Nhiều người ngạc nhiên khi Việt Nam được xếp hạng 10 trong số quốc gia có sức hấp dẫn. Bảng xếp hạng thực hiện bởi một ngân hàng quốc tế dựa trên khảo sát người nước ngoài sống ở 33 quốc gia mà họ đến làm việc. Chỉ một phần ba trong số đó là các nước đang phát triển, hầu hết đều giàu có hơn Việt Nam nhiều.
Là một nhà kinh tế, khi nhìn thấy thứ hạng này, tôi nghĩ ngay đến phương pháp luận. Ví dụ, một người nước ngoài chọn sống ở Thụy Sĩ có thể khác với một người nước ngoài đến sống ở Việt Nam, vì vậy câu trả lời của họ có thể không được so sánh một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, không có thông tin có sẵn về thành phần của mẫu trong khảo sát này. Việc biết giới tính, độ tuổi cũng như nghề nghiệp, mức thu nhập của người trả lời sẽ giúp đánh giá xem liệu mẫu đó có đại diện cho những người nước ngoài sống ở mỗi quốc gia được khảo sát hay không.
Tuy nhiên, là người từng sống ở Hà Nội 8 năm và trọn vẹn tình yêu với Việt Nam trong suốt 2 thập kỷ, tôi tin rằng có một số sự thật trong bảng xếp hạng này. Ngoài chuyện kỹ thuật và niềm tin, câu hỏi đặt ra là điều gì trong bảng xếp hạng này cung cấp cho ta thông tin hữu ích.
Hiểu được điều gì làm cho đất nước trở nên hấp dẫn thực sự rất quan trọng. Để Việt Nam trở thành một nền kinh tế tiên tiến, nó sẽ phải thu hút những tài năng hàng đầu từ khắp nơi trên thế giới. Cần có sự hợp tác với các doanh nhân, nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà truyền thông giỏi nhất để định vị đất nước đi đầu trong đổi mới và sáng tạo. Điều gì sẽ khiến những chuyên gia này nghĩ rằng Việt Nam là một nơi đáng sống và làm việc?
Nhiều người cho rằng Việt Nam có điểm số cao chỉ đơn giản bởi giá cả sinh hoạt rẻ so với mức lương quốc tế mà các chuyên gia nước ngoài nhận được. Tôi hoài nghi về “lời giải thích” này.
Theo những số liệu này, một đô-la Mỹ ở Việt Nam có thể mua được lượng dịch vụ, hàng hóa tương đương với 3,06 đô-la Mỹ ở Mỹ. Tuy nhiên, 9 nước khác có giá cả thấp hơn Việt Nam và 11 quốc gia khác tương đương. Trong số 20 nước này, chỉ Ấn Độ được đưa vào danh sách 33 quốc gia hấp dẫn nhất đối với người nước ngoài. Vậy, giá cả phải chăng không phải là một lời giải thích đầy đủ.
Một số lưu ý lý do phụ nữ Việt Nam rất tuyệt vời và đàn ông nước ngoài thấy vui vẻ theo những cách khác nhau. Tất nhiên, không có số liệu chi tiết về khía cạnh này. Nhiều người đồng ý rằng phụ nữ Việt Nam vừa quyến rũ lại vừa dũng cảm, vừa ngọt ngào lại vừa mạnh mẽ. Và tôi nghi ngờ rằng với một mẫu khảo sát có thể thiên vị đối với đàn ông, thì các nhà bình luận châm biếm trên mạng xã hội có thể đúng.
Nhưng lời giải thích này cũng vậy, một lần nữa không khiến tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Trong những năm làm việc tại Việt Nam, tôi đã thấy nhiều người nước ngoài, cả đàn ông và phụ nữ, thực sự yêu ai đó là người địa phương và lập gia đình với họ rồi sống luôn ở Việt Nam. Tôi đã chứng kiến những mối quan hệ kéo dài với tình cảm sâu sắc chứ không phải là quan hệ thoáng qua, phù phiếm. Kinh nghiệm của bản thân cũng cho tôi thấy rằng một người nước ngoài sống ở Việt Nam có thể xây dựng được một mạng lưới tình bạn mạnh mẽ và gắn bó suốt đời.
