Việc chứng khoán Việt Nam có mức giá thấp hơn các thị trường Châu Á khác trong khi nền kinh tế lại tăng trưởng tốt là dấu hiệu cho thấy thị trường này là một cơ hội đầu tư hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.
Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội
(Dựa trên bài phân tích của ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng phân tích công ty chứng khoán BSC)
Trước đây khi nói đến Việt Nam, hầu hết những nhà đầu tư nước ngoài đều nhớ đến chiến thắng lịch sử năm 1975 thống nhất đất nước, nhưng hiện nay nền kinh tế Việt Nam cũng đang ngày càng được các nhà đầu tư chú ý và quan tâm.
Nằm trong khu vực Đông Nam Á với tổng diện tích biển và đất liền là 331.210 km2, Việt Nam tiếp giáp với các thị trường lớn như Trung Quốc, Đài Loan, Philippine, Malaysia, Thái Lan hay Indonesia.
Tổng GDP của Việt Nam đạt 204 tỷ USD năm 2015 và mức tăng trưởng bình quân 10 năm qua đạt 5,7%. Động lực chính cho mức tăng trưởng tốt này là một nền dân số trẻ với 60% người dưới 30 tuổi.
Từ khi công cuộc đổi mới đất nước bắt đầu vào năm 1985, Việt Nam đã chuyển mình từ nền kinh tế tập trung nhà nước sang một nền kinh tế định hướng thị trường. Việt Nam sau đó cũng gia nhập nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.
Hệ số P/B và tăng trưởng GDP thực của Việt Nam
Nhờ công cuộc đổi mới kinh tế đó mà nhiều ngành lĩnh vực, bao gồm chứng khoán cũng được hưởng lợi tăng trưởng. Theo đánh giá của MSCI, thị trường Việt Nam là một trong những thị trường tiềm năng tại Đông Nam Á. Chỉ số VN Index đã tăng từ mốc 100 điểm năm 200 lên quanh mốc 600 điểm hiện nay và đã trải qua nhiều đợt lên xuống.
Ngày 23/5 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm chính thức Việt Nam và đây có thể là tín hiệu tốt cho thị trường. Trong cả 2 đợt thăm trước đó của các đời tổng thống Mỹ, chúng khoán Việt Nam đều tăng trong vòng 2 tháng trước và sau các đợt. Cụ thể, Vn Index đã tăng 31% trong đợt thăm năm 2000 của Tổng thống Bill Clinton và 49,9% năm 2006 của Tổng thống George W.Bush.
Làn sóng cổ phần hóa đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam
Đợt sóng cổ phần hóa đâu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam diễn ra vào khoảng năm 2000-2006. Đây là thời gian vàng của thị trường khi các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam mở tài khoản để tham dự các đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Chỉ số Vn Index khi đó đã tăng 144% còn HNX Index tăng 152,4% vào năm 2006. Tính đến cuối năm đó, tổng giá trị vốn hóa thị trường đạt 13,8 tỷ USD, tương đương 22,7% GDP. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chiếm 16,4%, tương đương 4 tỷ USD.
Đến năm 2007, chứng khoán Việt Nam tiếp tục bùng nổ cả về số lượng và giá trị giao dịch do các quy định mới mở cửa thị trường. Tính đến cuối năm, tổng mức vốn hóa toàn thị trường đạt 500 nghìn tỷ đồng, tương đương 43,7% GDP.
Những cổ phiếu có tăng trưởng tốt kể từ sau khi IPO
Cho đến năm 2007, thị trường chứng khoán Việt Nam đã cổ phần hóa được khoảng 3.274 doanh nghiệp quốc doanh. Rõ ràng, đợt sóng cổ phần hóa đầu tiên đã tạo ra nhiều công ty cổ phần cho công chúng cũng như hàng loạt cổ phiếu tốt cho nhà đầu tư. Thậm chí, có những cổ phiếu tốt tăng trưởng 2.200% kể từ khi IPO.
Những nghiên cứu cho thấy nhiều doanh nghiệp quốc doanh đã kinh doanh tốt hơn sau khi cổ phần hóa, cả về kết quả kinh doanh như doanh thu, lợi nhuận lẫn trách nhiệm về xã hội như tạo công ăn việc làm hay cải thiện tổ chức công đoàn.
Hiện chứng khoán Việt Nam vẫn chưa hồi phục hoàn toàn trở lại mức đỉnh sau cuộc khủng hoảng năm 2008. Nếu so sánh với mức đỉnh năm 2007, chỉ số VN Index vẫn thấp hơn 50% trong khi tổng GDP của đất nước đã tăng gấp 3 từ 75 tỷ USD lên 204 tỷ USD.
Rõ ràng, việc chứng khoán Việt Nam có mức giá thấp hơn các thị trường Châu Á khác trong khi nền kinh tế lại tăng trưởng tốt là dấu hiệu cho thấy thị trường này là một cơ hội đầu tư hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư.
Làn sóng cổ phần hóa thứ 2
Có vẻ những năm có số 6 ở cuối luôn là một năm tốt với thị trường Việt Nam. Công cuộc đổi mới năm 1986 đã khiến kinh tế Việt Nam chuyển mình, trong khi việc gia nhập ASEAn và AFTA năm 1996 cũng như WTO năm 2006 khiến kinh tế và đầu tư tại Việt Nam bùng nổ.
