Chỉ còn một thời gian rất ngắn nữa thôi thì Hiệp định thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) sẽ được ký kết. Mặc dù Việt Nam không phải là quốc gia trực tiếp tham gia vào Hiệp định này nhưng chúng ta ít nhiều cũng sẽ chịu sự ảnh hưởng.
TTIP là HIệp định thương mại và đầu tư giữa Mỹ và EU.
Hiệp định thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) hay còn gọi là Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TAFTA) là một hiệp định thương mại tự do đang được đàm phán giữa Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU). Các phiên đàm phán của Hiệp định này bắt đầu từ tháng 7/2013 và dự báo sẽ kết thúc vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
Nếu được hình thành, TTIP sẽ tạo ra một thị trường khổng lồ, thống nhất với 820 triệu người tương đương 12% dân số thế giới nhưng lại chiếm tới 60% GDP toàn cầu, 33% mậu dịch thế giới về hàng hóa và 42% mậu dịch thế giới về dịch vụ, có khả năng chi phối sâu sắc tới nền kinh tế toàn cầu.
Hiện tại Việt Nam đều đã có nhưng hợp tác thương mại với hai nền kinh tế lớn này đó là TPP với Hoa Kỳ và FTA với EU. Do đó, việc ký kết TTIP sắp tới sẽ mang đến cho Việt Nam cả những cơ hội và thách thức.
Thị trường do TTIP tạo ra sẽ là một thị trường rộng lớn, có mức thu nhập bình quân cao, nhu cầu tiêu dùng lớn. Nếu Việt Nam có thể tận dụng và phát huy mối quan hệ ngày càng đi vào chiều sâu với Hoa Kỳ và EU thì không những Việt Nam có thể đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, mà còn có thể nâng cao vị thế của mình trong nền kinh tế toàn cầu.
Trước mắt, một số ngành hàng hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như xuất khẩu linh kiện điện tử, dệt may, da giày, thủy sản, cà phê… sẽ được lợi từ Hiệp định này.
Bên cạnh đó, đây cũng là cơ hội để Việt Nam thu hút nguồn vốn đầu tư FDI chất lượng cao từ bên ngoài do Hoa Kỳ và EU đều là hai đối tác chiến lược của Việt Nam, đều có nguồn vốn đầu tư dồi dào, hệ thống pháp lý hoàn chỉnh và tính cạnh tranh cao. Điều này tạo cơ hội rất lớn cho Việt Nam phát triển mô hình tăng trưởng kinh tế hiện này từ chiều rộng sang chiều sâu với công nghệ cao và ngành dịch vụ (viễn thông, cảng biển, vận tải…) phát triển.
Bên cạnh các cơ hội mà TTIP mang tới cho Việt Nam, TTIP cũng sẽ chứa đựng rất nhiều thách thức. Do tính cạnh tranh còn thấp, nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể bị sao chép sản phẩm hoặc thậm chí bị các doanh nghiệp trong TIIP thâu tóm để xuất khẩu trong nội bộ, dẫn tới việc các doanh nghiệp Việt Nam sẽ đánh mất dần thị trường và phải chịu các áp lực lớn về việc làm, thu nhập, mở rộng đầu tư.
Trước tình hình đó, theo khuyến nghị từ các chuyên gia kinh tế thì Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục đường lối ngoại giao kinh tế mềm dẻo, tích cực với cả hai nền kinh tế lớn Hoa Kỳ và EU. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cần theo dõi sát tiến trình đàm phán TTIP cũng như những thay đổi trong chính sách, đường lối đối ngoại của Chính phủ để có những đối sách hợp lý, kịp thời, tận dụng được các cơ hội cũng như hạn chế các tác động tiêu cực từ Hiệp định này.
(Theo Tri Thức Trẻ)