Từ trong cửa hàng tơ lụa lớn đặt tại resort 4 sao, các nhân viên u sầu nhìn theo khách người Âu nghỉ trong resort đi vụt qua cửa. Họa hoằn có khách ghé vào thì chỉ mua vài món lưu niệm rẻ tiền như cái móc khóa, sổ tay. Có khách vào xem hàng hóa, nhưng vừa nhìn vào giá, họ đã thả ngay chiếc áo lụa trên tay xuống, 40 đô la cho chiếc áo này, không đời nào!
Thái độ của du khách nói lên điều đó.
Giá vé 5 đô la "đuổi" khách tham quan
Mỗi lúc chiều về, phố cổ Hội An bớt đi cái nắng gay gắt, nhìn khách đi lại trên con phố cổ chen chật cứng, hẳn phải có cái nhìn lạc quan về du lịch tại Hội An.
Tuy nhiên, con phố san sát cửa hàng lưu niệm năm ngoái năm kia, giờ đã giảm đi, nhiều cửa hàng đổi chủ cho thuê, không bán hàng lưu niệm mà quay sang mở nhà hàng nhỏ hoặc quán cà phê. Những người bán hàng rong tăng mạnh. Họ bán từ những tấm thiệp nhỏ đến những cái ví có giá vài đô la.
May đo thời trang là một thương hiệu của phố cổ, nhưng các cửa hàng may đo sẵn có tên tuổi thì trụ được, cửa hàng nhỏ phải quay sang mở bán hàng da làm thủ công hoặc quần áo rẻ tiền nhập về từ Trung Quốc.
Mỗi năm, số khách du lịch tăng trưởng 20%, Hội An đã đạt mức 2 triệu du khách trong năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ khách chi tiêu ngày càng tỷ lệ nghịch với số lượt khách đến qua bức tranh ảm đạm này.
Chúng tôi quan sát từ một khách sạn 4 sao gần trung tâm phố cổ, quy trình của du khách là vào tham quan showroom ở khách sạn, xem giá, sau đó ra phố để so sánh giá cả, chất lượng.
Các nhân viên bán hàng nói rằng, bán được cái khăn lụa cho Tây bở hơi tai, và họ kỳ vọng hơn vào khách châu Á, đứng đầu sức mua sắm là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, rồi đến các nước châu Á khác.
Nếu là khách châu Âu, họ chỉ mong đón khách Nga, với sự dễ dãi trong đánh giá chất lượng và thích mua sản phẩm địa phương.
Ở Hội An đã xuất hiện cụm từ "Tây nghèo" khi các nhân viên nói về du khách.
Mức chi tiêu kém của du khách đã làm cho các nhà đầu tư thích đổ tiền vào xây khách sạn, nhà hàng hơn là đầu tư cho các dịch vụ vui chơi giải trí và cửa hàng lưu niệm. Các điểm tham quan làng nghề cũng không được đầu tư mạnh mẽ do cùng chung tình trạng.
Ở một vài nơi như làng gốm Thanh Hà, làng lụa Hội An, nhiều khách đạp xe đến, nghe giá vé tham quan khoảng 5 đô la đã từ chối không vào.
Từ các khách sạn 3 - 4 sao, hàng đoàn du khách thuê xe đạp và mua nước đóng chai từ các quán nhỏ ven đường là cảnh thường thấy hằng ngày ở phố cổ.
Nhìn lại số liệu khảo sát của Tổng cục Du lịch thì thấy thực trạng đó phản ánh đúng. Chi tiêu bình quân của một lượt khách có nghỉ qua đêm tại các cơ sở lưu trú là hơn 1.114 USD.
Phần lớn chi phí này chỉ là để thuê khách sạn và ăn uống, còn 2 thành phần khác có thể gia tăng mức chi tiêu tốt nhất trong cơ cấu chi tiêu của du khách là mua sắm và vui chơi giải trí chiếm tỷ lệ thấp.
Cụ thể, có đến 33,14% tiền thuê phòng, chi cho ăn uống chiếm 23,74%, chi mua hàng hóa, đồ lưu niệm chiếm 18,34%, chi phí tham quan, hướng dẫn chiếm 4,08%, chi cho vui chơi giải trí chiếm 3,56%, chi khác chiếm 3,79%.
Đó cũng là thực trạng cơ quan quản lý du lịch Đà Nẵng luôn phát đi cảnh báo tăng trưởng nóng trong đầu tư khách sạn dưới 3 sao và sẽ dẫn đến tình trạng các nhà hàng cạnh tranh không lành mạnh, làm giảm chất lượng phục vụ, giảm uy tín của thương hiệu du lịch Việt Nam.
Kiên trì đầu tư cho thương hiệu
Tháng 8 vừa qua, có dịp đến Bangkok, tôi quan sát vẫn thấy một dòng khách sang đang đến nơi này. Đảo qua 4 showroom trong khuôn viên khách sạn 4 sao, hàng thời trang đều để giá từ 600 - 700 đô la và vẫn thấy khách vào mua lai rai suốt ngày.
