Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, việc gia nhập công ước 105 của ILO về xóa bỏ lao động cưỡng bức vì chính lợi ích của Việt Nam, không vì sức ép nào…
Phiên họp chiều 20/5, Quốc hội nghe tờ trình về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về xóa bỏ lao động cưỡng bức.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh.
Theo nội dung trình bày của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Công ước số 105 là một trong tám công ước cơ bản của ILO, là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bở lao động cưỡng bức (Việt Nam đã gia nhập Công ước số 29 năm 2007). Tính đến tháng 2/020, trên thế giới đã có 173 trên tổng số 187 quốc gia thành viên của ILO tham gia Công ước này.
Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh, việc Việt Nam gia nhập Công ước số 105 là rất cần thiết và có ý nghĩa trên tất cả các mặt chính trị, pháp lý và kinh tế - xã hội. Đối tượng hướng đến của Công ước số 105 là người lao động.
Việc xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần làm lành mạnh hóa quan hệ lao động, tạo ra môi trường lao động ổn định, hài hòa để người lao động yên tâm làm việc và nâng cao hiệu quả lao động.
Người sử dụng lao động cũng được hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần ổn định lực lượng lao động, tăng cường quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Tương tự, Nhà nước và xã hội hưởng lợi do xóa bỏ lao động cưỡng bức sẽ góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, từ đó góp phân ổn định và phát triến kinh tế - xã hội.
“Việc xóa bỏ, không có lao động cưỡng bức sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng hơn trong việc tiếp cận thị trường thế giới để xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của mình, nhất là thị trường Hoa Kỳ và Châu Âu. Đây là lợi ích lớn có được từ việc gia nhập và thực hiện Công ước số 105” - tờ trình của Chủ tịch nước nêu rõ.
Cũng theo tờ trình, việc gia nhập Công ước số 105 có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích của người lao động, từ đó xây dựng hệ thống quan hệ lao động hài hòa, ổn định, góp phần tăng cường sự ổn định của an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội.
Việc gia nhập Công ước sổ 105 bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; phù hợp với đường lối đối ngoại của Nhà nước ta với phương châm độc lập, tự chủ, hòa bình, họp tác và phát triển; phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế thông qua việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Nêu ý kiến của cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm UB Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước số 105 phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong hội nhập quốc tế về lao động, xã hội.
Việc này cũng khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết liên quan đến lao động trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thực hiện nghĩa vụ của Việt Nam với trách nhiệm là quốc gia thành viên ILO.
“Thời gian qua hệ thống pháp luật Việt Nam đang từng bước được hoàn thiện góp phần tăng cường và củng cố cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam” – ông Giàu nhận định.
Đánh giá cụ thể hơn, ông Giàu cho biết, việc gia nhập Công ước số 105 của ILO có tác động tích cực về chính trị, đối ngoại, đồng thời góp phần bảo đảm môi trường kinh doanh quốc gia lành mạnh, công bằng, giúp cho hàng hóa của các doanh nghiệp khi xuất khẩu sang thị trường nước ngoài tránh được các rủi ro bị tẩy chay bởi quốc gia nhập khẩu hàng hóa đó.
Tuy nhiên, ông Giàu lưu ý, việc gia nhập Công ước số 105 sẽ gặp phải một số thách thức nhất định như: năng lực của người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức có liên quan để phòng, chống và xóa bỏ lao động cưỡng bức còn hạn chế; cơ chế kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các quy định pháp luật trong lĩnh vực lao động liên quan theo quy định của Công ước số 105 còn tiếp tục rà soát, hoàn thiện.
Qua rà soát, ông Giàu khẳng định, các quy định của Công ước số 105 phù hợp với các quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UB Thường vụ Quốc hội, do đó không đề xuất, kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật nói trên để thực hiện Công ước này.
Dù vậy, có ý kiến cho rằng, để việc thực hiện các cam kết của Công ước số 105 có hiệu quả và có tính khả thi cao, Chính phủ cần ban hành quy định hướng dẫn chi tiết các dạng hành vi của lao động cưỡng bức, tạo hành lang pháp lý minh bạch giúp cơ quan thực thi pháp luật hoặc người lao động hay doanh nghiệp phát hiện nhanh chóng tình trạng lao động cưỡng bức.
Có ý kiến đề nghị rà soát việc lao động của phạm nhân trong trại giam quy định tại luật Thi hành án hình sự năm 2019.
Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung báo cáo trước Quốc hội.
Báo cáo thêm về các vấn đề được nêu ra, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung giải thích việc đến thời điểm này Việt Nam mới xem xét việc gia nhập Công ước 105, thay vì phê chuẩn luôn khi gia nhập Công ước 29 từ nhiều năm trước vì cần có quá trình chuẩn bị. Khi gia nhập Công ước 29, thực tế Việt Nam đã xem xét nội dung Công ước 105 nhưng nhận thấy thời điểm đó chưa đủ điều kiện tham gia khi còn nhiều văn bản pháp luật có độ “vênh” nhất định.
Đến thời điểm này, xác định Công ước 105 là tiến bộ, văn minh, Thủ tướng và Chính phủ đã chỉ đạo Bộ xem xét thật thấu đáo các vấn đề. Bộ Lao động đã tham vấn các tổ chức quốc tế như ILO ở nhiều khía cạnh.
Về cơ sở pháp lý, đến nay, pháp luật Việt Nam cũng hoàn toàn phù hợp, không có nội dung gì trái ngược công ước 105.
“Việc gia nhập công ước này vì chính lợi ích của Việt Nam, vì quyền công dân, quyền con người, để thực hiện chủ trương của Việt Nam là cương quyết chống, không chấp nhận lao động vưỡng bức. Vậy nên việc tham gia Công ước này là hoàn toàn tự nguyện, không vì sức ép nào” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung quả quyết.
Với nghi ngại về lao động của phạm nhân trong trại giam, Bộ trưởng Lao động phân tích, đó là những ý kiến không đầy đủ, chưa thực chất. Theo quy định của luật Thi hành án hình sự, lao động của phạm nhân tại trại giam không thuộc phạm vi điều chỉnh của công ước 105 mà thuộc phạm vi điều chỉnh của Công ước 29. Theo Công ước 29, lao động của phạm nhân được xem là trường hợp ngoại lệ, không phải lao động cưỡng bức vì lao động là công cụ để “cải tạo” phạm nhân, người phạm nhân làm việc trong điều kiện quản lý của trại giam và cũng không bị chuyển nhượng hoặc chịu chi phối, điều khiển của tư nhân.
Nếu việc lao động của phạm nhân có yếu tố thương mại thì cũng có sự thỏa thuận, có hợp đồng lao động, người phạm nhân được hưởng phần thành quả lao động của mình.
Lãnh đạo Bộ Lao động thông tin thêm, tham khảo kỹ kinh nghiệm của các nước thì thấy đều có lao động phạm nhân tương tự.
Kết luận là việc gia nhập Công ước 105 tại thời điểm này cho thấy sự thận trọng cần thiết, khẳng định sự chuẩn bị kỹ càng trong quá trình hội nhập, phù hợp với lộ trình có cam kết của Việt Nam, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc này truyền đi thông điệp mạnh mẽ về việc Việt Nam thể hiện trách nhiệm thực hiện những việc cam kết khi là thành viên của ILO.