Ngoài TPP, Việt Nam vẫn đang tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do khác như FTA với Liên minh châu Âu, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN.
Thị trường tài chính Việt Nam dường như đang có căng thẳng nhất định kể từ cuối tháng 10. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần bắt đầu tăng nhẹ trở lại, trung bình tăng khoảng 0,16 điểm phần trăm. Thị trường chứng khoán diễn biến khá trầm lắng, VN-Index tiếp tục quanh mức 673 điểm khi các nhà đầu tư chăm chú quan sát tình hình mới, dù cuối năm nay, thị trường nhận được cú hích từ các thương vụ cổ phần hóa và niêm yết của các doanh nghiệp danh tiếng như Sabeco, Habeco, Vietjet Air , Novaland hay Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV).
Ở thị trường ngoại hối, tỉ giá niêm yết tại nhiều ngân hàng bắt đầu vượt mốc 22.480 VND/USD. Trước áp lực đó, vào ngày 18.11, Ngân hàng Nhà nước công bố tỉ giá trung tâm áp dụng là 22.112 VND/USD, tăng 100 đồng so với tuần trước và đây là mức cao nhất của tỉ giá trung tâm kể từ khi áp dụng hồi đầu năm nay. Có vẻ như Việt Nam bắt đầu cảm nhận sức tác động mang tên Donald Trump, tân Tổng thống Mỹ.
Bên bất lợi
Trên các diễn đàn chứng khoán trong những ngày gần đây, chủ đề được bàn tán xôn xao nhất giữa các nhà đầu tư là giá dầu sẽ diễn biến như thế nào khi Trump thắng cử. Điều này thật dễ hiểu bởi trong cương lĩnh tranh cử của mình, Donald Trump tuyên bố sẽ xóa bỏ chính sách giới hạn sản xuất dầu khí dưới thời Barack Obama, mở cửa cho ngành công nghiệp đá phiến bùng nổ để tạo hàng trăm ngàn việc làm, đồng thời giúp Mỹ thống trị ngành năng lượng thế giới.
Nhưng điều đó sẽ kìm hãm đà phục hồi mới chớm của giá dầu. Hiện giá thô WTI đã giảm từ mức 51 USD/thùng chỉ còn khoảng 45 USD/thùng. “Bóng ma” chính sách mới của Donald Trump cộng với những do dự của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trong cắt giảm sản lượng khai thác dầu khiến trong tương lai gần, giá dầu sẽ gặp nhiều thách thức, thậm chí có thể rơi trở lại xuống mức 20 USD/thùng.
Theo tính toán của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), nếu giá dầu thấp hơn 45 USD thì một số mỏ khai thác của Tập đoàn sẽ phải đóng cửa vì doanh thu không đủ bù chi phí. Bởi vậy, khá nhiều cổ phiếu dầu khí đã liên tiếp suy giảm trong các tuần gần đây. Cổ phiếu PVD của Tổng Công ty Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí đã rớt từ mức 26.000 đồng xuống chỉ còn 22.000 đồng; cổ phiếu PVS của Tổng Công ty Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam giảm từ 22.000 đồng xuống còn 18.000 đồng; hay cổ phiếu GAS của Tổng Công ty Khí Việt Nam giảm hơn 8%, xóa bỏ mức đỉnh 73.000 đồng được xác lập vào đầu tháng 10 vừa qua.
Cổ phiếu ngành dệt may, vải sợi cũng là những cổ phiếu nhạy cảm với các chính sách của Donald Trump, bởi với thiên hướng bảo hộ thương mại mới của mình, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khó lòng được Quốc hội Mỹ thông qua. Thậm chí, một sự điều chỉnh lại các điều khoản thỏa thuận sẽ tốn thêm nhiều chi phí giữa lúc kinh tế toàn cầu đang cần một cú hích như TPP để thúc đẩy tăng trưởng.
Đó là điều đáng thất vọng của 11 thành viên còn lại tham gia đàm phán TPP, bởi phải mất 6 năm để hiệp định này được đàm phán thành công với số lượng điều khoản thỏa thuận giữa các bên lên tới hàng ngàn trang.
