1. Vị trí địa lý kinh tế
Hòa Bình là tỉnh miền núi thuộc vùng tây bắc Việt Nam; phía đông giáp thành phố Hà Nội, phía bắc giáp tỉnh Phú Thọ; phía tây giáp tỉnh Sơn La và Thanh Hóa, phía đông nam giáp tỉnh Hà Nam, Ninh Bình; Trung tâm hành chính tỉnh cách Thủ đô Hà Nội 76 km theo đường quốc lộ 6, là khu vực đối trọng phía Tây của Thủ đô Hà Nội, có vị trí quan trọng trong chiến lược khu vực phòng thủ và cả nước.
Hoà Bình có mạng lưới giao thông đường bộ và đường thủy tương đối phát triển so với các tỉnh trong vùng, trong đó có các tuyến đường quốc lộ quan trọng đi qua như: đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 6, trong tương lai là đường cao tốc Hòa Bình - Hòa Lạc - Hà Nội... Mạng lưới giao thông phân bố khá đều khắp, kết nối Hoà Bình với các tỉnh trong khu vực và các địa phương trong tỉnh khá thuận lợi.
Có nguồn điện lực lớn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình, hồ Hòa Bình có tác dụng quan trọng trong việc điều tiết nước cho hệ thống sông Hồng.
2. Điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên
2.1 Địa hình
Đặc điểm nổi bật của địa hình tỉnh Hòa Bình là đồi, núi dốc theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, chia thành 2 vùng rõ rệt:
- Phía Tây Bắc (vùng cao): Bao gồm các dải đồi núi lớn, bị chia cắt nhiều, độ cao trung bình so với mực nước biển từ 500-600m, nơi cao nhất là đỉnh núi Phu Canh (huyện Đà Bắc) cao 1.373m. Độ dốc trung bình từ 30-350, có nơi dốc trên 400, địa hình hiểm trở, đi lại khó khăn.
- Phía Đông Nam (vùng thấp): thuộc hệ thuỷ sông Đà, sông Bôi, sông Bưởi, sông Bùi, gồm các huyện Kỳ Sơn, Tân Lạc, Kim Bôi, Lương Sơn, Yên Thuỷ, Lạc Thuỷ, Lạc Sơn, thành phố Hoà Bình. Địa hình gồm các dải núi thấp, ít bị chia cắt, độ dốc trung bình từ 20-250, độ cao trung bình so với mực nước biển từ 100-200 m, đi lại thuận lợi.
2.2 Khí hậu
Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, độ ẩm trung bình 60%, cao nhất tới 90% vào tháng 8 và tháng 9, thấp nhất là 75% vào tháng 11 và tháng 12. Do khí hậu nhiệt đới gió mùa nên khí hậu được chia làm 2 mùa rõ rệt trong năm:
- Mùa mưa: Kéo dài từ tháng 4 đến tháng 10 trong năm, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình 24°°C, cao nhất 38-39°C vào tháng 6 và tháng 7, lượng mưa trung bình từ 1.700-1.800 mm (trên 90% tổng lượng mưa cả năm).
- Mùa khô: Kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 3 năm sau, thời tiết lạnh, ít mưa, nhiệt độ trung bình 15-16°C, thấp nhất 5°C vào tháng 1 và tháng 12, ở vùng núi cao có nơi nhiệt độ xuống tới 2°C, lượng mưa từ 100-200 mm (chiếm 10% lượng mưa cả năm).
Khí hậu Hòa Bình nhìn chung tương đối phức tạp, mưa nắng thất thường tạo ra các vùng tiểu khí hậu khác nhau trên địa bàn tỉnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.
2.3 Tài nguyên đất
- Tài nguyên đất: Diện tích đất tự nhiên của tỉnh Hoà Bình tính đến 1/1/ 2009 là 4.595,2 km²; gồm 3 nhóm chính: Nhóm Feralit phát triển trên đá trầm tích và biến chất kết cấu hạt thô trên các loại đá chủ yếu là sa thạch Pocfirit Spilit; nhóm đất phát triển trên đá trầm tích và biến chất có kết cấu hạt mịn trên các loại đá phiến thạch sét, diệp thạch; nhóm Feralit phát triển trên đá vôi và biến chất của đá vôi.
Đất đai có độ màu mỡ cao thích hợp với nhiều loại cây trồng. Với hàng trăm ngàn ha đất gồm các lô đất liền khoảnh có thể sử dụng vào các mục đích khác nhau nhất là trồng rừng, trồng cây công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến nông - lâm sản và phát triển công nghiệp. Phần đất trống, đồi núi trọc khó phát triển nông nghiệp và trồng rừng có diện tích khá lớn thuận lợi cho việc phát triển và mở rộng các khu công nghiệp.
