“Bộ GD&ĐT đang gấp rút xây dựng Khung trình độ quốc gia dựa trên khung tham chiếu trình độ ASEAN để thúc đẩy hơn nữa sự dịch chuyển sinh viên giữa các nước ASEAN cũng như lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Sáng 8/6, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Dự án Hỗ trợ Giáo dục Đại học tại khu vực Đông Nam Á (gọi tắt là SHARE) thuộc Liên minh Châu Âu (EU) phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức diễn đàn đối thoại chính sách lần thứ ba trong chuỗi đối thoại chính sách thuộc dự án SHARE.
Diễn đàn đối thoại chính sách tập trung vào các công cụ cần thiết để tăng cường khả năng dịch chuyển của sinh viên trong khu vực ASEAN, đặc biệt là các hệ thống chuyển đổi tín chỉ và chương trình học bổng.
Tham dự diễn đàn, Giáo sư – Tiến sỹ Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT tạo cho biết: Việt Nam hiện có gần 500 cơ sở giáo dục đại học, bao gồm các trường đại học và cao đẳng với hơn 2 triệu sinh viên. Hơn 130.000 sinh viên Việt Nam đang du học nước ngoài và có khoảng 20.000 sinh viên nước ngoài hiện đang học tập tại Việt Nam. Nhiều trường đại học Việt Nam có các khóa học bằng tiếng Anh cũng như hợp tác với các trường đại học nước ngoài trong các chương trình liên kết đào tạo; hiện tại, đang có hơn 400 chương trình liên kết đào tạo như vậy được thực hiện tại Việt Nam.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định, Việt Nam đang gấp rút xây dựng khung trình độ quốc gia để thúc đẩy hơn nữa sự dịch chuyển sinh viên trong ASEAN.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam luôn khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài và các đại học quốc tế mở cơ sở tại Việt Nam. Hiện tại, nhiều đại học quốc tế đã được thành lập tại Việt Nam như Đại học Việt Đức, Đại học Việt Pháp, Đại học Việt Nhật hay Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt Anh.
“Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang gấp rút xây dựng Khung trình độ quốc gia dựa trên khung tham chiếu trình độ ASEAN. Việc này sẽ còn thúc đẩy hơn nữa sự dịch chuyển sinh viên giữa các nước ASEAN cũng như lao động trong cộng đồng kinh tế ASEAN”, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định.
Quốc tế hóa làm cho các trường đại học tại Việt Nam phù hợp với những cơ hội và thách thức nảy sinh từ cộng đồng ASEAN là một yếu tố quan trọng trong chiến lược giáo dục đại học Việt Nam. Và dự án SHARE là một trong những công cụ rất tốt để hỗ trợ sự phát triển cần thiết của các hệ thống và khuôn khổ để thực hiện chiến lược này.
SHARE là một dự án 10 triệu Euro do EU tài trợ với một mục tiêu chính là tăng cường sự hợp tác trong khu vực, nâng cao chất lượng, tính cạnh tranh và quốc tế hóa của các cơ sở giáo dục đại học và sinh viên ASEAN đồng thời đóng góp cho cộng đồng ASEAN.
Diễn đàn đối thoại tập trung vào các công cụ cần thiết để tăng cường khả năng dịch chuyển của sinh viên trong khu vực ASEAN.
“Khối Liên minh Châu Âu (EU) rất vui vì có thể đem những kinh nghiệm chuyên môn phong phú từ Quá trình chuyển đổi Bologna của Châu Âu để hỗ trợ khu vực ASEAN, thông qua Dự án SHARE, trong việc xây dựng những chương trình học bổng và hệ thống riêng của khu vực” – Ngài Bruno Angelet, Đại sứ EU tại Việt Nam nói.
Ngài Bruno Angelet cũng cho biết thêm: “Hơn 14.000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại EU với những quốc gia đứng đầu bao gồm Anh, Pháp và Đức. Chúng tôi luôn muốn thúc đẩy sự giao lưu hơn nữa trong tương lai. Hiện tại, chúng tôi cũng đang hỗ trợ 18 dự án nghiên cứu được tài trợ bởi chương trình Erasmus Plus. Những dự án này được phối hợp thực hiện giữa các trường đại học hàng đầu của Việt Nam và Châu Âu; đây là các dự án nghiên cứu nông nghiệp bền vững, an toàn thực phẩm và quản lý năng lượng”.
Bà Rodora T. Babaran, Giám đốc phát triển con người tại Ban Thư ký ASEAN chia sẻ: “Một hệ thống giáo dục đại học khu vực hiệu quả, được xây dựng xung quanh chương trình học bổng tại ASEAN cho sinh viên, sẽ là một yếu tố quan trọng trong việc thực hiện tầm nhìn của một cộng đồng ASEAN thực sự lấy con người làm trung tâm”.
Đồng thời, Bà Rodora T. Babaran cũng lưu ý đến 3 thách thức mà dự án SHARE phải giải quyết nhằm tạo ra khu vực giáo dục năng động trong toàn khối ASEAN gồm: Sự đa dạng của hệ thống giáo dục ASEAN; cơ chế chia sẻ thông tin và xây dựng niềm tin với trung tâm là cơ chế bảo đảm chất lượng mạnh; ngôn ngữ giảng dạy (Nhiều quốc gia ASEAN vẫn gặp khó khăn và cần hỗ trợ để phát triển năng lực tiếng Anh. Một lựa chọn khác là sử dụng một hoặc một số ngôn ngữ chung của ASEAN nhưng đây vẫn là một câu hỏi đang bỏ ngỏ…).
Diễn đàn quy tụ 150 lãnh đạo giáo dục cấp cao, các nhà quản lý trường đại học, các học giả và sinh viên đến từ Việt Nam, các nước thành viên ASEAN và EU.
Từ năm 2016 trở đi, Dự án SHARE sẽ cung cấp khoảng 500 suất học bổng dành cho sinh viên ASEAN để nhằm đưa vào thử nghiệm các hệ thống mới cải thiện, chủ yếu bằng cách hỗ trợ trao đổi sinh viên và công nhận tín chỉ trong khu vực ASEAN. ASEAN hiện đang làm việc với một liên minh do Hội đồng Anh đóng vai trò điều phối chính, bao gồm các tổ chức như DAAD, EP-Nuffic, Campus France, ENQA và EUA để thực hiện dự án SHARE trong thời gian từ năm 2015 đến 2018.
Lệ Thu / dantri.com.vn