Tuy không còn dồn dập các dự án quy mô lớn như những năm trước, nhưng Việt Nam vẫn luôn là địa điểm dừng chân lý tưởng, là “bãi đáp” của các đại gia công nghệ và đã trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của nhiều tập đoàn xuyên quốc gia.
Thống kê tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ đầu năm tới nay cho thấy, trong số các dự án quy mô lớn đầu tư vào Việt Nam, đã có 2 dự án “dính dáng” đến lĩnh vực công nghệ và cùng của đại gia công nghệ hàng đầu thế giới: Tập đoàn LG (Hàn Quốc). Đó là Dự án LG Display Hải Phòng, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, chuyên sản xuất và gia công màn hình OLED cho các thiết bị di động và Dự án LG Innotek Hải Phòng, vốn đầu tư 550 triệu USD, chuyên sản xuất các module camera.
Thêm 2 dự án này, LG đã chính thức nâng vốn đầu tư tại Việt Nam lên 3,55 tỷ USD và đang dần từng bước biến Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu của mình. Bởi vì, cùng với tổ hợp công nghệ sản xuất các thiết bị điện tử gia dụng, điện thoại, vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, thì LG đã “dấn” thêm một bước nữa ở thị trường Việt Nam khi quyết định xây dựng thêm các nhà máy chuyên sản xuất các linh kiện quan trọng cho các nhà máy của mình tại Việt Nam và trên toàn cầu.
Sự xuất hiện 2 dự án của LG cũng đủ để củng cố thêm cho nhận định của ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) rằng, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI trong ngành công nghệ, đặc biệt là công nghiệp điện tử.
Thậm chí, theo GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp FDI, Việt Nam đang có một cơ hội chưa từng có để thu hút đầu tư từ các đại gia công nghiệp nước ngoài. Cơ hội đó đã bắt đầu xuất hiện từ khi Intel quyết định đầu tư vào Việt Nam và trở thành cú hích lớn để nhiều đại gia công nghệ đổ vào Việt Nam.
Nhưng làn sóng chỉ thực sự đến khi Samsung liên tục dốc vốn vào Việt Nam. Chỉ riêng khoản đầu tư của Samsung đã lên tới khoảng 15 tỷ USD, cùng cả trăm nhà đầu tư vệ tinh theo Samsung vào Việt Nam, với tổng vốn đăng ký cũng lên tới hàng tỷ USD. Việt Nam cũng đã thực sự trở thành công xưởng lớn của thế giới khi có tới 35% điện thoại của Samsung được sản xuất tại đây. Chưa kể, của LG, của Microsoft…
Cùng điện thoại di động, nhiều nhà sản xuất trong lĩnh vực điện tử, công nghệ cao cũng không ngừng mở rộng đầu tư ở Việt Nam. Những cái tên thường được nhắc đến là Bosch, Canon, Jabil Circuit Inc, Nidec, rồi Fuji Xerox, Kyocera… Sự xuất hiện của các đại gia công nghệ này đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong lĩnh vực này tăng trong vòng 3-5 năm qua.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 11 tháng qua, riêng xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã đạt 31,3 tỷ USD. Cộng thêm với khoảng 16,8 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu các thiết bị điện tử, máy tính và linh kiện, thì tổng kim ngạch xuất khẩu của lĩnh vực này đã lên tới trên 48 tỷ USD - con số mà cách đây nhiều năm, Việt Nam chưa từng “mơ” tới. Con số này chiếm gần một nửa so với tổng kim ngạch xuất khẩu 114,076 tỷ USD mà khu vực FDI đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam 11 tháng qua (chưa kể dầu thô).
Kim ngạch và tỷ trọng xuất khẩu lớn đã khẳng định vai trò và cả sức hấp dẫn của dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghệ, công nghiệp điện tử tại Việt Nam. Tuy nhiên, một cách thẳng thắn, chính Cục Đầu tư nước ngoài cũng đã đề cập mức độ gia công còn lớn trong lĩnh vực này và coi đó như một trong những hạn chế của dòng vốn FDI trong lĩnh vực công nghiệp điện tử vào Việt Nam.
Cục Đầu tư nước ngoài cũng đề xuất các chính sách nhằm thu hút FDI vào lĩnh vực này, đó là khuyến khích chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện nghiên cứu và phát triển (R&D), phát triển công nghiệp hỗ trợ để tăng cường kết nối với doanh nghiệp FDI…
Điều đáng mừng, gần đây, các doanh nghiệp FDI, ví dụ như Samsung, đã rất tích cực trong tổ chức chuỗi cung ứng ở Việt Nam. Cũng chính nhà đầu tư này đã “dốc hầu bao” 300 triệu USD để xây dựng một trung tâm R&D tại Hà Nội. Nếu như các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp điện tử, đều có những động thái tích cực như vậy, sẽ tối ưu hóa được lợi ích từ dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Hà Nguyễn / baodautu