Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ và Trung Quốc đang có bước phục hồi kinh tế ngoạn mục. Và đây là cơ hội để Việt Nam đón đầu “cơn gió tăng trưởng” này.
Nhà máy của JAT chuyên sản xuất phụ tùng cho các hãng ô tô tại Việt Nam
“Cơn gió tăng trưởng” của Mỹ - Trung
Kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng kỷ lục 18,3% trong quý I/2021 so với cùng kỳ năm ngoái. Tất nhiên, có được mức tăng trưởng “khủng” như vậy là vì quý I/2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng âm 6,8%. Nhưng rõ ràng, kinh tế Trung Quốc đang phục hồi mạnh mẽ.
Thậm chí, một báo cáo vừa được Goldman Sachs đưa ra còn nhận định rằng, kinh tế Trung Quốc có vẻ đã “đi qua một bước ngoặt” và trọng tâm chính sách của Trung Quốc giờ đây đang dịch chuyển từ việc “làm lành vết thương kinh tế” do Covid-19 gây ra sang giải quyết những vấn đề dài hạn về ổn định tăng trưởng.
Trong khi đó, kinh tế Mỹ được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo sẽ tăng trưởng 6,4% trong năm nay. Còn Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo Mỹ sẽ tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay. Đây là mức tăng trưởng được coi là “chóng mặt” với một nền kinh tế đã phát triển như Mỹ. Thậm chí, cụm từ “phép màu” đã được nhắc đến.
Gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden, cộng với chiến dịch tiêm chủng thần tốc được cho là những nguyên nhân chính khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng gấp 3 lần so với bình thường.
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đang có bước phục hồi kinh tế thần kỳ trong bối cảnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Và điều này mang lại cơ hội lớn cho Việt Nam, bởi cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực xuất khẩu.
“Soi” kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong quý đầu năm, cũng có thể thấy điều này. Cụ thể, trong quý I/2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc 12,56 tỷ USD, tăng 35,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này ở Mỹ là 22,24 tỷ USD, tăng 38,9%.
Thực tế, khi Mỹ chính thức thông qua gói kích thích kinh tế 1.900 tỷ USD, các chuyên gia đã tính toán rằng, mỗi người dân nước này sẽ nhận thêm 1.400 USD và nhờ đó, nhu cầu tiêu dùng sẽ tăng lên, đặc biệt với các mặt hàng điện tử, nội thất, dệt may… Và đây chính là cơ hội cho Việt Nam.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho biết, trong quý đầu năm, Việt Nam đã xuất sang Mỹ 2,86 tỷ USD các loại máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, tăng 46,2% so với cùng kỳ năm trước. Con số này ở mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng là 4,36 tỷ USD, tăng gấp 2,7 lần; hàng dệt may là 3,51 tỷ USD, tăng 5,9%; còn da giày là 1,92 tỷ USD, tăng 22,4%...
Xu hướng có vẻ rất tích cực. Thậm chí, hai công ty dịch vụ tài chính Allianz và Euler Hermes còn ước tính, riêng gói kích thích của Mỹ sẽ bổ sung 1,4% cho GDP Việt Nam trong 2 năm tới, chỉ đứng sau Mexico. Và theo nhận định của tờ Wall Street Journal, cú hích đó sẽ giúp Việt Nam bù đắp được phần nào thiệt hại kinh tế do mảng du lịch nước ngoài bị đóng băng trong dịch bệnh.
Kinh tế Việt Nam có hụt hơi?
Việc kinh tế Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng mạnh đã khiến dư luận đặt câu hỏi, liệu kinh tế Việt Nam có “hụt hơi”, khi mà quý I/2021 chỉ đạt mức tăng trưởng 4,48%. Chưa kể, xét về quy mô, thì kinh tế Việt Nam thấp hơn nhiều so với hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, do đó, mức tăng trưởng này là không đáng kể.
Tuy nhiên, tính toán một cách hoàn toàn số học, ông Đỗ Cao Bảo, thành viên HĐQT Tập đoàn FPT cho biết, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc từ quý I/2019 đến quý I/2021 là 10%. Con số này của Mỹ là âm 0,04%; còn của Việt Nam là 9,5%. Quý I năm ngoái, cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng trưởng âm. Thậm chí cả năm 2020, kinh tế Mỹ cũng vẫn tăng trưởng âm tới 3,5%, mức độ tồi tệ nhất kể từ chiến tranh thế giới thứ hai. Và do đó, đừng quá “sốt ruột”.
Trên thực tế, có khá nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021, với các con số khá lạc quan..
Mức tăng trưởng 4,48% của Việt Nam trong quý I/2021 tiếp tục được đánh giá cao. Khi công bố báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô quý I/2021 cách đây 3 ngày, ông Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) vẫn cho rằng, đây là mức tăng trưởng tích cực.
Cũng theo dự báo của VEPR, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6-6,3% trong năm nay, dựa trên các yếu tố như Chính phủ kiểm soát tốt dịch bệnh giúp duy trì hoạt động kinh tế trong nước; tiến độ giải ngân các dự án đầu tư công trọng điểm được đẩy nhanh hơn; làn sóng dịch chuyển đầu tư và thương mại đang tích cực; môi trường vĩ mô ổn định…
Trên thực tế, có khá nhiều dự báo của các tổ chức quốc tế về tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2021, với các con số khá lạc quan. Tuy nhiên, chính Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cũng thừa nhận rằng, mức tăng trưởng 4,48% trong quý I là thấp. Và để nền kinh tế Việt Nam có thể phục hồi và có tăng trưởng như trước đại dịch, kinh tế Việt Nam phải có tăng trưởng trên 7%. Con số này vẫn chưa dễ đạt được trong năm nay.
Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với những rủi ro, thách thức lớn. Ở thời điểm sáng 22/4, thì tính trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm trên 12.500 ca tử vong và trên 780.000 ca nhiễm mới. Tại Việt Nam, nguy cơ bùng phát vẫn hiển hiện. Và đó là một rủi ro rất lớn.
Chưa kể, còn các vấn đề như mất cân đối tài khóa, sự phụ thuộc vào khu vực FDI, các yếu tố liên quan đến bong bóng chứng khoán và bất động sản, nguy cơ lạm phát quay trở lại… Công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý I/2021, các chuyên gia của VEPR cũng đã nhấn mạnh điều này.
Ở một góc độ khác, cũng phải thấy rằng, đã đến lúc Việt Nam cần “tính kế” đường dài hơn. Trung Quốc, theo Goldman Sachs, đang bắt đầu chuyển sang giải quyết những vấn đề dài hạn về ổn định tăng trưởng.