Sản lượng ôtô xuất xưởng của Việt Nam là 50.000 xe trong khi Thái Lan đạt 1,91 triệu, gấp gần 40 lần năm 2015.
Thống kê của tổ chức các nhà sản xuất ôtô thế giới (OICA), năm 2015, Việt Nam xuất xưởng tổng cộng chỉ 50.000 chiếc, tương đương khoảng 0,055% tổng sản lượng xe toàn thế giới. Sản xuất ôtô của Việt Nam đang ở mức thấp trong khu vực, dẫn đầu là Thái Lan 1,91 triệu chiếc, Indonesia 1,1 triệu chiếc, Malaysia 615.000 chiếc…
So với một số đại gia châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức…, sản lượng sản xuất xe của Việt Nam rất nhỏ bé.
Theo Công ty Chứng khoán Đại Nam (DNSE), hai nguyên nhân chính của sự chậm phát triển công nghiệp ôtô Việt Nam là do sự yếu kém của ngành sản xuất linh kiện phụ trợ và sự thiếu đồng bộ trong cơ sở hạ tầng giao thông.
Thái Lan từ lâu đã trở thành công xưởng ôtô của thế giới.
Hiện Việt Nam có đến 17 công ty lắp ráp ôtô nhưng chỉ có 33 công ty công nghiệp hỗ trợ cấp 1 và 181 công ty cấp 2. Trong khi Thái Lan cũng có số doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ôtô tương đương nhưng có đến 709 doanh nghiệp hỗ trợ cấp 1 với 354 công ty của Thái Lan và 355 công ty có yếu tố nước ngoài. Số nhà cung cấp cấp 2, 3 và thấp hơn nữa của ngành công nghiệp ôtô Thái Lan là hơn 1.100 doanh nghiệp địa phương.
Số lượng doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất ôtô của Malaysia và Indonesia cũng lớn hơn nhiều so với Việt Nam, tại Malaysia là khoảng 280 nhà cung cấp cấp 1, 200 nhà cung cấp cấp 2 và tại Indonesia có 166 nhà cung cấp cấp 1 cùng với 336 nhà cung cấp cấp 2.
Hiện tại, tỷ lệ nội địa hóa của các doanh nghiệp ôtô trong nước rất thấp, chỉ đạt khoảng 10-30% tùy theo dòng xe, trong khi tỷ lệ nội địa hoá tại Thái Lan lên tới 70-80%. Muốn tăng tỷ lệ nội địa thì quy mô thị trường phải đủ lớn, doanh số xe đủ cao, và như vậy việc đầu tư lắp ráp mới tương xứng với thị trường.
Thứ hai, giá bán ôtô tại Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, thậm chí có nhiều dòng xe chênh tới 60-80%. Nguyên nhân là do chính sách thuế của Chính phủ rất cao đối với mặt hàng này. Để sở hữu một chiếc ôtô, người dân phải chi trả nhiều loại thuế, phí trong khi thu nhập bình quân tại Việt Nam chỉ khoảng 2.200 USD mỗi người năm 2015.
Sản lượng ôtô sản xuất Việt Nam thấp nhất khu vực.
"Năng lực sản xuất của ngành ôtô Việt chỉ dừng ở hai loại sản phẩm là xe du lịch và xe thương mại, trong đó xe du lịch chiếm tỷ trọng chủ yếu trên 90% với sản lượng ổn định khoảng 45.000 chiếc và xe thương mại đang dần được chú trọng hơn với sản lượng tăng dần qua các năm nhưng tỷ trọng vẫn rất thấp", DNSE cho biết, đồng thời nhận định, trong dài hạn, ngành sản xuất ôtô còn phải đối mặt với nhiều thử thách, khi các hiệp ước thương mại đưa thuế nhập khẩu xe ô tô về 0%.
Cụ thể, thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc từ khu vực ASEAN sẽ giảm về 0% năm 2018, và từ các quốc gia WTO sẽ giảm từ 70% về 47% năm 2019. Trong khi đó, doanh nghiệp lắp ráp ôtô trong nước hiện còn phụ thuộc vào sự bảo trợ của nhà nước.
