Sự bùng nổ của các siêu thị mini, các cửa hàng tiện lợi đang tạo thách thức lớn đối với các cửa hàng tạp hóa, thậm chí khiến nhiều đại lý sống thoi thóp.
Ảnh minh họa |
Cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini mọc lên như nấm
Theo quan sát của chúng tôi, chỉ xung quanh khu vực chợ Tân Sơn Nhất, quận Gò Vấp, TP HCM có tới 7 siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi như Family Mart, Ministop, Vinmart, Coop Food, Satra Food…
Trước đây đại lý nhà bà Hồng gần chợ Tân Sơn Nhất rất đông khách. Hai vợ chồng lớn tuổi lúc nào cũng tật bật bán sữa, bia, bỉm, tã…. Thỉnh thoảng cậu con trai và cô con gái vẫn phụ giúp sau giờ làm việc.
Kể từ khi các siêu thị mini và cửa hàng tiện mọc lên xung quanh, cửa hàng nhà bà Hồng thưa khách hẳn. Và một thời gian sau thì đóng cửa và ông bà cho người ta thuê để bán trái cây.
Từ ngày các cửa hàng tiện ích và siêu thị mini xuất hiện, cửa hàng của ông Phúc tại Quận 3 TP HCM đã sụt giảm 60% doanh thu. “Rất nhiều cửa hàng đã không thể chịu nổi và phải đóng cửa. Chúng tôi cũng phải cầm cự nhưng có thể đến một lúc nào đó không thể cầm cự nổi thì đóng cửa và chạy xe ôm. Mình ngồi thế này không kiếm nổi 200.000 đồng”, ông Phúc nói.
Nhiều chủ cửa hàng tạp hóa cũng đang chịu chung cảnh với bà Hồng, ông Phúc trước sự đổ bộ của các chuỗi bán lẻ hiện đại. Theo số liệu của Nielsen hồi tháng 2/2017 thì các hệ thống như Vinmart+, Circle K, B's Mart, Shop&Go, Ministop đã có tới hơn 1.500 cửa hàng, chưa tính đến các siêu thị mini của Saigon Co.op, Satra Food.
Số liệu tính đến tháng 2/2017 đối với Vinmart+ và tháng 6/2017 với các chuỗi còn lại. |
Vì sao các đại lý truyền thống đang phải sống cầm cự?
Ông Lê Thành Nhân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Hơp tác xã Thương mại TP HCM Saigon Co.op từng lý giải nguyên nhân các đại lý truyền thống đang phải chịu sức ép của các chuỗi cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini: “Chất lượng sản phẩm vô cùng quan trọng. Các đại lý truyền thống chưa xây dựng được sự an tâm về chất lượng sản phẩm trong lòng người tiêu dùng. Dẫn đến chuyện, người tiêu dùng lo về chất lượng sản phẩm. Một khi đã lo thì khi có cái mới ra, mà họ an tâm về chất lượng thì sẽ chuyển qua ngay".
Còn ông Nguyễn Anh Dũng, Giám đốc bộ phận Dịch vụ Đo lường Bán lẻ Nielsen Việt Nam, thì cho rằng: “Người bán ở cửa hàng đại lý chưa đủ sự đon đả đối với người tiêu dùng. Cửa hàng diện tích nhỏ nên sự bày bán rất hạn chế. Người tiêu dùng khó vào cửa hàng để lựa chọn đồ mà mình yêu thích”.
Ông Trần Anh Tuấn, một chuyên gia bán lẻ, nhận định rằng nguyên nhân khiến các đại lý truyền thống ngày càng lép vế trước sức ép của các chuỗi hiện đại là do khả năng quản trị, kỹ thuật phân phối, kỹ năng bán hàng của đại lý còn hạn chế.
Cơn gió đổi chiều
Hơn 10 năm trước, các cửa hàng tiện lợi đầu tiên đã xuất hiện tại Việt Nam. G7 Mart của Trung Nguyên ra đời từ thời điểm đó. Tuy nhiên, lúc ấy mô hình chưa thành công.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ, từng lý giải rằng hơn 10 năm trước, người tiêu dùng Việt Nam chưa quen với sự tiện lợi. Hơn nữa, giá cả tại các cửa hàng tiện lợi cũng cao hơn tại các đại lý và cả siêu thị. Người tiêu dùng Việt Nam thời đó chưa sẵn sàng chi trả số tiền nhỉnh hơn giá chợ và đại lý.
Bà Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc Hãng Nghiên cứu thị trường Nielsen, cũng từng nhận định, sở dĩ cửa hàng tiện lợi và siêu thị mini có sự phát triển nhanh là bởi đáp ứng được nhu cầu của phần lớn những người tiêu dùng trẻ tuổi và có cuộc sống bận rộn. Cửa hàng tiện ích không chỉ có chủng loại hàng hóa phong phú, tốc độ dịch vụ nhanh mà còn bảo đảm vệ sinh. Thực phẩm đang là yếu tố đóng vai trò gia tăng doanh thu của kênh bán hàng này.
Bên cạnh đó, các cửa hàng tiện lợi nằm ở các khu vực đông dân cư, chung cư, khu đô thị nên đã đáp ứng được nhu cầu mua sắm nhanh của người dân. Do đó, tương lai, cơ hội phát triển cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini là rất cao.
Thế Trần
Theo Trí Thức Trẻ