngân hàng đều ghi nhận nợ xấu tăng khá mạnh.
Chẳng hạn như LienVietPostBank, số dư tuyệt đối nợ xấu của nhà băng này tăng tới 28% trong 9 tháng đầu năm nay lên 2.611 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu vì thế cũng tăng từ 1,44% tại thời điểm cuối năm 2019 lên 1,64% vào cuối tháng 9/2020. Nợ xấu tăng cũng đồng nghĩa một lượng lớn nguồn vốn của các nhà băng đã bị "đóng băng" trong các khoản nợ này.
Giới chuyên gia cũng dự báo, thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ ngày càng khó hơn. Bằng chứng là các ngân hàng cũng đã không còn mạnh tay mua vào trái phiếu Chính phủ, khiến tỷ lệ trúng thầu trong các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần đây giảm mạnh so với thời điểm tháng 9/2020.
Lãi suất liên ngân hàng cũng được dự báo sẽ tăng nhẹ trong các tháng cuối năm nay khi thanh khoản thị trường bớt dồi dào.
Các ngân hàng đã không còn mạnh tay mua vào trái phiếu Chính phủ, khiến tỷ lệ trúng thấu trong các phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ gần đây giảm mạnh.
Quay trở lại với động thái rút tiền về từ NHNN của các ngân hàng trong 9 tháng đầu năm nay, ngoài vấn đề thanh khoản còn có một lý do nữa, đó là các ngân hàng đang nỗ lực tối đa hóa lợi nhuận để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn thu từ tín dụng.
Với việc lãi suất tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc vẫn được duy trì ở mức 0%, có nghĩa lượng tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc không có tác dụng sinh lời, nên nhiều ngân hàng đã chọn cách rút bớt tiền gửi tại NHNN để chuyển vào các kênh đầu tư khác, trong đó có kênh trái phiếu.
Trên thực tế, không chỉ đẩy mạnh mua vào trái phiếu Chính phủ mà lượng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp của nhiều ngân hàng cũng tăng mạnh trong tời gian này.
Theo Công ty chứng khoán SSI, trong 9 tháng đầu năm, lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trên thị trường tăng 79% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 341.000 tỷ đồng.
Dù lượng phát hành tăng vọt, tỷ lệ phát hành thành công lên tới 98%, cao hơn khá nhiều so với con số 93% của cùng kỳ năm ngoái. Trong đó các nhà băng vẫn là người mua trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường.