Trong tài liệu công bố thông tin cổ phần hóa của Công ty mẹ - VEAM thì công ty này dự báo doanh thu tài chính giảm khá mạnh trong những năm tới.
Ảnh minh họa.
Ngày 29/08 tới đây, Công ty mẹ - Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) sẽ tiến hành bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) tổng cộng hơn 167 triệu cổ phần, tương đương 12,57% vốn điều lệ của VEAM.
Với mức giá khởi điểm ban đầu là 14.290 đồng/cổ phần, tổng giá trị của đợt IPO tối thiểu đã hơn 2.300 tỷ đồng và là đợt IPO lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2016.
"Nồi cơm" nghìn tỷ của VEAM
Là doanh nghiệp chuyên sản xuất các loại động cơ, máy nông nghiệp; sản xuất các loại linh kiện, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; chế tạo và lắp ráp ô tô - xe máy; vận chuyển hàng hóa,…, lợi nhuận mỗi năm của VEAM lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Tuy vậy, kết quả này không thực sự đến từ hoạt động sản xuất kinh doanh của VEAM mà phần lớn đến từ việc nhận cổ tức của các công ty liên kết.
Hiện tại, VEAM đang nắm giữ 30% cổ phần Honda Việt Nam và 20% cổ phần Toyota Việt Nam, ngoài ra công ty con của VEAM là Diesel Sông Công (Disoco) cũng đang sở hữu 25% Ford Việt Nam. Đây chính là “nồi cơm” mang về cho VEAM hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính 2015 của Công ty mẹ - VEAM, công ty có khoản doanh thu hoạt động tài chính lên tới 3.433 tỷ đồng. Trong đó, 2.676 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia từ Công ty Liên doanh Honda Việt Nam và 678 tỷ đồng là cổ tức, lợi nhuận được chia từ Công ty Liên doanh Toyota Việt Nam.
“Bi quan” về kết quả kinh doanh của Honda và Toyota Việt Nam
Tuy vậy, trong tài liệu công bố thông tin cổ phần hóa của Công ty mẹ - VEAM thì công ty này dự báo doanh thu tài chính giảm khá mạnh qua các năm, với doanh thu năm 2016, 2017, 2018 và 2019 lần lượt là 3.700 tỷ đồng, 3.200 tỷ đồng, 2.500 tỷ đồng và 2.600 tỷ đồng.
Như vậy, có thể nói, VEAM không kỳ vọng nhiều, thậm chí là có phần bi quan về kết quả kinh doanh của Honda Việt Nam và Toyota Việt Nam trong những năm tới đây.
Giải thích về vấn đề này, tại buổi roadshow giới thiệu cơ hội đầu tư vào VEAM sáng nay (12/8), ông Bùi Quang Chuyện, Chủ tịch Hội đồng thành viên VEAM cho biết, trong những năm vừa qua, 3 liên doanh với Honda Việt Nam, Toyota Việt Nam và Ford Việt Nam mang lại lợi nhuận rất cao cho công ty, do các doanh nghiệp này chưa có kế hoạch mở rộng sản xuất kinh doanh nên phần lớn lợi nhuận được dùng chia cổ tức.
Tuy nhiên, trong những năm tới, cùng với quá trình hội nhập, các công ty này sẽ bị cạnh tranh rất khốc liệt. Một trong những thử thách lớn nhất chính là việc từ ngày 1/1/2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước Asean sẽ bằng 0%. Chính sách nhập khẩu xe ô tô này chắc chắn có ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của Toyota và Honda.
“Năm 2017, các nhà sản xuất đã bắt đầu phải thận trọng về mặt sản lượng bởi nhiều nhà đầu tư, người tiêu dùng vẫn đang chờ năm 2018 giá xe ô tô có thể giảm. Do đó lượng sản xuất ô tô của Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam dự báo sẽ giảm, kéo cả doanh thu và lợi nhuận sẽ giảm theo”, ông Chuyện cho biết.
Về thị trường xe máy, Chủ tịch VEAM nhận định, đến năm 2020 vẫn duy trì ổn định về mặt sản lượng, khoảng 2 triệu xe máy, trong đó Honda chiếm 70% thị phần. Tuy nhiên, sau năm 2020, dự báo sẽ bão hòa và tại các thành phố lớn sẽ giảm sử dụng xe máy.
Theo đó, lãnh đạo VEAM cho biết, trong những năm tới, dự báo lợi nhuận của công ty sẽ giảm, một phần do chính sách, một phần do nhu cầu của thị trường.
Về kế hoạch tái cơ cấu tổng công ty, lãnh đạo VEAM cho biết, trong thời gian tới, VEAM sẽ cho các công ty con chuyển thành công ty cổ phần và VEAM giữ cổ phần chi phối, với các công ty sở hữu trên 51% sẽ thoái vốn đến 36% và với các công ty liên kết tùy thuộc vào kết quả kinh doanh sẽ giữ hoặc thoái vốn. Theo đó, đến năm 2020 VEAM cơ bản sẽ hoàn thành chương trình tái cơ cấu và thoái vốn tại công ty con.
Với công ty mẹ, Thủ tướng đã giao bộ Công thương chỉ đạo VEAM xây dựng lộ trình thoái vốn của Bộ Công thương tại VEAM đến năm 2018 khi đó Nhà nước sẽ không giữ cổ phần chi phối còn tỷ lệ sở hữu bao nhiêu tủy thuộc vào điều kiện cụ thể.
Ngày 22/8 là hạn cuối cùng để nộp hồ sơ nhà đầu tư chiến lược và giá bán cho nhà đầu tư chiến lược sẽ không thấp hơn giá đấu thành công bán đấu giá đại chúng. Như vậy VEAM vẫn chưa chốt nhà đầu tư chiến lược, dự kiến sẽ không quá 3 nhà đầu tư chiến lược.
Trần Thúy / BizLIVE