Năm 2016 này, chính phủ Việt Nam chắc chắn sẽ có những động thái mở cửa thị trường hơn nữa cũng như thúc đẩy nền kinh tế, nhằm thu hút vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài. Rõ ràng, đây là thời điểm thích hợp để các nhà đầu tư nước ngoài bắt đợt sóng IPO thứ 2 và đầu tư vào các công ty quốc doanh của Việt Nam.
Chỉ số VN Index so với một số thị trường chứng khoán khác
Điều này không có nghĩa năm 2016 sẽ là một năm bùng nổ với chứng khoán nhưng các nhà đầu tư nên chú ý hơn đến thị trường bởi 3 yếu tố chính sau.
Thứ nhất, việc các doanh nghiệp tư nhân ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế đã khiến chính phủ Việt Nam quyết tâm thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và hướng tới một nền kinh tế thị trường.
Trong quá khứ, đợt sóng IPO đầu tiên đã tạo nên nhiều công ty kinh doanh tốt cũng như những cổ phiếu hấp dẫn cho nhà đầu tư. Vì vậy, thời điểm này có lẽ là cơ hội cuối cho các nhà đầu tư bắt đợt sóng IPO ở Việt Nam.
Hơn nữa, chính phủ Việt Nam có kế hoạch giảm 50% số doanh nghiệp nhà nước hiện nay xuống còn 200 công ty vào năm 2020 và đã thực hiện một số chính sách để đẩy nhanh tiến trình này.
Số công ty quốc doanh được IPO tại Việt Nam
Nghị định 60 của chính phủ về việc nới lỏng giới hạn sở hữu của người nước ngoài trên thị trường chứng khoán là một trong những tiêu điểm khi các nhà đầu tư nước ngoài giờ đây có thể sở hữu vượt 50% cổ phần tại nhiều ngành, ngoại trừ một số ngành nhạy cảm.
Thêm vào đó, quy định các doanh nghiệp quốc doanh phải IPO và niêm yết trên sàn chứng khoán được dự đoán là sẽ khiesn tổng mức vốn hóa thị trường Việt Nam hiện đang ở mức 60 tỷ USD, tương đương 34% GDP, tăng 17,3% mỗi năm.
Nguyên nhân thứ 2 mà các nhà đầu tư nên nhanh chân tham gia thị trường là những hiệp định thương mại Việt Nam mới hoàn thành.
Hiệp định thương mại tự do song phương Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang khiến năm 2016 khá giống với năm 2006 khi Việt Nam gia nhập WTO.
Những nước có thảo thuận thương mại tự do với Việt Nam (xanh) xét theo dân số và GDP
Điều khác biệt duy nhất hiện nay là kinh tế Việt Nam hiện sẵn dàng mở cửa hơn rất nhiều so với 10 năm trước đây.
Tính đến thời điểm hiện tại, Việt nam đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, qua đó khiến các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc với 60% dân số thế giới và giao lưu với 80% GDP toàn cầu. Chắc chắn những hiệp định thương mại này sẽ thúc đẩy xuất nhập khẩu đối với Việt Nam, qua đó tác động tích cực đến nền kinh tế.
Một yếu tố nữa khiến nhà đầu tư nên tham gia thị trường Việt Nam lúc này là mức giá cổ phiếu.
Hầu hết các thị trường Châu Á khác đã quay trở lại mức dỉnh 2007 nhưng thị trường Việt Nam lại là ngoại lệ và điều này khiến giá cổ phiếu tại đây trở nên vô cùng hấp dẫn.
Nếu so sánh với những thị trường khác, chứng khoán Việt Nam có mức P/B (giá cổ phiếu trên giá ghi sổ) và P/E (giá cổ phiếu trên lợi nhuận từ mỗi cổ phiếu) còn thấp, trong khi mức tăng trưởng lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) lại đạt 10%. Như vậy, rõ ràng chứng khoán Việt Nam đang vô cùng hấp dẫn nếu xét về mặt phân tích kỹ thuật.
Tổng thống Mỹ Brack Obama thăm chính thức Việt Nam
Ngoài ra, kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng trên thế giới trong 5 năm qua khi tăng trưởng GDP đạt 6,68% và là quốc gia duy nhất tại Châu Á có tăng trưởng mạnh về xuất khẩu.
Năm 2016 có thể là một năm khá tốt với cả nền kinh tế lẫn chứng khoán Việt Nam, đặc biệt là khi các nhà lãnh đạo mới cam kết sẽ mở cửa thị trường hơn nữa nhằm thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Vào ngày 23/5 mới đây, chuyến thăm chính thức của Tổng thống Barack Obama đã khiến Việt Nam thành tâm điểm của giới truyền thông cũng như các doanh nhân và nhà đầu tư quốc tế. Với tình hình này, đầu tư vào chứng khoán Việt Nam tại thời điểm hiện tại có lẽ là lựa chọn khá thích hợp.
Hoàng Nam
Theo Trí Thức Trẻ