Cùng với việc một số dòng xe nhỏ dưới 1,5 lít được giảm thuế tiêu thụ, dự báo sẽ có một cơn sốt nhập khẩu các dòng xe nhỏ này ồ ạt vào Việt Nam khi thuế từ khu vực ASEAN về 0%. Nếu bỏ Thông tư 20, có thể việc nhập khẩu sẽ tăng cao.
Thực tế, dù nhập khẩu ôtô cả nước trong 6 tháng qua sụt giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng nhập khẩu ôtô từ Thái Lan trong thời gian này đã tăng rất mạnh đạt 15.117 xe, kim ngạch 276,5 triệu USD, chiếm tới gần một phần ba tổng lượng xe nhập vào Việt Nam, và Thái Lan đã vượt Hàn Quốc, Trung Quốc và Ấn Độ để trở thành thị trường lớn nhất cung cấp ôtô nguyên chiếc cho Việt Nam.
Trong khi đó, kết thúc năm 2015, nước này mới chỉ đứng thứ tư trong số các quốc gia cung cấp xe cho thị trường Việt Nam, sau Trung Quốc, Hàn Quốc và Ấn Độ.
DNSE cho rằng, sức ép nhập khẩu ôtô từ Thái Lan đối với thị trường ôtô trong nước ngày càng cận kề hơn khi thuế nhập khẩu từ khu vực ASEAN đang giảm dần.
Giá ôtô của Việt Nam luôn ở mức cao nhất khu vực.
Nửa đầu năm 2016, tình hình sản xuất ôtô Việt Nam được cải thiện tích cực, tăng trưởng ấn tượng với khoảng 112.800 chiếc được sản xuất, tăng 127,2% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do các chính sách hỗ trợ sản xuất cũng như tiêu dùng của Chính phủ làm tăng nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) dự báo thị trường năm nay sẽ là 260.000 xe, tăng 10% so với năm 2015. Dự báo thị trường ôtô sẽ tiếp tục tăng nhưng khó đạt mức tăng trưởng cao như năm 2015, trong đó triển vọng cho tiêu thụ ôtô con là khả quan và tăng trưởng tiêu thụ xe tải sẽ chững lại đáng kể so với mức tăng mạnh của năm 2015.
Sự đi lên của nền kinh tế và thu nhập đầu người, cùng với chính sách lãi suất vẫn ở mức thấp giúp nâng cao khả năng tiêu thụ ôtô của người dân. Các chính sách thuế hỗ trợ xe lắp ráp trong nước và xe nhập khẩu từ khu vực ASEAN được nhận định sẽ tác động lớn đến tình hình tiêu thụ ôtô ở Việt Nam.
DNSE nhận định triển vọng tiêu thụ xe con là khả quan, đặc biệt là xe lắp ráp trong nước do chính sách thuế thay đổi làm tăng giá ôtô nhập khẩu. Những dòng xe dưới 9 chỗ ngồi lắp ráp trong nước hiện nay chủ yếu là dòng xe phổ thông có động cơ từ 2 lít trở xuống. Trong khi đó, theo biểu thuế tiêu thụ đặc biệt mới áp dụng từ 1/7/2016, dòng xe này sẽ có lộ trình giảm thuế khá nhiều giúp giá của một số dòng xe sẽ giảm đáng kể.
Tuy nhiên, sức tiêu thụ của xe tải sẽ chững lại trong năm 2016 vì động lực từ việc chênh lệch cung cầu vận tải dưới áp lực của quy định siết tải trọng sẽ dần đi vào mức cân bằng. Chính sách thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt thay đổi làm giá xe nhập khẩu không còn hấp dẫn như trước.
Động lực cho sức tiêu thụ xe tải trong năm 2016 sẽ đến từ nhu cầu thay xe hết niên hạn sử dụng. Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, có 19.000 xe tải sẽ hết niên hạn sử dụng trong năm 2016, tăng mạnh so với mức 15.000 xe của năm 2015.
Bạch Dương / VnExpress