Trong 2 năm qua, dòng vốn đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài đã đổ mạnh vào Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội mà TPP mang lại. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong nước như Vinatex, Dệt may Thành Công (TCM), Sợi Thế Kỷ (STK) cũng nỗ lực đầu tư thêm nhà máy, nâng cấp công nghệ, phát triển chuỗi nguyên phụ liệu để đảm bảo các nguyên tắc xuất xứ trong TPP. Điều đáng lo ngại là các khoản đầu tư trị giá nhiều triệu USD này đang có nguy cơ “lãng phí”, một khi TPP không được thông qua.
Xuất khẩu các sản phẩm dệt may trong 9 tháng đầu năm nay thực sự gặp khó khăn do phải cạnh tranh với Campuchia, Lào và Myanmar, vốn đang hưởng mức thuế suất ưu đãi xấp xỉ 0 % khi xuất vào Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), trong khi mức thuế mà Việt Nam phải chịu vẫn khá cao: trung bình 17% khi xuất vào thị trường Mỹ và EU là gần 10%. Nếu không có TPP, hàng dệt may chắc chắn sẽ gặp nhiều bất lợi, trong khi hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam - EU nhiều khả năng chỉ có thể phát huy hiệu lực vào năm 2018.
Ngoài dệt may, nhiều lĩnh vực có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như thủy sản, nông sản và đồ gỗ cũng gặp nhiều thách thức. Trong 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã thu hút được 17,6 tỉ USD vốn đầu tư FDI, giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu trong 10 tháng chỉ đạt 44 tỉ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ và thấp hơn mục tiêu 10% đặt ra cho năm nay.
Hiện tại, với áp lực lạm phát tại Mỹ đang quay trở lại khi Donald Trump mong muốn thực hiện các dự án chi tiêu công lớn, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng, khiến xác suất Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (FED) nâng lãi suất vào tháng 12 tới cao hơn bao giờ hết. Điều này đồng nghĩa với việc đồng USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục mạnh lên, mang đến nguy cơ dòng vốn sẽ tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và cận biên.
“Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có thể giảm nếu TPP không được thông qua. Thậm chí, dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) có khả năng giảm xuống do Mỹ có thể thu hút dòng vốn quốc tế tốt hơn nhờ thực thi chính sách tài khóa nới lỏng thông qua giảm thuế. Thêm vào đó, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ có thể tăng và kinh tế Mỹ có thể tăng trưởng tốt hơn trong các năm tới, khiến tài sản nước này hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư quốc tế”, ông Hoàng Huy, Trưởng phòng Phân tích doanh nghiệp của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhận định.
Một lĩnh vực khác sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực là bất động sản và xây dựng. Bởi nhu cầu văn phòng để thuê, nhà ở cho chuyên gia, khu công nghiệp và nhà xưởng có thể sẽ suy yếu hơn. Chính nhờ sự khởi sắc của dòng vốn đầu tư vào thị trường bất động sản mà trong 2 năm qua, các cổ phiếu ngành xây dựng như HBC (Hòa Bình), CTD (Coteccons), FCN (Fecon)... đã tăng trưởng vượt bậc. Hiện tỉ suất sinh lời khi cho thuê bất động sản ở Việt Nam lên đến 6-8%, thuộc dạng cao nhất khu vực, theo nghiên cứu của JLL Việt Nam, nhưng không gì đảm bảo tỉ lệ này sẽ được duy trì trong các năm tới.
Một nỗi lo sợ khác cho Việt Nam và các quốc gia châu Á là nguy cơ về một cuộc chiến thương mại trên toàn cầu có thể diễn ra với ngòi nổ là mối quan hệ căng thẳng Mỹ - Trung. Hành động của Mỹ được dự đoán sẽ kéo theo phản ứng dây chuyền từ các quốc gia khác, ảnh hưởng xấu đến dòng chảy thương mại quốc tế, vốn đã rất yếu ớt trong các năm qua. Một khi thương mại đi xuống sẽ kéo theo các lĩnh vực liên quan như logistics, dịch vụ tài chính...
