Bội chi ngân sách đã tăng lên 61.800 tỷ đồng. Số chi trả nợ gốc và lãi đạt 170.500 tỷ (7,5 tỷ USD)...
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 584.600 tỷ đồng, bằng 48,2% dự toán năm.
Trong đó, thu nội địa 462.600 tỷ đồng, thu từ dầu thô đạt 24.600 tỷ đồng, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 96.100 tỷ đồng.
Đặc biệt, thu thuế bảo vệ môi trường lên tới 20.400 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân đạt 43.800 tỷ đồng. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài góp vào ngân sách 84.200 tỷ đồng, khu vực doanh nghiệp nhà nước 95.000 tỷ đồng. Cả hai khu vực kinh tế đều không đạt dự toán.
Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/7/2017 ước tính đạt 646.400 tỷ đồng, bằng 46,5% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 474.000 tỷ đồng, chi trả nợ lãi 60.100 tỷ đồng.
Riêng chi đầu tư phát triển mới đạt 110.400 tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán nămn 2017. Chi trả nợ gốc từ đầu năm đến thời điểm 15/6/2017 ước tính đạt 110.400 tỷ đồng, bằng 53,8% dự toán năm. Tổng nợ gốc và lãi chi trả từ đầu năm đến nay khoảng 170.500 tỷ đồng.
Như vậy, từ đầu năm đến nay bội chi ngân sách khoảng 61.800 tỷ đồng, mức bội chi thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Trước đó, năm 2016, mức thâm hụt ngân sách khoảng gần 192.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, mức chi đầu tư phát triển thấp là một điều khiến nhiều chuyên gia, giới kinh tế lo ngại sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng trong những năm tới.
Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phê duyệt Chương trình quản lý nợ trung hạn giai đoạn 2016-2018 với mục tiêu nợ công bao gồm nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương không quá 65% GDP.
Chương trình đặt mục tiêu cụ thể vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần, trong đó bội chi ngân sách năm 2016 là 5,4% GDP, bội chi ngân sách Trung ương năm 2017 khoảng 3,38% GDP và bội chi ngân sách Trung ương năm 2018 là 3,3% GDP.
Đáng chú ý, ngoài mục tiêu trên, Chính phủ cũng quyết tâm mức dư nợ Chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Chính phủ cũng quyết định tạm dừng toàn bộ việc cấp mới bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay trong và ngoài nước, đồng thời rà soát danh mục các chương trình, dự án ưu tiên xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ để xây dựng hạn mức cấp bảo lãnh Chính phủ giai đoạn 2016-2020 và hàng năm, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn nợ trong giới hạn đã được Quốc hội phê duyệt.
Theo Bạch Dương / Vneconomy