Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Việt Nam có thể đón tới 8,7 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2016...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo phát triển ngành thương mại, dịch vụ 10 tháng năm nay. Cơ quan này đánh giá, GDP được dự báo tăng thấp hơn so với mục tiêu 6,7% của cả năm. Do đó, Để đạt được mức tăng trưởng như kỳ vọng, tăng trưởng kinh tế những tháng cuối năm phải cao hơn nhiều so với các tháng trước, đặc biệt là ngành du lịch với nhiều dư địa phát triển.
Theo báo cáo, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 812.017 lượt khách. Tổng lượng khách 10 tháng đạt khoảng 8,07 triệu lượt khách, tăng 25,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 92,8% kế hoạch năm 2016.
Ước cả năm 2016, tuy số lượng khách tháng này có sự sụt giảm, nhưng căn cứ vào tính chất mùa vụ khách quốc tế đến Việt Nam thì ngành du lịch vẫn có thể đạt được chỉ tiêu số lượng khách quốc tế là khoảng 8,7 triệu lượt khách quốc tế.
Về thị trường khách quốc tế, châu Á có xu hướng giảm thì các thị trường khác đều có mức tăng nhẹ. Cụ thể, tổng lượng khách châu Á đến Việt Nam trong tháng 10 ước đạt 610.677 lượt khách, tăng 26,8% so với tháng 10/2015. Tổng lượng khách 10 tháng ước đạt 5,87 triệu lượt khách, tăng 30,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách từ thị trường Đông Á không tăng đáng kể. Khách Trung Quốc, Đài Loan chỉ tăng trung bình 2,05%, trong khi thị trường khách thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc có mức giảm đáng kể.
Đặc biệt, thời gian này bước vào mùa cao điểm của du lịch khách châu Âu tới Việt Nam, do vậy lượng khách châu Âu ước tăng 6,9% so với tháng trước. Số lượng khách châu Âu trong 10 tháng ước đạt 1,27 triệu lượt khách, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Trong đó, lượng khách từ các nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý) được miễn thị thực theo Nghị quyết số 46 của Chính phủ ước tăng mạnh do những hoạt động quảng bá của ngành du lịch đối với thị trường này.
Khách du lịch đến từ Thụy Điển, Hà Lan, Đan Mạch, Phần Lan, Nauy với mức tăng bình quân 34,58%. Thị trường châu Mỹ tăng 16,6% so với tháng trước.
Theo Bạch Dương
VnEconomy