Theo dữ liệu khảo sát chỉ số quản lý thu mua (PMI) ngành sản xuất do IHS Markit thực hiện, kể từ quý 4/2020, hoạt động sản xuất khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã có dấu hiệu phục hồi đáng kể, là động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế khu vực khi bước sang năm 2021.
Cụ thể, mức tăng trưởng dự báo của khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2021 là 5,8% với các hoạt động sản xuất dự kiến sẽ nhanh chóng mở rộng.
Sản xuất phục hồi
Bất chấp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại một số quốc gia châu Á như Nhật Bản và Malaysia thời gian vừa qua, động lực tổng thể của hoạt động sản xuất trong khu vực đã phục hồi đáng kể. Chỉ số PMI sản xuất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương tháng 1/2021 cho thấy sản lượng tăng trở lại mạnh mẽ, báo hiệu triển vọng tích cực trong những tháng tới.
Theo đó, động lực chính cho tốc độ tăng trưởng nhanh chóng trong khu vực này dự kiến là do tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc (ước đạt 7,6% vào năm 2021). Tương tự như vậy, nền kinh tế Ấn Độ dự báo cũng sẽ phục hồi đáng kể trong năm nay, với mức tăng trưởng GDP đạt 8,9%.
Ngành ô tô và phụ tùng dẫn đầu bảng xếp hạng tăng trưởng PMI ngành khu vực châu Á trong tháng 1/2021, với tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong tổng danh mục các ngành. Theo sau đó là các sản phẩm gia dụng; máy móc và thiết bị; kim loại, khai thác mỏ và hóa chất.
Sản lượng chế tạo khu vực ASEAN cũng cho thấy sự phục hồi đáng kể những tháng gần đây, nhờ sự gia tăng xuất khẩu cũng như cải thiện nhu cầu trong nước. Chỉ số quản lý thu mua (PMI) trong lĩnh vực điện tử trên toàn cầu chỉ rõ sự phục hồi mạnh mẽ kể từ giữa năm 2020, khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng cũng như chi tiêu phục hồi tại nhiều nền kinh tế lớn. Chỉ số PMI lĩnh vực điện tử toàn cầu tăng từ 35 điểm vào tháng 5/2020 lên đến mức 53,4 điểm vào tháng 1/2021.
Sự phục hồi nhu cầu hàng điện tử trên toàn cầu này chủ yếu phụ thuộc vào hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian vừa qua của nhiều nền kinh tế Đông Á như Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore và Malaysia.
Triển vọng trong ngắn hạn
Trong thời gian tới, tác động của sự phục hồi nhu cầu trong nước tại nhiều nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương kết hợp với tăng trưởng xuất khẩu sang các thị trường toàn cầu lớn bên ngoài châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là Mỹ và EU, sẽ thúc đẩy mở rộng sản xuất chế tạo. Đặc biệt, với dự báo tăng trưởng GDP nhanh chóng của Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN, nhiều lĩnh vực sản xuất của châu Á được kỳ vọng sẽ dẫn dắt đà phục hồi kinh tế trong ngắn hạn.
Lĩnh vực điện tử, chiếm tỷ trọng đáng kể trong sản xuất chế tạo và xuất khẩu của nhiều nền kinh tế Đông Á, đang tăng trưởng mạnh mẽ. Nguyên nhân chủ yếu là trong giai đoạn Covid-19, cùng với việc triển khai 5G toàn cầu, nhu cầu đối với các sản phẩm như máy tính xách tay, điện thoại tăng mạnh.
Lĩnh vực ô tô tại châu Á, vốn bị sụt giảm nghiêm trọng về sản lượng trong nửa đầu năm 2020 do tình trạng ngừng hoạt động toàn cầu trên diện rộng, cũng đã cho thấy sự trỗi dậy đáng kể những tháng gần đây khi nhu cầu của người tiêu dùng phục hồi.
Đại dịch đã thúc đẩy hoạt động của ngành dược phẩm và thiết bị y tế ở nhiều nền kinh tế châu Á, bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Singapore. Ngoài ra còn nhiều lĩnh vực khác như các sản phẩm gia dụng, máy móc, thiết bị, hóa chất...