Đó là khẳng định của bà Louise Chamberlain, quyền Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam về Kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương và bà Louise Chamberlain, quyền Đại diện Thường trú của UNDP tại Việt Nam đồng chủ trì Hội thảo tham vấn Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 (Ảnh: K.T)
Sáng 10/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo tham vấn Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Chương trình nghị sự 2030 đưa ra tầm nhìn, định hướng phương pháp thực hiện, các quan hệ đối tác và hành động toàn cầu nhằm đưa phát triển bền vững thành hiện thực trên toàn thế giới trong giai đoạn 15 năm tới. Chương trình nghị sự 2030 Vì sự phát bền vững được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc diễn ra từ 25/9 đến 27/9/2015 tại New York (Hoa Kỳ). Tại Hội nghị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã khẳng định Việt Nam ủng hộ và cam kết sẽ tập trung mọi nguồn lực cần thiết, huy động tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu Phát triển bền vững.
Kế hoạch hành động quốc gia được xây dựng dựa trên một quá trình rà soát các chính sách, chiến lược, kế hoạch phát triển hiện hành chủ yếu của Việt Nam có so sánh với 17 mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu và 169 mục tiêu cụ thể. Quá trình này được thực hiện từ tháng 7 đến tháng 9/2016 với sự tham gia đóng góp của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong nước, các tổ chức Liên hợp quốc, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế khác.
Dự thảo Kế hoạch hành động đề xuất một danh sách các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam (VSDGs) cùng với quan điểm, giải pháp, tổ chức thực hiện và các hành động cụ thể của Chính phủ nhằm đạt được VSDGs vào năm 2030.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương, Việt Nam đã cụ thể hóa cam kết với cộng đồng quốc tế về thực hiện Chương trình nghị sự 2030 thông qua các Nghị quyết của Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và việc triển khai xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình Nghị sự 2030.
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Dự thảo Kế hoạch hành động quốc gia đưa ra khung khổ định hướng các mục tiêu phát triển bền vững cho Việt Nam đến năm 2030 cũng như khung định hướng cho các hoạt động, trách nhiệm và sự phối hợp của các bên liên quan trong việc triển khai thực các mục tiêu phát triên bền vững đất nước. Kế hoạch hành động này sẽ là căn cứ pháp lý để Việt Nam thực hiện cam kết với cộng đồng quốc tế, đóng góp có trách nhiệm vào các nỗ lực chung của toàn cầu về phát triển bền vững, Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho hay.
Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương khẳng định, Chính phủ Việt Nam luôn coi phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong chiến lược phát triển đất nước và cam kết nỗ lực thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong Kế hoạch hành động quốc gia.
Thay mặt cho các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, bà Louise Chamberlain, quyền Đại diện Thường trú cúa UNDP tại Việt Nam nhận định, việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) đòi hỏi có sự thay đổi trong vai trò và cách vận hành của các chính phủ, đặc biệt cần có cơ chế thúc đẩy phát triển đi đôi với trao quyền cho mọi người. Chính phủ cần huy động, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tham gia của mọi người dân, doanh nghiệp và xã hội dân sự.
Bà cũng nhấn mạnh rằng Kế hoạch hành động nên nêu rõ ưu tiên cho các nhóm dân khó khăn và dễ bị tốn thương nhất (như người dân tộc thiểu sổ, người nghèo và cận nghèo, dân di cư), làm rõ cơ chế phối hợp và tham gia của các bên, và tầm quan trọng của số liệu trong theo dõi thực hiện Chương trình nghị sự 2030.
Bà Louise Chamberlain bày tỏ, với kinh nghiệm trong việc thực hiện MDGs trước đây cùng với sự tham gia tích cực trong các tham vấn và hội thảo về SDGs toàn cầu, Việt Nam có thể đạt được thành công cho SDGs.
Thanh Huyền / baodautu