Ở các trung tâm mua sắm lớn, hàng hiệu nổi tiếng thế giới ít được khách chú ý, nhưng nếu là sản phẩm của Thái Lan thì thu hút hơn rất nhiều. Hàng người xếp hàng chờ vào tham quan Bảo tàng Jim Thompson rất đông.
Sau khi ngắm nghía hiện vật và xem trình diễn nghề tơ lụa thủ công truyền thống Thái Lan, hiểu rõ giá trị của nó, du khách đã mạnh tay mua sắm các sản phẩm áo sơ mi có giá 100 - 200 đô la, ví cầm tay phụ nữ 400 đô la, hoặc các loại trang phục sang trọng có giá 500 đô la.
Jim Thompson là thương hiệu văn hóa lụa tiêu biểu đã được Tổng cục Du lịch Thái Lan đưa vào điểm đến văn hóa quốc gia, tài trợ quảng bá cho điểm đến này bằng công quỹ.
Đó là lý do du khách tin tưởng và mạnh tay mua sắm dẫu giá rất đắt đối với một thương hiệu địa phương.
Sự thành công trong bán sản phẩm của Bảo tàng Jim Thompson Bangkok làm nhớ lại một số thương hiệu may đo nổi tiếng của Hội An như Á Đông Silk, Yaly, Bebe.
Hoàn toàn tự lực đi lên bằng con đường phát triển chất lượng, họ đã làm nên thương hiệu tốt trong mắt du khách đến từ các thị trường châu Âu.
Trong bối cảnh khó khăn hiện nay của châu Âu, du khách đến Hội An vẫn tìm đến các thương hiệu may đo thời trang này để mua sắm trên một ngàn đô la mỗi khách, như một cơ hội sắm hàng cùng chất lượng nhưng giá rẻ bằng một nửa tại nước họ.
Ông Trần Thái Do - TGĐ Á Đông Silk cho biết, doanh số của Á Đông Silk không bị ảnh hưởng bởi những khó khăn chung của ngành du lịch Việt Nam, bởi lẽ trong hơn 10 năm phát triển, ông tập trung vào xây dựng thương hiệu hàng cao cấp và không để cho chất lượng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chi hoa hồng, chiều khách bình dân...
Gần đây, các thương hiệu Á Đông Silk, Yaly còn tiến tới ra mắt các bộ sưu tập thời trang riêng với sự cộng tác của các nhà thiết kế đến từ châu Âu, tăng tính cạnh tranh so với thị trường may đo cho khách du lịch ngày càng thu hẹp.
Đó là lý do nghề may đo tại chỗ cho du khách không phát triển tốt tại khu chợ Bến Thành hoặc mấy con đường phục vụ khách du lịch tại Huế, dù nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Thiếu trung tâm mua sắm cho du khách
Những khu vui chơi giải trí lớn do Tập đoàn Sun Group phát triển tại khu vực cáp treo lên đỉnh Phan Xi Păng, Bà Nà Hills, Công viên châu Á (Đà Nẵng) đều có khu mua sắm, nhưng ngay cả tập đoàn này cũng chưa có những khu mua sắm tốt cho du khách.
Chủng loại hàng ít, tập trung vào đồ chơi, hàng lưu niệm là đi ngược với thực trạng túi tiền eo hẹp của du khách muốn tìm hàng có chất lượng và có tính ứng dụng hằng ngày.
Cách đầu tư các cửa hàng mua sắm dở dở ương ương về chất lượng sản phẩm, mua hàng giá rẻ của Trung Quốc trà trộn và bán với giá cao đã "làm nên" tai tiếng mà du khách cảnh báo rất nhiều trên trang du lịch Trip Advisor khi nói về mua sản phẩm tiêu dùng tại Việt Nam.
Trong tình cảnh ế ẩm tràn lan, kéo dài, nhiều chủ cửa hàng đã buôn bán theo cách nâng giá bán rất cao, để rồi mỗi ngày có vài khách mua sắm phải è cổ gánh toàn bộ chi phí kinh doanh đã được đưa vào giá bán rất bất công như vậy.
Bán hàng dỏm với giá cao là căn bệnh nan y góp phần làm du khách thắt chặt hầu bao khi vào Việt Nam, họ để dành tiền đi tiếp sang các nước Đông Nam Á khác mới mua sắm.
Ở Việt Nam, duy nhất chợ Đông Ba, chợ Hàn đã thoát cảnh ế ẩm khi quyết tâm công khai giá hàng hóa, có sự kiểm tra chặt chẽ của các công ty quản lý chợ nhằm bảo vệ thương hiệu chung.
Tất cả những hiện tượng đó cho thấy ngành du lịch của Việt Nam còn quá nhiều khó khăn, không nên nhìn khách sạn mọc lên chóng mặt mà lao theo các dịch vụ mua sắm, bởi lẽ đối với dân chuyên làm du lịch hiện nay, du khách ở resort 4 sao nhưng không có tiền mua sắm, không ăn nhà hàng, hoặc đi spa đang là chuyện thường ngày ở các khu du lịch.
Theo Trí Thức Trẻ