Khi Liên minh viễn thông quốc tế (ITU) công bố chuẩn 5G, các nhà mạng Việt Nam đã thử nghiệm kỹ thuật và tiến tới thử nghiệm thương mại.
Tháng 5/2019, cuộc gọi 5G đầu tiên đã được thử nghiệm thành công bởi nhà mạng Viettel. Đến tháng 9 cùng năm, nhà mạng này công bố phát sóng thử nghiệm 5G tại TP HCM và đưa vào khai thác hạ tầng kết nối Internet vạn vật với quy mô 1.000 trạm NB-IoT phủ sóng 100% TP HCM.
Tốc độ mạng 5G trong một thử nghiệm thương mại tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), hôm 30/11. Ảnh: Lưu Quý.
Đầu năm 2020, liên tiếp các nhà mạng MobiFone, VNPT cũng công bố thử nghiệm kỹ thuật thành công mạng 5G, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình thử nghiệm thương mại. Tốc độ 5G trong nhiều bài kiểm tra đạt hơn 2,2 Gb/giây, nhanh gấp hàng chục lần so với mạng 4G và có độ trễ gần như bằng 0. Kết quả này được đánh giá là tiệm cận với chuẩn 5G của thế giới.
Theo công bố của Hiệp hội Di động Thế giới (GSMA), tháng 9/2019, Việt Nam cũng có nhà mạng nằm trong danh sách 50 nhà mạng đầu tiên trên thế giới triển khai thành công 5G. Trong khi lúc đó, mới có khoảng 10 quốc gia triển khai thương mại kết nối này.
Từ một quốc gia đi sau thế giới khoảng 7 - 8 năm trong thời đại 3G, 4G, Việt Nam đã "làm 5G không chậm hơn thế giới", như lời khẳng định của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, trước Quốc hội hôm 6/11.
Không chỉ cùng nhịp với thế giới trong việc triển khai kết nối mới, Việt Nam còn là một trong những quốc gia đầu tiên làm chủ công nghệ mạng 5G.
Tháng 1, cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị do nhà mạng Việt Nam nghiên cứu và sản xuất đã được thực hiện. Cuộc gọi video sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G, trên thiết bị thu phát sóng gNodeB do Viettel nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Trong thử nghiệm thương mại 5G liền mạch tại Hà Nội mới đây, Viettel cho biết đã sử dụng 100 trạm phát sóng, trong đó có 15 trạm do nhà mạng này sản xuất.
Việc làm chủ công nghệ 5G của Việt Nam cũng được đánh giá tốt hơn nhiều nước trong khu vực. "Trong khi Thái Lan, Philippines và một số quốc gia khác sử dụng thiết bị của công ty Trung Quốc, Việt Nam lại theo đuổi con đường riêng của mình. Các công ty viễn thông lớn của Việt Nam đang dựa vào công nghệ độc quyền để triển khai dịch vụ 5G của họ", trang Nikkei viết về nỗi lực làm chủ công nghệ 5G của Việt Nam tháng 4/2019.
Loạt thiết bị 5G do Việt Nam sản xuất, xuất hiện tại sự kiện "Make in Viet Nam" mới đây. Ảnh: Lưu Quý
Tháng 7 vừa qua, Vsmart Aris 5G được ra mắt, đánh dấu lần đầu tiên có một smartphone 5G do Việt Nam sản xuất. Trước khi phục vụ thị trường trong nước, VinSmart cho biết sẽ bán Aris 5G tại thị trường Mỹ.
Tại Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hôm 23/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng khẳng định, Việt Nam là nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, tức sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G, và đây là "điều mà rất ít người tin chúng ta có thể làm được". Theo ông Hùng, khi 5G được triển khai diện rộng, Việt Nam sẽ có thiết bị 5G tự sản xuất, với chất lượng tốt, giá rẻ hơn, đồng thời tiết kiệm chi phí cho các nhà mạng.
Theo đại diện Cục Viễn thông, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 sẽ xây dựng hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến khu vực ASEAN; năm 2030 mạng 5G phủ sóng toàn quốc, mọi người dân truy nhập Internet băng rộng với chi phí thấp.