“Nếu các biện pháp bảo hộ thương mại gia tăng trên phạm vi toàn cầu, Trung Quốc có thể sẽ trả đũa bằng cách cho phép hạ giá đồng nhân dân tệ. Điều đó sẽ gây ra một cuộc chiến thương mại và làm tổn thương mọi quốc gia”, chuyên gia kinh tế Larry Hu của Ngân hàng đầu tư Macquarie Capital dự báo.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục hạ giá đồng nhân dân tệ so với đồng USD khi thiết lập tỉ giá tham chiếu 6.8945 NDT/USD, mức cao nhất kể từ tháng 12.2008. Do tiền đồng vẫn đang neo theo khá chặt so với đồng USD nên một khi nhân dân tệ giảm giá so với USD và Việt Nam không có các biện pháp điều chỉnh uyển chuyển, thì tiền đồng sẽ lên giá so với nhân dân tệ, tạo lợi thế cho hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam.
Đó là điều đáng ngại, bởi ngoài tỉ giá ra, hàng trăm mặt hàng từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ được giảm thuế về 0% từ nay đến năm 2018 theo lộ trình thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc, trong đó có nhiều sản phẩm cạnh tranh trực tiếp với các mặt hàng chủ lực trong nước như rau củ quả, thủy sản. Ngay cả ngành sắt thép, dù đã thực hiện áp thuế thương mại tự vệ lên một số sản phẩm sắt thép nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lượng sắt thép có giá rẻ tràn vào Việt nam vẫn tiếp tục ở mức đáng báo động, lên tới 3,25 tỉ USD chỉ trong 9 tháng đầu năm.
Nhưng dư địa để điều chỉnh tỉ giá của Việt Nam xem ra cũng chẳng còn nhiều, bởi một sự điều chỉnh lớn sẽ gây áp lực lên các khoản nợ nước ngoài, nhất là nợ công đang ở mức khá cao: gần 65% GDP. Đó là chưa kể khá nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là ngành điện, đang có những khoản vay nước ngoài đáng kể. Một sự biến động nhỏ của tỉ giá cũng sẽ khiến lợi nhuận của các doanh nghiệp này suy giảm.
Bên hưởng lợi
Bên cạnh các lĩnh vực chịu tác động tiêu cực từ cục diện chính trị thay đổi ở Mỹ, cũng có một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi nhất định. Điển hình là ngành tiêu dùng thiết yếu. Chắc chắn Vinamilk và các doanh nghiệp sữa khác sẽ cảm thấy áp lực giảm bớt nếu TPP không được thông qua. Bởi khi đó, thương hiệu sữa dẫn đầu Việt Nam này sẽ không phải cạnh tranh sòng phẳng với doanh nghiệp sữa hàng đầu của 2 cường quốc xuất khẩu sữa Úc và New Zealand, nhất là khi các quốc gia này đang đối mặt với tình trạng dư thừa sữa do nhu cầu ở Trung Quốc sụt giảm gần đây.
Thực tế, dư địa cho thị trường sữa Việt Nam vẫn còn rất lớn nếu xét trên mức tiêu thụ sữa bình quân theo đầu người. Khảo sát của Nielsen cho thấy mức tiêu thụ sữa bình quân đầu người ở Việt Nam là 15 lít/năm, thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan (34 lít), Trung Quốc (25 lít). Vì thế, đây sẽ là cơ hội lớn để Vinamilk tích lũy thêm thị phần, gia tăng tốc độ tăng trưởng, mở rộng quy mô hơn nữa để tạo thế đứng vững chắc hơn trong các năm tới.
Một doanh nghiệp khác cũng có thể hưởng lợi phần nào từ các chính sách bảo hộ thương mại của Donald Trump là Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (Thaco). Nếu không có TPP, nhà sản xuất ô tô lớn nhất Việt Nam sẽ có chút rảnh tay hơn để đối phó với hãng xe trong khu vực ASEAN, tập trung vào nghiên cứu chế tạo để cải thiện tỉ lệ nội địa hóa doanh nghiệp và mở rộng chuỗi bán hàng.
Tương tự như ô tô, các doanh nghiệp viễn thông trong nước cũng sẽ hưởng lợi. Viễn thông là một trong những chương đàm phán căng thẳng nhất trong TPP, trong đó các quốc gia đàm phán đều hướng tới mục tiêu cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Nếu TPP được thông qua, các nhà kinh doanh viễn thông lớn của Việt Nam là Viettel, Mobifone, VinaPhone, FPT Telecom sẽ phải chiến đấu khốc liệt với các hãng viễn thông khổng lồ của các tập đoàn nước ngoài.
