“Kinh tế tư nhân loài người đã nói mãi nhưng chúng ta đến giờ ta mới coi tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, nói nhiều quá thế giới thậm chí cười cho”, ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
Ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Ảnh: TL
Tại Diễn đàn Vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế Việt Nam diễn ra ngày 4/10, PGS.TS Trần Đình Thiên chỉ ra thực tế rằng, ở Việt Nam, gần như chỉ khi thấy cái gì yếu hẳn đi mới bắt đầu coi trọng.
“Chẳng hạn, khu vực kinh tế tư nhân khi thấy nó yếu mới phong ngay “danh hiệu quan trọng". Kinh tế tư nhân loài người đã nói mãi nhưng chúng ta đến giờ ta mới coi tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế, nói nhiều quá thế giới cười cho”, ông Thiên nói.
Ông Thiên cũng đặt vấn đề là thể chế nào doanh nghiệp đó, nền kinh tế như nào doanh nghiệp sẽ như vậy. “Rõ ràng kinh tế Việt Nam đang có vấn đề rất lớn, rất nghiêm trọng. 5 năm vừa rồi chúng ta vật lộn với những vấn đề cơ cấu, không thể thoát ra được, chúng ta đặt vấn đề làm chương trình tái cơ cấu đổi mới tăng trưởng và chúng ta tiếp tục hi vọng”, ông Thiên cho hay.
Thậm chí, trước ý kiến cho rằng, thể chế kinh tế thị trường chưa hoàn thiện, ông Thiên cho rằng, nói chưa hoàn thiện là trung tính quá, theo Viện trưởng Viện Kinh tế phải nói ta chưa muốn hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, làm kinh tế thị trường nhưng không hiểu cốt lõi kinh tế thị trường là giá cả đầu vào cơ bản như đất, năng lượng, vốn…
“Chúng ta đang tập trung cứu khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhưng có cần cứu không hay tự để giải quyết theo cách thị trường, cần xử lý khu vực này gọn đi tư nhân mới phát triển nhiều”, ông Thiên nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Viện trưởng Thiên cũng cho biết, môi trường kinh doanh hiện nay không công khai, minh bạch sẽ không thể làm được, tiếp tục không công khai minh bạch khối doanh nghiệp tư nhân không thể bình đẳng được.
Về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, ông Thiên cho rằng, tầm nhìn chúng ta có vấn đề. “Chúng ta xem cơ cấu ngành hiện nay đặc biệt cơ cấu ngành xét về phương diện công nghệ là thấp kém, chưa thoát khỏi trình độ sơ đẳng của nền công nghiệp, chúng ta đang khai thác tài nguyên và lắp ráp, hệ thống chính sách khuyến khích nhập khẩu. Động lực để chúng ta thay đổi cấu trúc kinh tế, động lực cho tư nhân sản xuất nội địa là vô cùng yếu”, ông Thiên phân tích.
Không chỉ đặt vấn đề về mối quan hệ giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, ông Thiên cũng nêu ra một thực trạng, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang được hưởng nhiều ưu đãi. “Việt Nam có những điểm tương đồng nước láng giềng Trung Quốc và để cạnh tranh thu hút FDI chúng ta đã phải cạnh tranh bằng cách đưa ra nhiều ưu đãi”, ông Thiên chỉ ra một thực tế.
Cũng theo ông Thiên, Nghị quyết 35 đang tạo cảm hứng cho khởi nghiệp, cần thế hệ doanh nghiệp nền tảng là doanh nghiệp tư nhân, một thế hệ nền tảng mới, mỗi thời đại có sứ mệnh của mình và đến giờ hệ thống tư nhân cần nền tảng và phẩm chất Nghị quyết 35.
Cuối cùng, ông Thiên đặt vấn đề rằng, phải chăng cách tiếp cận đặt vấn đề về cạnh tranh chưa chuẩn nên hệ thống khuyến khích cho doanh nghiệp tư nhân cũng chưa được.
Bổ sung thêm, ông Nguyễn Quang Thái, Hội Khoa học kinh tế Việt Nam cho biết, có nhiều nguyên nhân trongg đó có tư duy phát triển thể chế, làm tư nhân kém đi.
“Tư nhân là cái gì đó hoặc nói hoặc không và rất ngại ngần, tư duy làm quá trình phát triển doanh nghiệp tư nhân chậm đi nhiều muốn sửa đổi đầu tiên phải sửa dổi cơ quan quản lý lãnh đạo”, ông Thái nói.
Nguyễn Thảo / BizLIVE