- Tình hình sử dụng đất:
Đến năm 2010, diện tích đất nông nghiệp là 352,9 nghìn ha, chiếm 76,58% diện tích tự nhiên, trong đó đất rừng có diện tích khá lớn (đất rừng phòng hộ 112,3 nghìn ha, đất rừng sản xuất 144,1 nghìn ha), trong diện tích đất trồng lúa không nhiều, chỉ có 29,9 nghìn ha.
Diện tích đất chưa sử dụng còn khá lớn là 48,8 nghìn ha, chiếm 10,58% diện tích tự nhiên toàn tỉnh.
2.4 Tài nguyên nước
Có mạng lưới sông, suối phân bổ khắp trên tất cả các huyện, thành phố. Nguồn cung cấp nước lớn nhất của Hoà Bình là sông Đà chảy qua các huyện: Mai Châu, Đà Bắc, Tân Lạc, Kỳ Sơn và thành phố Hoà Bình với tổng chiều dài 151 km. Hồ Hoà Bình với diện tích mặt nước khoảng 8.000 ha, dung tích 9,5 tỷ m3 ngoài nhiệm vụ cung cấp điện cho Nhà máy Thủy điện Hoà Bình còn có nhiệm vụ chính là điều tiết và cung cấp nước cho vùng Đồng bằng sông Hồng.
Ngoài ra, Hoà Bình còn có 2 con sông lớn nữa là sông Bôi và sông Bưởi cùng khoảng 1.800 ha ao hồ, đầm nằm rải rác trên địa bàn tỉnh. Đây cũng là nơi trữ nước, điều tiết nước và nuôi trồng thuỷ sản tốt.
Bên cạnh đó nguồn nước ngầm ở Hoà Bình cũng có trữ lượng khá lớn, chủ yếu được khai thác để sử dụng trong sinh hoạt. Chất lượng nước ngầm ở Hoà Bình được đánh giá là rất tốt, không bị ô nhiễm. Đây là một tài nguyên quan trọng cần được bảo vệ và khai thác hợp lý.
2.5 Tài nguyên rừng
Năm 2009 diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Hoà Bình là 251.315 ha, chiếm 54,7% diện tích tự nhiên; trong đó đất rừng tự nhiên 151.949 ha, đất rừng trồng 98.250 ha. Rừng Hòa Bình có nhiều loại gỗ, tre, bương, luồng; cây dược liệu quý như dứa dại, xạ đen, củ bình vôi... Ngoài các khu rừng phòng hộ, phần lớn diện tích rừng trồng thuộc các dự án trồng rừng kinh tế hiện nay đã đến kỳ khai thác và tiếp tục được trồng mới mở rộng diện tích, hứa hẹn khả năng xây dựng các nhà máy chế biến quy mô lớn.
Trên địa bàn tỉnh Hoà Bình có các khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia, bao gồm: Khu bảo tồn thiên nhiên Hang Kia - Pà Cò, Khu bảo tồn thiên nhiên Thượng Tiến, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (chung với Thanh Hoá), Khu bảo tồn thiên nhiên Phu Canh, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn, Vườn quốc gia Cúc Phương (chung với Ninh Bình và Thanh Hoá), Vườn Quốc gia Ba Vì (chung với Hà Nội) và khu bảo tồn đất ngập nước lòng hồ Hoà Bình. Đây là các khu vực có đa dạng sinh học cao, có giá trị đối với phát triển du lịch.
2.6 Tài nguyên khoáng sản
Hoà Bình có nhiều loại khoáng sản, một số khoáng sản đã được tổ chức khai thác như: Amiăng, than, nước khoáng, đá vôi... Đáng lưu ý nhất là đá, nước khoáng, đất sét có trữ lượng lớn.
- Đá gabrodiaba trữ lượng 2,2 triệu m³.
- Đá granit trữ lượng 8,1 triệu m³.
- Đá vôi: trên 15 tỷ m³.
- Sét 8,935 triệu m³.
- Đôllomit, Barit, cao lanh có trữ lượng lớn, trong đó một số mỏ còn chưa được xác định rõ về trữ lượng.
- Vàng xa khoáng.
- Sắt: Tổng trữ lượng khoảng 680 nghìn tấn.
- Than đá: 982 nghìn tấn cấp C1.
- Nước khoáng Kim Bôi, Lạc Sơn.
- Ngoài ra còn có nhiều mỏ khoáng sản đa kim: Đồng, chì, kẽm, thuỷ ngân, antimon, pyrit, photphorit,... có trữ lượng ở các mức độ khác nhau.
Thế mạnh về khoáng sản của tỉnh là đá để sản xuất vật liệu xây dựng, nguyên liệu sản xuất xi măng, nước khoáng khai thác với quy mô công nghiệp.
Những điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên trên là những tiền đề rất quan trọng để tỉnh xây dựng Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.
(Nguồn: hoabinh.gov.vn)