Với triển vọng tích cực, tăng trưởng ở mức cao, tờ Asian Investor đánh giá Việt Nam đóng vai trò là "bệ phóng" cho châu Á.
Theo bản cập nhật tháng 10 của Ngân hàng Thế giới, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo tăng 7,2% trong năm nay, dù đứng trước không ít áp lực do tình hình khó khăn chung của toàn cầu và khu vực.
Đây là mức tăng trưởng kinh tế cao nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Tăng trưởng phi thường là cụm từ được nhấn mạnh về kinh tế Việt Nam, kết quả từ chính sách điều hành linh hoạt của Chính phủ. Nhận định của nhiều chuyên gia và báo chí quốc tế tuần qua.
Kỳ quan kinh tế trong một thế giới đầy lo lắng là cụm từ tờ Financial Times đánh giá về Việt Nam. Việt Nam là 1 trong 7 nước có hoạt động kinh tế hiệu quả, triển vọng nổi bật, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu ảm đạm. Nhờ đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, xuất khẩu, kinh tế Việt Nam tăng trưởng xấp xỉ 7%, mức cao nhất thế giới.
Cùng chung nhận định này, tờ Nikkei đánh giá kinh tế Việt Nam là điểm sáng, dẫn đầu tăng trưởng châu Á. Trong khi đó, nhật báo La Repubblica của Italy nhận định Việt Nam sẽ là con hổ mới tại châu Á.
"Việt Nam tăng trưởng ấn tượng so với các quốc gia khác trong khu vực. Việt Nam tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát nợ quốc tế, nguồn thu ngân sách ổn định. Ưu tiên lúc này của Việt Nam là chuyển sang sản xuất đảm bảo chất lượng, tham gia sâu hơn, bền vững hơn chuỗi cung ứng", ông Aadytia Mattoo, Chuyên gia Kinh tế trưởng Khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Ngân hàng Thế giới, đánh giá.
"Sau khi mở cửa từ đại dịch, kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh, từ mọi góc độ. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay sẽ trên 6%. Lạm phát cơ bản nằm trong mức kiểm soát. Đó là do Việt Nam có một chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, cẩn trọng, giữ cho con thuyền kinh tế hoạt động hiệu quả", GS. Andreas Hauskrecht, Trường Kinh doanh Kelley, Đại học Indiana, Mỹ, nhận xét.
Tờ Economist nhận định Việt Nam đang được hưởng lợi từ kỷ nguyên phi toàn cầu hóa. Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong thời gian dài; thu hút được lượng lớn các tập đoàn nước ngoài. Cùng với đó, việc tích cực tham gia nhiều Hiệp định thương mại thế hệ mới cũng giúp Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với nhiều thị trường khác.
"Trở thành thành viên của nhiều hiệp định FTA thế hệ mới có lợi cho Việt Nam khi chuyển từ xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp, hàng hóa cơ bản sang các hàng hóa công nghệ cao, phức tạp hơn... Việt Nam có thể cải thiện khả năng cạnh tranh bằng việc đa dạng hóa đối tác; thu hút doanh nghiệp nước ngoài để chuyển giao công nghệ, nâng cao chuỗi giá trị", bà Michele Wee, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam, cho hay.
"Kinh tế Việt Nam tăng trưởng ổn định nhờ vào dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng liên tục. Việt Nam là nước nhận đầu tư trực tiếp nước ngoài cao thứ 2 trong ASEAN, từ đó giúp thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện cải cách về đầu tư cơ sở hạ tầng", ông Fillippo Botorletti, Giám đốc Văn phòng Việt Nam, Tập đoàn Tư vấn đầu tư Dezan Shira, nhận định.
Với triển vọng tích cực, tăng trưởng ở mức cao, tờ Asian Investor đánh giá Việt Nam đóng vai trò là "bệ phóng" cho châu Á. Tờ báo nhận định Việt Nam đang ngày càng thu hút sự quan tâm vì có tiềm năng phát triển hơn nữa để trở thành trung tâm thương mại, sản xuất quốc tế.