Trên thực tế, khi xem xét kỹ hơn các chỉ số nằm trong bảng xếp hạng của ngân hàng quốc tế, ta thấy điểm số cao nhất của Việt Nam là: “sự hoàn chỉnh”, “dễ dàng định cư tại cộng đồng”, “văn hóa cởi mở và người dân rất thân thiện”, trẻ em được rộng rãi “kết bạn”.
Niềm tin và sự ấm áp giữa những con người chính là một trong những tài sản vô hình của Việt Nam, cũng như nền ẩm thực tuyệt vời và sự tinh tế đầy nghệ thuật của đất nước các bạn. Cá nhân tôi tin rằng các đặc tính này chính là lý do cho vị thế quốc tế cao bất thường của Việt Nam, thậm chí so với các quốc gia giàu có hơn nhiều và cung cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ tốt hơn. Những tài sản văn hóa và xã hội này được neo giữ trong chiều dài lịch sử của đất nước và chúng có thể không dễ dàng bị mất đi.
Những điều hấp dẫn khác của Việt Nam lại có thể dễ bị đe dọa. Nhiều ý kiến trên mạng xã hội chỉ ra rằng, cuộc sống ở Việt Nam rất thoải mái đối với người nước ngoài nhưng lại khá khắc nghiệt đối với người Việt. Nếu khảo sát người Việt thì nhiều nước khác trong bảng xếp hạng gần như chắc chắn sẽ vượt lên Việt Nam. |
Một trong những điểm số thấp nhất của Việt Nam trong bảng xếp hạng này là “chất lượng sống”. Điều này không được giải thích cụ thể nhưng tôi sẽ tưởng tượng rằng người ta nói đến chuyện tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí, tiếng ồn và những vấn đề tương tự. Đây là những thách thức phát triển đô thị nghiêm trọng, và chúng ảnh hưởng đến cả người dân địa phương và người nước ngoài.
Có hàng trăm bảng xếp hạng quốc gia có sẵn, với đủ loại chủ đề, và con số cứ tăng thêm nữa bởi mỗi tháng các bảng xếp hạng lại được công bố. Thật dễ dàng để chú ý đến những điều chúng ta thích, qua những điều chúng ta không thích. Và chắc chắn rất khó để nói các bảng xếp hạng điểm đến hấp dẫn đối với người nước ngoài này đáng tin cậy ra sao. Nhưng ngoài việc phân tích nghiêm ngặt, tôi tìm thấy một điểm quan trọng từ bảng xếp hạng vừa công bố liên quan tới Việt Nam.
Theo tôi, điều khiến người nước ngoài như tôi yêu và muốn gắn bó suốt đời với Việt Nam chính là sức mạnh của sự gắn kết xã hội, sự tinh túy trong văn hóa. Và điều khiến tôi (và có lẽ nhiều người khác) lo lắng chính là: sự phát triển kinh tế nhanh chóng đôi khi có thể làm hao mòn những điều làm nên sự hấp dẫn của đất nước các bạn.
Bảng xếp hạng này rất hữu ích nếu chúng khuyến khích chính quyền suy nghĩ kỹ về cách bảo tồn những điều khiến Việt Nam, và đặc biệt là các thành phố như Hà Nội, TPHCM, thực sự độc đáo. Trong số đó, một số điều có thể có ý nghĩa đó là Việt Nam nên chú ý đến kiến trúc thanh lịch, vỉa hè sống động, những con đường rợp bóng cây và những hồ nước đẹp mát lành.
Phát triển cơ sở hạ tầng, cung cấp dịch vụ rất quan trọng để thu hút nhân tài hàng đầu đến Việt Nam. Nhưng quan trọng không kém là sự giàu có của đời sống văn hóa, xã hội. Điều đó bao gồm việc bảo vệ các không gian đô thị tuyệt vời, nơi mà ẩm thực, nghệ thuật, tình bạn và tình yêu bừng nở ở Việt Nam.
Theo MARTIN RAMA (GIÁM ĐỐC KHU VỰC MỸ LATIN VÀ VÙNG CARIBBE CỦA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI)
Tiền phong