Trong lựa chọn chính sách tiền tệ, Việt Nam đã và đang có nhiều điểm giống Trung Quốc. Việc kiểm soát lưu chuyển vốn, đồng thời áp dụng các biện pháp kiểm soát các mức lãi suất thị trường, trong đó có việc áp dụng trần lãi suất huy động là những ví dụ điển hình.
Gần đây nhất, sau khi Trung Quốc chuyển sang áp dụng cơ chế tỷ giá dựa vào thị trường (tháng 8/2015), từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Nam cũng đã bắt đầu áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm thay đổi hàng ngày theo cả hai chiều lên và xuống.
Về kiểm soát lãi suất, từ năm 2013, Trung Quốc đã bỏ quy định cuối cùng về mức sàn lãi suất cho vay, qua đó, lãi suất cho vay được tự do hóa hoàn toàn. Về lãi suất huy động, từ tháng 10/2015, Trung Quốc đã từ bỏ quy định về trần lãi suất huy động, vốn trước đó được quy định 1,5 lần lãi suất điều hành kỳ hạn 1 năm.
Tại Việt Nam hiện vẫn áp dụng quy định về trần lãi suất huy động. Cụ thể, theo quy định hiện hành, mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi bằng VND không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 5,5%/năm; riêng quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô áp dụng mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 6%/năm. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm, của cá nhân là 0%/năm.
Với thực tế trên 80% lượng tiền gửi từ dân cư và tổ chức kinh tế có kỳ hạn dưới 1 năm, việc quy định trần lãi suất huy động, dù chỉ với các kỳ hạn dưới 6 tháng, vẫn có tác động lớn đến thị trường tiền gửi.
Trong năm 2015, khi lạm phát ở mức thấp, lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến ở mức dưới trần quy định. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2016, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh huy động vốn gắn với việc triển khai các chương trình khuyến mại, nên có thể vượt trần lãi suất huy động theo quy định, tính theo lợi ích thực nhận của người gửi tiền.
Vậy Việt Nam có nên nghiên cứu từ bỏ trần lãi suất huy động giống Trung Quốc hay không?
Việc Trung Quốc bỏ trần lãi suất huy động do việc đó đem lại nhiều lợi ích cho nước này.
Thứ nhất, động cơ tăng trưởng chính của Trung Quốc là đầu tư và xuất khẩu đã chững lại trong thời gian qua, đòi hỏi nước này phải chuyển sang mô hình tăng trưởng mới, đó là thúc đẩy tiêu dùng hộ gia đình trong nước, vốn lâu nay ở mức thấp so với tăng trưởng GDP.
Để đạt được điều này, cần có các biện pháp phân phối lại thu nhập, làm gia tăng thu nhập hộ gia đình, trong đó có việc tăng thu nhập từ tiền gửi ngân hàng.
Trước đây, trần lãi suất huy động tại Trung Quốc thường ở mức bằng hoặc thấp hơn so với lạm phát, khiến lãi suất thực nhận của người gửi tiền rất thấp, thậm chí là âm, nên làm giảm mức chi tiêu hộ gia đình. Trong khi đó, người vay lại được hưởng lãi suất thấp, hoặc ngân hàng được hưởng biên lợi nhuận cao. Từ thực tế đó, việc bỏ trần lãi suất huy động sẽ phân phối lại thu nhập theo hướng có lợi cho các hộ gia đình.
Thứ hai, trần lãi suất huy động giúp người vay tiền được vay với lãi suất thấp hơn, do đó thúc đẩy hoạt động vay nợ và sử dụng vốn một cách tràn lan. Đầu tư gia tăng quá mức, đồng thời tỷ lệ nợ/GDP đã lên mức rất cao, tới 232% năm 2014. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng của Trung Quốc thường ưu tiên cho các doanh nghiệp quốc doanh vay vốn, với phần lớn lợi ích từ lãi suất cho vay thấp rơi vào các doanh nghiệp nhà nước, mà phần nhiều trong số đó hoạt động hiệu quả thấp. Điều này làm gia tăng rủi ro chất lượng tài sản của hệ thống ngân hàng.
Thứ ba, việc kiểm soát lãi suất phải đi kèm với việc hạn chế dòng vốn ra ngoài để tìm kiếm lợi suất cao hơn. Cùng với sự phát triển của thương mại, du lịch và di dân, việc kiểm soát lãi suất ngày càng kém hiệu quả. Ví dụ, một số cơ chế có thể chuyển vốn ra nước ngoài như khai tăng hóa đơn nhập khẩu hoặc khai giảm giá trị hàng xuất khẩu, rút tiền chi tiêu thẻ tín dụng tại nước ngoài… Những biện pháp này ngày càng được sử dụng rộng rãi, khiến việc kiểm soát lãi suất và kiểm soát dòng vốn ra bên ngoài trở nên kém hiệu quả hơn.
Các biện pháp hạ lãi suất khác có thể áp dụng như tăng hiệu quả đầu tư, giảm thâm hụt ngân sách, hạ giá dịch vụ công và nguyên nhiên liệu thiết yếu để giảm lạm phát…
Mặc dù tự do hóa lãi suất sẽ đem lại lợi ích dài hạn cho nền kinh tế, song nó cũng có thể tạo áp lực giảm tăng trưởng và tăng sự biến động của thị trường tài chính trong ngắn hạn. Đây chính là khó khăn và thách thức với cơ quan quản lý để thực hiện cải cách mà vẫn duy trì được tăng trưởng kinh tế.
Thùy Linh (Phòng Phân tích VPBS)