Việt Nam đứng vị trí thứ 4/149 quốc gia và vùng lãnh thổ về năng lực chuyển đổi chất lượng cuộc sống...
Với GDP bình quân đầu người (theo sức mua ngang giá PPP) khoảng 5.000 USD, người dân Việt Nam có chất lượng cuộc sống tương đương với người dân ở một quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn 10.000 USD.
Báo cáo “Duy trì thành tựu ấn tượng của Việt Nam về cải thiện đời sống của người dân” do Công ty Tư vấn quản lý Boston Consulting Group (BCG) công bố ngày 22/3 tại Hà Nội cho biết, Việt Nam đứng vị trí thứ 4/149 quốc gia và vùng lãnh thổ về “năng lực chuyển đổi mức độ thịnh vượng mặt kinh tế sang chất lượng cuộc sống của người dân”.
Dựa trên công cụ “Đánh giá phát triển kinh tế bền vững (Sustainable Economic Development Assessment – SEDA – cụ thể là đánh giá tính hiệu quả của việc chuyển đổi sự thịnh vượng về kinh tế, được đo bằng mức thu nhập, thành chất lượng cuộc sống của người dân, báo cáo của BCG cho biết, Việt Nam đang có những tiến bộ đáng kể trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Cụ thể, trong bộ dữ liệu của BCG bao gồm 148 quốc gia và đặc khu hành chính Hồng Kông, Việt Nam được xếp ở vị trí trong nhóm quốc gia dẫn đầu về thành công trong chuyển đổi sự thịnh vượng kinh tế thành chất lượng cuộc sống.
Điểm SEDA hiện tại của Việt Nam đang ở mức trung bình so với nhóm quốc gia được nghiên cứu, tuy nhiên, điểm tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây - yếu tố đánh giá sự cải thiện tương đối về chất lượng cuộc sống của người dân từ năm 2006 đến năm 2013 - lại nằm trong nhóm 20% dẫn đầu.
Việt Nam nằm trong top đầu các quốc gia trên toàn thế giới về khả năng chuyển đổi sự thịnh vượng của nền kinh tế thành chất lượng cuộc sống của người dân. Điều đó có nghĩa, với GDP bình quân đầu người (theo sức mua ngang giá PPP) khoảng 5.000 USD, người dân Việt Nam có chất lượng cuộc sống tương đương với người dân ở một quốc gia có GDP bình quân đầu người cao hơn 10.000 USD.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là quốc gia đạt trên mức trung bình thế giới xét trên khía cạnh chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành chất lượng cuộc sống. Điều này đặc biệt có ý nghĩa nếu xem xét đến đà tăng trưởng kinh tế khá cao, khoảng 7,1% mỗi năm, trong giai đoạn từ năm 2006 - 2013.
Tuy đã có những thành công nhất định trong chuyển đổi tăng trưởng kinh tế thành chất lượng sống khi so sánh với các quốc gia có thu nhập cao hơn, nhưng báo cáo của BCG cũng cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức cơ bản về cơ sở hạ tầng, quản trị nhà nước và đang phải đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng về thị trường lao động, trong đó có vấn đề thất nghiệp của lao động trẻ.
Cụ thể, nếu so sánh với các quốc gia có trình độ phát triển tương đương thì năng suất lao động và đội ngũ lao động có tay nghề của Việt Nam còn thấp hơn rất nhiều. Mặc dù tỉ lệ thất nghiệp thấp, chỉ khoảng 3%, nhưng tỉ lệ lao động trẻ thất nghiệp cao hơn gấp đôi. Đặc biệt, đối với sinh viên mới ra trường ở độ tuổi 20 đến 24, tỉ lệ thất nghiệp lên tới 20%.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp lớn và tập đoàn đa quốc gia vẫn phải đau đầu vì sự thiếu hụt lao động có tay nghề và do đó họ phải tự xây dựng các chương trình tái đào tạo lao động.
Về cơ sở hạ tầng thì Việt Nam vẫn chưa bắt kịp các nước cùng trình độ phát triển, kể cả nhóm "ASEAN 4" (gồm Malaysia, Philippines, Thái Lan và Indonesia -bốn quốc gia có GDP bình quân đầu người cao nhất trong số các quốc gia có thu nhập trung bình ở Đông Nam Á) ở một số lĩnh vực như hệ thống cung cấp điện, chất lượng đường bộ và đường sắt. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ cần đầu tư từ 113 - hơn 140 tỉ USD vào cơ sở hạ tầng; tuy nhiên, ngân sách nhà nước có thể chỉ đáp ứng được 50% đến 60% nhu cầu này. Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm từ Hàn Quốc hay Ấn Độ về mô hình hợp tác công-tư để thu hút nhiều hơn vốn đầu tư tư nhân.
Và thách thức thứ ba là về quản trị nhà nước. Hiện tại, điểm SEDA về quản trị nhà nước của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với các nước nhóm "ASEAN 4".
Báo cáo của BCG dẫn một khảo sát do Chính phủ Việt Nam thực hiện trong thời gian gần đây rằng, 66% doanh nghiệp cho biết họ phải trả các "chi phí không chính thức" khi hoạt động kinh doanh ở Việt Nam; gần 1/5 trong số các doanh nghiệp này cho biết “chi phí không chính thức” có thể lên tới hơn 10% doanh thu.
Thủy Diệu / VnEconomy