Công văn số 6781/BGTVT-VT ngày 22/6/2017 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) yêu cầu Uber và Grab không áp dụng dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng đã làm dấy lên lo ngại rằng, liệu có sự hiểu sai về bản chất dịch vụ.
Dịch vụ đi xe chung giúp tăng năng lực giao thông
Nguyên nhân của yêu cầu này được nhận định, do dịch vụ GrabShare (đi xe chung) không phù hợp với quy định hiện hành. Cụ thể, theo Bộ GTVT, với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi nên việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.
Sau khi ban hành quyết định, nhiều chuyên gia lo ngại, liệu có sự hiểu sai về bản chất của dịch vụ. Về cơ bản GrabShare không phải làm tăng hữu cơ số lượng xe vận chuyển, mà ngược lại, đây là giải pháp tối ưu hóa năng lực vận chuyển của lượng xe lưu thông hiện hữu đang gây ách tắc lớn tại các đô thị.
Dịch vụ đi chung xe góp phần giảm tình trạng ách tắc giao thông đang phổ biến ở các thành phố lớn. |
Cụ thể, trong khi các hãng taxi truyền thống tăng số lượng xe để phục vụ, thì Grab đang theo hướng, thay vì một chiếc xe chỉ chuyên chở một hành khách, nếu cùng lộ trình sẽ vận chuyển thêm các hành khách khác, nhằm tối ưu hóa năng lực, nhưng không làm tăng thêm phương tiện vận chuyển. Như vậy, về bản chất không những tiết kiệm chi phí cho người dùng, không phải tăng thêm lượng xe, vừa tránh được ùn tắc, lãng phí nhiên liệu, vừa hạn chế ô nhiễm môi trường.
Chính vì nhìn thấy điểm ưu việt này, khi khảo sát và tham dự lễ ra mắt dịch vụ, nên ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, cho biết: “Về dịch vụ GrabShare, chúng ta xác định, trên cùng một phương tiện, nếu chỉ có một khách thì thật lãng phí, mà có thể có 2, 3 khách. Thông thường, chúng ta có thể có đến 3, 4 người cùng đến một vị trí, người này lên trước rồi đến chỗ kia đón người khác. Dịch vụ này sẽ góp phần làm giảm số chuyến đi bằng ô tô tham gia giao thông, trong khi số người đi lại sẽ tăng lên. Rõ ràng, nguy cơ ùn tắc giao thông cũng sẽ được giảm đi, rủi ro tai nạn giảm đi, góp phần giảm thiểu mức phát thải ô nhiễm môi trường từ hoạt động giao thông, vận tải đô thị và giúp các thành phố như Hà Nội, TP.HCM - nơi có dịch vụ này hoạt động, sẽ trở thành các thành phố xanh - sạch - đẹp hơn, giao thông thông suốt hơn, thuận tiện hơn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân".
Ở góc độ người trong cuộc, bà Nguyễn Thu An, Giám đốc Truyền thông Grab Việt Nam cho biết, GrabShare là một tính năng mới của GrabCar và hoàn toàn nằm trong phạm vi của Đề án Thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar. Grab vẫn đang làm việc tích cực với Bộ GTVT để hoàn thiện về mặt kỹ thuật, cụ thể là về phương thức thể hiện của hợp đồng vận tải cho phù hợp với các quy định hiện hành.
“Grab tin rằng, chỉ cần một tính năng mang lại lợi ích cho người dân, cho doanh nghiệp và cho xã hội, thì các cơ quan Chính phủ sẽ hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện phát triển, như khi Chính phủ và Bộ GTVT đã thể hiện khi chấp thuận thí điểm xe hợp đồng điện tử GrabCar”.
Kinh tế chia sẻ là xu hướng
Bình luận dưới góc độ lợi ích kinh tế lẫn tiết kiệm chi phí, TS. Phạm Sanh phân tích, khác với GrabCar hay GrabTaxi, mô hình này cho phép các khách hàng có nhu cầu dịch vụ được sử dụng chung xe trên một đoạn đường nhất định, với taxi 4 chỗ được rước tối đa 2 lần, mỗi lần tối đa 2 người.
Như vậy, về mặt kinh tế, người đi xe sẽ trả tiền ít hơn từ 20 đến 30%, chở cùng lúc nhiều người nên hiệu quả sử dụng xe cao hơn, giảm phát thải khí CO2... Đặc biệt, trong tình hình kẹt xe nghiêm trọng tại các thành phố lớn ở Việt Nam hiện nay và trong lúc hạ tầng giao thông, hệ thống giao thông công cộng còn gặp nhiều khó khăn, thì mô hình đi xe chung là khá phù hợp, bởi nó vừa đảm bảo nhu cầu đi lại người dân đô thị, vừa giảm bớt số lượng xe di chuyển trên đường.
Còn theo TS., Kiến trúc sư Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, khái niệm “kinh tế chia sẻ” (Sharing Economic) rất rộng và đến nay cũng đã áp dụng trên khá nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường, khoa học và công nghệ. Lĩnh vực giao thông vận tải cũng không đi ngoài xu hướng này, khi cái tôi chuyển thành chúng ta, các bên tham gia cùng có lợi, dịch vụ tốt, phục vụ 24/24...
“Nếu người đi xe tiết kiệm được từ 20 đến 30%, thì tài xế cũng có thu nhập khá hơn ít ra trên 10% khi chở cùng lúc 2 đợt khách (với 2 lần trả tiền). Mô hình đi chung xe, nếu thực hiện được, chắc chắn có lợi cho người đi, cho tài xế và cả xã hội cộng đồng”, ông Kim Cương nhận định.
TS. Ngô Viết Nam Sơn, chuyên gia quy hoạch giao thông đô thị cho hay, ở các nước phát triển như Anh, Mỹ, Australia, Singapore, Hàn Quốc…, chính quyền đưa ra quy định gọi là “đường dùng chung”, tức là những tuyến đường đó quy định đối với xe hơi 4 chỗ bắt buộc phải có 3 người trở lên ngồi di chuyển thì mới được đi vào tuyến đường ưu tiên này. Trong trường hợp một xe ô tô cá nhân không đủ người ngồi, thì có thể cho người khác ngồi (những người đó không phải mất đồng phí nào khi di chuyển), để được đi vào tuyến đường ưu tiên. Đổi lại sẽ không kẹt xe, đảm bảo thời gian cho công việc theo đúng kế hoạch, tiết kiệm chi phí nhiên liệu khi di chuyển… Đây được coi là giải pháp thông minh để giảm lượng khí thải và áp lực cho hạ tầng giao thông.
Liên hệ mô hình này để nói về hình thức đi chung xe - GrabShare đang có nhiều tranh cãi nên, hay không nên cho phép triển khai, ông Sơn cho rằng, hình thức “đi chung xe” cần được khuyến khích và nhân rộng tại các đô thị lớn ở Việt Nam. “Như vậy, bài toán quá tải giao thông mới có cơ hội được giải đáp”, ông Nam Sơn khẳng định thêm.
Bảo Minh / baodautu