Trong không khí học thuật cởi mở của buổi hội thảo, các nhà khoa học rất thẳng thắn chỉ ra Việt Nam khó thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình. Ảnh: Chính Phong
Việt Nam đang mắc kẹt trong bẫy thu nhập trung bình, và rất thoát ra khỏi tình trạng này nếu không có những cải cách rất quyết liệt về thể chế, theo nhận định của nhiều chuyên gia tại một cuộc hội thảo quốc tế đang diễn ra trong hai ngày 17 và 18-3 tại TP.HCM.
Tại Hội thảo “Bẫy thu nhập trung bình: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn TP.HCM phối hợp với Viện FES (Đức) và Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) tổ chức nêu ra các tiêu chí nhận dạng mắc bẫy như thu nhập bình quân đầu người, mô hình tăng trưởng, thiếu vắng một chính sách công nghiệp có chất lượng…
Nghiên cứu của TS. Phạm Thị Minh Uyên và TS. Phan Thế Công từ Trường Đại học Thương mại dựa trên lý thuyết về bẫy thu nhập trung bình (middle income trap) của nhà kinh tế người Nhật Bản Kenichi Ohno cho thấy Việt Nam đang mắc bẫy này.
Theo phân chia của World Bank áp dụng từ năm 2012 đến nay, nước thu nhập thấp là có thu nhập quốc dân (GNI) bình quân đầu người dưới 1.025 đô la Mỹ/người/năm, thu nhập trung bình thấp có GNI giữa khoảng 1.025 đến 4.035 đô la Mỹ, thu nhập trung bình có GNI giữa khoảng 4.035 đến 12.475 đô la Mỹ, và thu nhập cao là có GNI trên 12.475 đô la Mỹ. Năm 2008, Việt Nam mới gia nhập nhóm thứ 2: thu nhập trung bình thấp. Theo số liệu World Bank, GNI của Việt Nam năm 2014 là 1.890 USD.
Mô hình tăng trưởng theo chiều rộng dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên, thâm dụng lao động, phụ thuộc quá nhiều vào vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), năng suất lao động thấp, hiệu quả đầu tư không cao nghĩa là chất lượng tăng trưởng thấp… là những điều dễ nhận thấy của nền kinh tế Việt Nam. Tại hội thảo, các học giả nghiên cứu về các nền kinh tế có tình trạng tương tự Việt Nam như Indonesia, Bangladesh cũng có kết luận là các nước này khó thoát khỏi bẫy.
PGS TS Võ Trí Hảo từ Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh quyền tư hữu là nút thắt của nền kinh tế hiện nay, nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) với tư nhân, giữa tư nhân với tư nhân. Ông Hảo cũng cho rằng môi trường pháp lý hiện tại đang chèn ép các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) vốn là động lực cho sự tăng trưởng.
“Các cơ quan xây dựng và thực thi luật không dám chạm đến DNNN, chạm vào các doanh nghiệp FDI khó vì các doanh nghiệp này có đội ngũ tư vấn luật rất giỏi, vì thế đối tượng của họ là các SME”, ông Hảo nói.
Các giai đoạn của quá trình công nghiệp hóa, lý thuyết của nhà kinh tế Kenichi Ohno cho rằng bẫy thu nhập trung bình được xác định ở giữa giai đoạn 2 và 3.
Trình bày về mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp và tác động của mối quan hệ này tới sản xuất công nghiệp trong ba thập kỷ qua, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc nghiên cứu Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, đánh giá cao bộ Luật Doanh nghiệp 1990 và đặc biệt là bộ Luật Doanh nghiệp 1999 đã giúp kinh tế tăng trưởng, thay đổi tích cực mối quan hệ giữa nhà nước với doanh nghiệp, cho phép doanh nghiệp tham gia chính sách.
Nhưng ông Vũ Thành Tự Anh đánh giá thấp hai bộ luật gần đây ra năm 2005 và 2014. Luật Doanh nghiệp 2005 không mang lại sự cải cách, tạo ra các mối quan hệ trung ương – địa phương, nhà nước – doanh nghiệp phức tạp, doanh nghiệp thậm chí còn dẫn dắt nhà nước trong việc xây dựng chính sách, đẩy nền kinh tế đi theo hơi hướng chủ nghĩa tư bản thân hữu. Luật Doanh nghiệp 2014 tốt hơn cho doanh nghiệp, giảm quyền lực một số bộ ngành, nhưng tư duy quản trị không thay đổi.
“Nếu xem bộ luật năm 1990 là phiên bản 1.0, bộ luật 1999 là 2.0 thì bộ luật 2005 là 2.1, bộ luật 2014 là 2.5”, ông Tự Anh nhận xét. Nghĩa là hiệu quả của việc hoạch định chính sách thụt lùi.
Ông Tự Anh cũng nêu ra một thực trạng khác là ý chí thực thi chính sách yếu, thiếu sự đồng thuận, khủng hoảng về mặt lãnh đạo.
“Các bộ không đối thoại được với nhau. Cùng trong một nội các thủ tướng mà các bộ phải ký kết thỏa thuận hợp tác với nhau. Mỗi bộ như một ốc đảo quyền lực, cơ quan nào có thể ra chính sách thì đều lạm dụng tối đa việc đó để làm lợi cho mình, quyền phân phối lợi ích tăng thì quyền lực lại càng lớn”.
Các nhà nghiên cứu kinh tế đặc biệt phê phán các chính sách áp dụng cho các doanh nghiệp FDI, ưu đãi họ quá nhiều trong khi họ kết nối với các doanh nghiệp trong nước rất kém, không chuyển giao công nghệ, chỉ đến tận dụng nhân công rẻ và môi trường rẻ. “Một trong những lợi nhuận đáng kể của họ đến từ việc không phải chịu các quy định chặt chẽ về môi trường; mù quáng với FDI, con cháu ta sẽ phải trả giá”, ông Võ Trí Hảo nói.
Trong không khí học thuật cởi mở, các nhà khoa học rất thẳng thắn, như giáo sư Hansjorg Herr từ Trường kinh tế Berlin (Đức): “Nghe các bạn nói về khó khăn hiện tại, tôi thấy một loạt Hiệp định thương mại mới ký kết rất nguy hiểm với Việt Nam. Doanh nghiệp tư nhân chưa phát triển đủ mức, doanh nghiệp nhà nước bị chi phối bởi chính trị còn nền kinh tế bị doanh nghiệp FDI lũng đoạn như vậy thì các bạn vẫn chỉ gia công xuất khẩu, tạo lợi nhuận cho nước khác, luẩn quẩn trong bẫy thu nhập trung bình”.
TS Nguyễn Đức Thành từ Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng nhận định: “Qua rồi thời kỳ cứ cho rằng cứ hội nhập là tốt, ngày trước hội nhập thì mình được, bây giờ hội nhập được mất như nhau, nếu không thay đổi thể chế chính sách thì mất nhiều hơn được. Muốn thoát khỏi bẫy phải thay đổi thể chế chính sách, thay đổi ít là thất bại, thay đổi vừa thì bớt thất bại, chỉ có quyết tâm thay đổi cao nhất cộng với may mắn và nhiều ngoại lực thuận lợi khác mới thoát bẫy thành công”.
Chính Phong / thesaigontimes.vn