Các doanh nghiệp dược như Traphaco, Dược Hậu Giang, Dược phẩm OPC, Dược phẩm Bến Tre... sẽ ít nhiều yên tâm hơn trên một trường có giá trị 3,5 tỉ USD. Dược phẩm sẽ là ngành xóa bỏ hàng rào thuế quan ngay khi TPP có hiệu lực, dẫn đến các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tham gia nhiều hơn. Việc TPP không thông qua sẽ giúp các doanh nghiệp nội có thêm thời gian để mở rộng thêm hệ thống phân phối, mở rộng quy mô sản xuất và nghiên cứu các sản phẩm mới để cạnh tranh với khối ngoại trong tương lai.
“Chúng tôi nghĩ rằng dưới thời của Donald Trump, sẽ có những thay đổi dòng chảy thương mại giữa Mỹ với thế giới và chúng có thể sẽ tác động đến các thị trường cận biên ở châu Á. Tuy vậy, hầu hết các quốc gia này đều có nền kinh tế nội địa mạnh; chiến lược của chúng tôi là tập trung vào các doanh nghiệp kinh doanh chủ yếu trong nước thay vì xuất khẩu”, Asia Frontier Capital, công ty đang quản lý quỹ AFC Vietnam Fund chuyên đầu tư vào Việt Nam, gửi thư đến các nhà đầu tư.
Dĩ nhiên sẽ không có một sự kiện nào là hoàn hảo. Nếu không có TPP, động lực cải cách kinh tế trong nước sẽ bị ảnh hưởng. Nhưng điểm sáng là ngoài TPP, Việt Nam vẫn đang tham gia khá nhiều hiệp định thương mại tự do khác như FTA với Liên minh châu Âu, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN. Đó là nhân tố có thể đóng vai trò quan trọng thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước.
Về mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm sau mà Quốc hội đặt ra, ông Hoàng Huy cho rằng mục tiêu này có thể đạt được. “Trong kế hoạch năm 2017, Chính phủ có thể đã tính tới khó khăn của thị trường thế giới khi đặt mục tiêu nhập siêu là 3,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đồng USD có thể tăng giá giúp kết quả thực tế có thể tốt hơn. Ngoài ra, những nhân tố ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng GDP năm nay như nông nghiệp và khai khoáng có thể khả quan hơn trong năm 2017 do có cơ sở thấp của năm 2016”, ông Hoàng Huy nhận định.
Ông Stephen Wyatt,CEO Công ty JLL Việt Nam: Cần có cái nhìn dài hạn
Phần lớn các nhà bình luận đều tin tưởng vị tân Tổng thống Mỹ sẽ không tiếp tục thực hiện TPP. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để dự đoán hiệp định này sẽ bị loại bỏ hoàn toàn, sửa đổi hay được chấp thuận. Nếu TPP được thông qua, Việt Nam sẽ là quốc gia được hưởng lợi lớn nhất, đặc biệt dòng vốn sẽ đổ vào thị trường bất động sản và nguồn FDI vào Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh. Nếu TPP không được thực thi, FDI cũng sẽ bị sụt giảm.
Tuy nhiên, mới đây Việt Nam đã ký FTA với một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nguồn vốn FDI của Việt Nam trong thời gian tới.Ngoài những thay đổi chính trị ở các khu vực khác, tại Việt Nam, chúng tôi vẫn đang nhìn thấy được sự tăng trưởng mạnh mẽ dựa trên nguồn cầu nội địa, yếu tố nhân khẩu học và tốc độ đô thị hóa. Những biến động và rủi ro gia tăng sẽ thúc đẩy thị trường trở nên đa dạng hơn cho các nhà đầu tư, cũng như sự tăng trưởng của Việt Nam ngày càng ổn định và hấp dẫn hơn trong thời gian tới.
Lợi nhuận đang không ngừng tăng trưởng trên toàn cầu, nhưng sự gia tăng của giá thuê lại phụ thuộc theo từng khu vực. Điều này cho thấy sẽ có rất nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản châu Á - Thái Bình Dương trong dài hạn, cho những nhà đầu tư đang tìm kiếm sự tăng trưởng về giá thuê, thúc đẩy bởi nhu cầu về không gian và đầu tư của các công ty trong nước cũng như các công ty đa quốc gia.
Nguyễn Sơn / nhipcaudautu