Trên thị trường nội địa gần đây xuất hiện hiện tượng gạo Việt được đóng gói nhưng dán mác gạo Thái Lan bày bán tràn lan. Ngay cả các chợ lớn và siêu thị cũng bày bán các sản phẩm gạo Việt “đội lốt” gạo Thái. Vì sao?
Dù mỗi năm gạo xuất khẩu đem về hơn 3 tỉ USD cho VN nhưng chủ yếu là gạo không có thương hiệu. Trong ảnh: công nhân vận chuyển gạo xuống ghe đưa đi xuất khẩu tại một công ty ở Tiền Giang - Ảnh: HỮU KHOA
Thời gian gần đây, trên thị trường nội địa xuất hiện hiện tượng gạo Việt được đóng gói nhưng dán mác gạo Thái Lan bày bán tràn lan. Không chỉ ở các điểm bán gạo nhỏ lẻ, ngay cả các chợ lớn và siêu thị cũng bày bán các sản phẩm gạo Việt “đội lốt” gạo Thái.
Trong thực tế, phần lớn các loại gạo gắn mác Thái không phải từ nhập khẩu mà được sản xuất tại ĐBSCL. Một trong những lý do có hiện tượng gạo Việt “đội lốt” gạo Thái là nhằm nâng giá bán cũng như thu hút nhiều hơn sự quan tâm của người tiêu dùng.
VN nằm trong nhóm quốc gia dẫn đầu về xuất khẩu gạo, chiếm hơn 20% thị phần thương mại gạo toàn cầu, nhưng người tiêu dùng không tin tưởng sản phẩm nội địa mà lại chuộng gạo gắn mác ngoại là một nghịch lý đau lòng.
Gạo Việt chịu kiếp “hồn Trương Ba, da hàng thịt” không chỉ đặt ra nhu cầu bức thiết về xây dựng và phát triển thương hiệu gạo và thách thức lớn đối với cuộc vận động “người Việt dùng hàng Việt”, mà nó còn buộc chúng ta phải tiếp cận lại vấn đề bằng tư duy hệ thống, hoạch định chiến lược, tiếp cận thị trường cho các mặt hàng nông sản Việt.
So sánh cách tiếp cận thị trường và các kênh phân phối của Thái Lan, sẽ không khó để nhận ra VN thua xa người Thái! Hàng Việt khó cạnh tranh khi vào Thái Lan đã đành, ngay cả khi xâm nhập thị trường Campuchia cũng chủ yếu chỉ chọn các phân khúc nhỏ, lẻ và thị trường nông thôn.
Trong khi các nhà đầu tư Thái vào VN lại chọn các kênh phân phối lớn, chiếm lĩnh thị trường bằng cách mua đứt nhiều chuỗi siêu thị lớn và thường tổ chức các phiên chợ hàng Thái thu hút đông đảo người tiêu dùng... Hội nhập đang nóng lên khi hàng Thái “đổ bộ” vào thị trường nội địa với quy mô lớn chưa từng có; tạo sức ép cạnh tranh khốc liệt, hàng nội đang ngày càng chật vật hơn.
Ngành lúa gạo VN nhiều năm mang danh cường quốc xuất khẩu gạo thô nhưng cũng chỉ mang về hơn 3 tỉ USD/năm, người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa vẫn chỉ thu nhập thấp. Trong khi Thái Lan lại chọn “phân khúc” làm dịch vụ kiểm định chất lượng gạo xuất khẩu, họ đầu tư trang bị, nhân lực chất lượng cao, tạo uy tín, thương hiệu. Các nhà nhập khẩu gạo thế giới tin tưởng buộc các doanh nghiệp Việt phải “lụy đò”, gửi mẫu sang tận Bangkok để họ kiểm định.
Xây dựng giá trị cho thương hiệu gạo Việt, xét ở góc độ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, VN đều thua. Nhiều mặt hàng gạo xuất khẩu chỉ mang tên gọi chung vô cảm là gạo 5%, 25% tấm hoặc phải “mặc áo” các loại gạo nước ngoài.
Xây dựng thương hiệu gạo Việt nhằm định vị giá trị, hình ảnh, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh các sản phẩm gạo của VN là cần thiết. Nhưng thương hiệu tự thân nó không thể “giải bài toán kinh tế” của ngành, mà rất cần “trợ lực” bằng tư duy hoạch định chính sách nông nghiệp, sự phối hợp đa ngành.
Đề án phát triển thương hiệu gạo VN đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hơn một năm qua, nhưng vẫn đang được nâng lên, đặt xuống và triển khai ì ạch. Trong bối cảnh đó, cần ghi nhận những nỗ lực xây dựng thương hiệu gạo của Tập đoàn Lộc Trời với thương hiệu “Hạt ngọc trời”, hay “Gạo sạch VinEco” của Công ty VinEco (Vingroup) hợp tác cùng Công ty TNHH Trung An (Cần Thơ)...
Cần có trợ lực mạnh mẽ hơn mới mong gạo Việt chiếm lĩnh lại thị trường nội địa đang nhiễu loạn về nguồn gốc và định danh sản phẩm, thoát kiếp “đội lốt” hàng Thái.
Theo Trần Hữu Hiệp (Ban chỉ đạo Tây Nam bộ)
Tuổi trẻ