Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng bậc trong bảng xếp hạng "quyền lực mềm" toàn cầu, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng quyền lực mềm toàn cầu.
Theo Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu 2021, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN được nâng hạng trong bảng xếp hạng "quyền lực mềm" toàn cầu.
Cụ thể, vị trí của Việt Nam cũng được cải thiện, tăng 2,5 điểm, nâng thêm 3 bậc, từ 50/60 lên 47/105 quốc gia được xếp hạng.
Việt Nam được đánh giá là điểm sáng nhờ sự tăng hạng vượt bậc về thương hiệu quốc gia và những kết quả về kinh tế, xã hội đã đạt được trong năm qua.
Theo đánh giá của Brand Finance, Việt Nam đã phát huy tương đối tốt mọi khía cạnh của quyền lực mềm, đặc biệt là sự hội nhập của Thương hiệu quốc gia Việt Nam và các thương hiệu sản phẩm hàng đầu
Báo cáo Nation Brands 2020 của Brand Finance cho biết, Việt Nam có giá trị thương hiệu quốc gia tăng nhanh nhất thế giới khi tăng tới 29% so với năm trước, lên 319 tỷ USD.
Thứ hạng của Việt Nam cũng cải thiện từ vị trí 42 lên 33 trong danh sách 100 thương hiệu quốc gia có giá trị nhất của Brand Finance.
Để công bố Báo cáo chỉ số quyền lực mềm toàn cầu năm 2021, Brand Finance đã tổ chức "Hội nghị thượng đỉnh 2021 về Quyền lực mềm toàn cầu" từ 19h00 đến 23h00 thứ Năm, ngày 25/02/2021 (giờ Việt Nam).
Trao đổi về sự kiện này, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) - cho biết, quyền lực mềm Việt Nam không chỉ là sự kế thừa và phát huy nền tảng vốn có (như lịch sử dân tộc hào hùng, nền văn hiến, chính sách đối ngoại hòa bình, hòa hiếu) mà còn là sự phát triển, tận dụng cả những vị thế mới, lợi thế mới.
Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cửa thị trường lớn nhất thế giới với tỷ trọng xuất nhập khẩu/GDP tăng liên tục qua các năm (từ 136% năm 2010 lên xấp xỉ 200% vào năm 2019).
Mặc dù năm 2020, kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng nền kinh tế vẫn tăng trưởng gần 3%, là một trong những nước hiếm hoi có tăng trưởng dương trong khu vực và trên thế giới.
Theo ông Phú, trong thời gian tới để xây dựng và phát huy sức mạnh mềm của mình, trước hết, Việt Nam cần xây dựng định hướng chiến lược về phát huy sức mạnh mềm một cách bài bản, dài hạn trong thời kỳ mới, đặc biệt trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh việc xây dựng, phát huy "sức mạnh mềm", Việt Nam cũng cần tăng cường, hoàn thiện sức mạnh cứng để tạo nên một sức mạnh tổng hợp, đó chính là "sức mạnh thông minh" trong thời đại mới, để nâng tầm hội nhập sâu rộng và hiệu quả, phát huy vị thế mới về địa chiến lược, địa kinh tế của đất nước.