Lấy ví dụ ở ngay chính Việt Nam và các nước như Nhật Bản, Đức..., Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - Khuất Việt Hùng cho rằng, đánh giá đi xe máy dễ tai nạn hơn ô tô là không chính xác.
Ngày 4/8, Ủy ban An toàn Giao thông (ATGT) Quốc gia và Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam ( VAMM ) đã tổ chức "Lễ ký kết hợp tác về An toàn giao thông giữa Ủy ban ATGT Quốc gia và VAMM năm 2016".
Tại buổi lễ, nhiều nhà chức trách và các chuyên gia cho rằng, Việt Nam khó có thể bỏ xe máy để thay thế ô tô.
Cứ 4 người trong gia đình ở TP HCM thì có 3 xe máy
Theo nghiên cứu về sở hữu và sử dụng xe máy tại TP HCM, TS Vũ Tuấn Anh, Trung tâm nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân trong sinh hoạt hàng ngày.
Khảo sát cho thấy, mỗi hộ dân ở TP HCM có trung bình 4,12 người, trong đó 2,29 người có việc làm và sở hữu 2,33 xe máy. “Thói quen sử dụng xe máy của người dân là không dễ từ bỏ vì sự tiện lợi và tính kinh tế của phương tiện này. Trong khi đó, các phương tiện công cộng khác chưa đủ hấp dẫn đại đa số người dân”, Tiến sĩ Vũ Anh Tuấn cho hay.
Nghiên cứu bởi Công ty cổ phần phát triển đô thị bền vững do TS. An Minh Ngọc, Phó giám đốc Công ty chủ trì cũng chỉ ra, tại Thái Nguyên, 75% chuyến đi có sử dụng xe máy trong tổng số khoảng 854,1 triệu chuyến trong toàn tỉnh.
Bình quân xe máy trên đầu người tại tỉnh là 0,5 - nghĩa là cứ 2 người sẽ có 1 người sử dụng xe máy. Điều này cũng cho thấy, xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính của cả người dân khu vực thành thị và nông thôn, miền núi.
Xe máy vẫn là phương tiện chủ yếu của người dân ở đô thị, tỉnh và miền núi.
Cũng đồng quan điểm về vai trò quan trọng của xe máy với người sử dụng Việt Nam, ông Yano Takeshi, Chủ tịch VAMM cho rằng, theo nghiên cứu của Hiệp hội cho rằng, xe máy sẽ còn được sử dụng trong thời gian dài ở cả nông thôn và đô thị.
"Do đó, các nhà sản xuất đã đầu tư dài hạn và vẫn đang trong quá trình cải tiến xe máy để nâng cao hiệu quả sử dụng cũng như tăng cường đảm bảo an toàn trên toàn quốc", đại diện VAMM cho hay.
Đi xe máy dễ tai nạn hơn ô tô là không chính xác
Tại buổi lễ, có nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề phát triển ô tô để giảm lượng xe máy, hạn chế tai nạn giao thông ở Việt Nam.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, cho đến thời điểm này, chưa có một cơ quan, thành viên nào đưa ra ý tưởng phát triển, ưu đãi ô tô thay thế xe máy.
Mới đây, các cơ quan có đề xuất việc tăng chế tài xử phạt đối với một số hành vi vi phạm giao thông như xe máy đi vào đường cao tốc, nồng độ cồn vượt quá ngưỡng cho phép, vượt đèn đỏ….Để một nghị định, quy định nào đi vào thực thi, thì Chính phủ phải thấy được lợi ích thiết thực và tính khả thi của nó, căn cứ vào thực tiễn.
Ông Hùng lấy ví dụ, nếu chúng ta có 42,5 triệu xe máy và 2,5 triệu ô tô, chiếm gần 6% nhưng số vụ tai nạn giao thông do ô tô gây ra đã chiếm tới 25% tổng số. Như vậy, nếu đưa ra kết luận đi xe máy tai nạn nhiều hơn ô tô là chưa sâu.
Về mặt cảm quan, đi xe máy dễ tai nạn hơn là đúng. Nhưng trên thế giới, nhiều ví dụ chứng minh điều này không phải. Như ở nhật Bản, năm 2004, 1.500 chết vì tai nạn giao thông ở Nhật và 2.500 người chết ở Đức cũng đều do điều khiển ô tô. Vì thế, chưa thể kết luận được rằng đi xe máy tai nạn nhiều hơn ô tô.
Mỹ Lan
Theo Trí Thức Trẻ