Theo Knight Frank, số lượng người thuộc giới siêu giàu tại Việt Nam tính đến năm 2026 dự kiến nhiều hơn một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan hay Philippines.
Vừa qua, công ty tư vấn bất động sản có trụ sở tại Anh - Knight Frank đã công bố Báo cáo Thịnh vượng (Wealth Report) lần thứ 16.
Theo đó, tập đoàn này dự đoán số lượng dân số siêu giàu (UHNWI) toàn cầu sẽ tăng thêm 28% trong giai đoạn 2021 – 2026. Trong đó, khu vực châu Đại Dương và châu Á có mức tăng trưởng cao nhất, lần lượt là hơn 33% và gần 33%. Đứng ở các vị trí tiếp theo là khu vực Bắc Mỹ (tăng 28%) và Mỹ Latinh (26%).
Bên cạnh đó, Knight Frank cũng công bố dự báo về mức tăng trưởng của giới giàu và siêu giàu tại Việt Nam. Cụ thể, số lượng HNWI (những người sở hữu khối tài sản có giá trị từ 1 triệu USD trở lên) tại Việt Nam trong giai đoạn 2021 – 2026 dự kiến sẽ tăng thêm 59%, tương đương hơn 114.000 người. Trong cùng giai đoạn, số lượng UHNWI (những người sở hữu khối tài sản có giá trị từ 30 triệu USD trở lên) được dự đoán sẽ tăng 26%, tương đương 1.551 người.
Tính đến năm 2021, cả nước ước tính có khoảng 72.135 người thuộc nhóm HNWI và 1.234 thuộc nhóm UHNWI. Mức tăng trưởng của Việt Nam được Knight Frank dự đoán ngang ngửa với Đài Loan (Trung Quốc) và Hong Kong. Tuy nhiên, mức tăng trưởng trong giai đoạn 2021 – 2026 thấp hơn khá nhiều so với mức tăng trong giai đoạn 2016 – 2021.
Một số quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng được Knight Frank đưa ra dự đoán về tỷ lệ tăng trưởng nhóm UHNWI, ví dụ như Indonesia (tăng 29%), Philippines (tăng 41%), Singapore (tăng 43%) hay Thái Lan (0%).
Xét trên bình diện thế giới, quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2021 – 2026 là Ba Lan (tăng 66%). Ngược lại, Zambia lại trở thành quốc gia duy nhất trong báo cáo của Knight Frank ghi nhận mức tăng trưởng âm trong giai đoạn này, với tỷ lệ dự đoán là -18%.
"Khu vực châu Á – Thái Bình Dương vẫn là một trong những trung tâm tài sản thịnh vượng hàng đầu thế giới, được chứng minh qua dự báo tăng trưởng dân số giàu và siêu giàu trong giai đoạn 2021 – 2026. Số lượng tỷ phú tại khu vực này cũng sẽ tăng nhanh hơn mức trung bình trên toàn cầu trong cùng giai đoạn", Victoria Garrett, người đứng đầu bộ phận Bất động sản nhà ở của Knight Frank khu vực châu Á – Thái Bình Dương nhận định.
Bên cạnh đó, ông Alex Crane, CEO Knight Frank Việt Nam cũng tiết lộ rằng đang chứng kiến giá bán căn hộ cao cấp vượt mức 10.000 USD/m2 trong năm qua do nhu cầu trong nước tăng cao.
"Knight Frank kỳ vọng Việt Nam sẽ trở thành một trong những điểm nhấn của Báo cáo Thịnh vượng trong những năm tới đây dựa trên nền tảng kinh tế cũng như vị thế ngày càng được cải thiện trên thị trường quốc tế của Việt Nam". Ông Alex Crane chia sẻ.
Giới siêu giàu Việt Nam chi tiêu nhiều cho đồng hồ và xe. (Ảnh: The Sun).
Một bằng chứng về sự tăng trưởng của giới siêu giàu tại Việt Nam được Knight Frank chỉ ra trong xu hướng tiêu dùng. Theo đó, giới nhà giàu và siêu giàu hướng tới việc tiêu thụ nhiều hơn với đồng hồ và rượu vang. Doanh số cho hai mặt hàng này đã tăng tới 16%.
Tổng giá trị đồng hồ nhập khẩu trong giai đoạn 2016 – 2020 tăng trung bình hơn 28% mỗi năm, bất chấp đại dịch COVID-19 bùng phát và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh số xe hơi trong nước cùng tổng giá trị rượu vang nhập khẩu giai đoạn trước đại dịch (2016 – 2019) cũng được duy trì ở mức tăng trưởng dương, lần lượt là gần 13% và gần 10% mỗi năm.
Tính đến năm 2021, cả thế giới có hơn 610.000 người thuộc giới siêu giàu. Trong đó, gần 1/3 tổng tài sản của nhóm người này nằm ở nơi định cư chính và bất động sản nhà ở thứ hai.
Cũng trong năm 2021, tổng giá trị đầu tư tư nhân vào lĩnh vực bất động sản thương mại toàn cầu đạt 405 tỷ USD, tăng 52% so với năm 2020 và cao hơn 38% so với mức trung bình giai đoạn 5 năm trước dịch. Năm 2022, gần 1/4 giới siêu giàu trên thế giới có ý định đầu tư thêm vào lĩnh vực bất động sản thương mại, theo Knight Frank Attitudes Survey.
Ngoài những tài sản đã được liệt kê như bất động sản, ô tô, rượu vang, đồng hồ, báo cáo của Knight Frank còn đề cập đến một số tài sản khác cũng nằm trong nhóm hàng được giới siêu giàu yêu thích gồm vàng, kim cương, sản phẩm thời trang và đặc biệt là các tài sản kỹ thuật số.
Tính đến năm 2021, Mỹ là quốc gia có nhiều người thuộc giới siêu giàu nhất thế giới (hơn 210.000 ngườ). Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Trung Quốc đại lúc (gần 94.000 người) và Ấn Độ (hơn 13.500 người).