Bình ổn suốt một thời gian dài nhưng thị trường vàng trong nước gần đây đã nổi lên những “bước sóng” ngắn.
Vàng từng là kênh đầu tư hấp dẫn, từng “làm mưa làm gió” nhưng với những chính sách mới của nhà điều hành, vàng đã “nhạt” dần trong mắt giới đầu tư và người dân. Tuy nhiên, với diễn biến thị trường thời gian qua, vấn đề đang được nhiều người quan tâm là xu hướng của kênh đầu tư nhạy cảm này sẽ ra sao khi phía trước còn nhiều diễn biến khó lường.
Ảnh minh hoạ
Những rủi ro
Giới phân tích nhìn nhận, việc đầu tư vào vàng không được Nhà nước khuyến khích nên rất rủi ro. Hơn nữa, giá vàng luôn là một ẩn số không thể lường trước được, bởi giá vàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: thực trạng kinh tế của các nước, giá ngoại tệ, giá dầu, lãi suất các nền kinh tế... Chính vì thế, nếu đầu tư cần phải có sự thận trọng nhất định.
Đưa ra 5 kênh đầu tư chủ đạo cho năm 2017; trong đó có vàng nhưng tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu, vị chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính ngân hàng loại bỏ ngay kênh đầu tư này. Ông Hiếu lý giải thị trường vàng trong 5 năm tới sẽ biến động rất lớn, vàng trên thế giới có thể xuống dốc và kéo theo thị trường vàng trong nước xuống. Như vậy, nhà đầu tư mua vàng, chơi vàng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.
Nhìn lại thị trường vàng năm 2016 cho thấy, đây tiếp tục là một năm “phẳng lặng” của kim loại quý dù vẫn có những “đợt sóng”. Bằng chứng là có những thời điểm trong một ngày giá vàng “nhảy múa” liên tục với mức tăng đến 2 triệu đồng/lượng nhưng người dân vẫn quay lưng với kim loại quý, không còn tình trạng đổ xô đi mua vàng như những năm trước.
Diễn biến thị trường thời gian qua cho thấy, giá vàng trong nước chưa liên thông với giá vàng thế giới. Có thời điểm giá vàng trong nước tăng, giảm không cùng nhịp thậm chí biến động ngược chiều giá thế giới. Điều này đã khiến chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới được nới rộng, có thời điểm vàng trong nước đắt hơn thế giới tới hơn 5 triệu đồng/lượng. Và đây chính là một trong những yếu tố tiềm ẩn rủi ro và khiến nhiều người dân ”chùn tay” với vàng.
Tiến sỹ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế phân tích, nếu nhìn xuyên suốt năm 2016, vàng không phải là cơ hội đầu tư và không phải kênh đầu tư hấp dẫn khi mà xu thế chủ đạo của năm vẫn là giảm. Đây cũng là năm thị trường vàng trong nước diễn ra tương đối ổn định và nhà điều hành không có quyết định nào nhập khẩu thêm vàng vào thị trường mà đều sử dụng cân đối cung cầu. Diễn biến giá vàng trong nước nhiều khi không theo diễn biến giá thế giới và thậm chí có thời điểm lội ngược dòng. Cuối năm 2016 có hiện tượng lặp lại, đó là chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới khá cao, có thời điểm lên tới trên 5 triệu đồng/lượng.
Bên cạnh đó, ông Vũ Đình Ánh cũng nhìn nhận, một số dự báo về giá vàng vào thời điểm cuối năm 2016 đã sai. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nhiều dự báo cho rằng giá vàng sẽ tăng và sẽ tiếp tục đà tăng trong năm 2017. Tuy nhiên, thực tế sau kết quả cuộc bầu cử tổng Thống Mỹ, giá vàng không những không tăng mà còn giảm.
“Như vậy, có thể thấy thị trường thế giới không hấp dẫn đầu tư, và bản thân diễn biến trên của thị trường vàng trong nước khiến cho vàng không hấp dẫn và rất khó tìm kiếm lợi nhuận”, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh nói.
Vàng không còn hấp dẫn và rất khó tìm kiếm lợi nhuận
Vàng tiếp tục được “quản” chặt
Ngân hàng Nhà nước nhận định, với việc tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, thị trường vàng trong năm 2016 về cơ bản ổn định và tự điều tiết tốt. Vào những thời điểm thị trường vàng thế giới biến động mạnh nhưng thị trường vàng trong nước tương đối ổn định. Sức hấp dẫn của vàng miếng suy giảm, doanh số mua, bán vàng đã giảm nhiều so với những năm trước. Thị trường vàng trong nước điều tiết tốt, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng chuyển thành tiền hoặc các tài sản khác để phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Thực tiễn cho thấy, việc thực hiện các giải pháp quản lý thị trường vàng theo quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP đã phát huy hiệu quả tích cực. Thị trường vàng ổn định, sức hấp dẫn của vàng miếng đã suy giảm. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay Ngân hàng Nhà nước đang tiến hành tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP sau gần 4 năm có hiệu lực thi hành để tiếp tục phát huy hơn nữa những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua và sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với bối cảnh mới.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước khẳng định tiếp tục quản lý chặt chẽ thị trường vàng miếng, tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ một cách lành mạnh, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người dân cũng như doanh nghiệp.
Tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện chính sách tiền tệ và đảm bảo hoạt động ngân hàng an toàn, hiệu quả năm 2017, Thống đốc Lê Minh Hưng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trong ngành ngân hàng thực hiện rà soát, đánh giá, tổng kết Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 để đề xuất các giải pháp quản lý có hiệu quả thị trường vàng phù hợp với điều kiện thực tế để chuyển hóa nguồn lực vàng, ngoại tệ vào sản xuất kinh doanh.
Với những chính sách này, Tiến sỹ Vũ Đình Ánh cũng nhận định, xu thế hấp dẫn của giá vàng năm 2017 sẽ tương tự như năm 2016, thậm chí còn có những yếu tố làm cho vàng kém hấp dẫn hơn xuất phát từ yếu tố thị trường quốc tế cũng như chính sách quản lý thị trường vàng trong nước.
Mới đây nhất, dự thảo Nghị định về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại được Bộ Công Thương công bố, lấy ý kiến tiếp tục đưa sản xuất vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng là mặt hàng độc quyền Nhà nước. Điều này cho thấy quyết liệt của Nhà nước trong quản lý mặt hàng vàng.
Tiến sỹ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế cũng nhận định, Ngân hàng Nhà nước luôn theo dõi sát diễn biến của thị trường vàng, sẵn sàng các phương án và có đủ nguồn lực, công cụ, giải pháp để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết. Đây chính là một trong những yếu tố dẫn đến rủi ro khi “chơi” vàng bởi có sự can thiệp của nhà điều hành.
(Theo TTXVN)