Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: “Khi hàng loạt dự án đường cao tốc, đặc biệt là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai đã rút ngắn thời gian di chuyển đường bộ rất nhiều thì việc xây dựng nhiều sân bay có dư thừa trong khi hàng loạt các cảng hàng không nội địa vẫn đang loay hoay cắt lỗ?”
Ảnh minh họa.
Hôm qua (12/5), Cảng hàng không quốc tế Cát Bi (Hải Phòng) với tổng vốn đầu tư lên tới 3.666 tỷ đồng chính thức được khánh thành. Cùng lúc, hàng loạt các dự án sân bay khác đang được triển khai với 3 sân bay khu vực Tây Bắc có tổng vốn lên tới gần 10.000 tỷ đồng và sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) dự kiến hoàn thành đường băng và đường lăn trong năm 2017. Hàng chục ngàn tỷ đồng được đổ vào hệ thống sân bay phía bắc đang tạo khởi sắc cho lĩnh vực hàng không.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: “Khi hàng loạt dự án đường cao tốc, đặc biệt là cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Lào Cai đã rút ngắn thời gian di chuyển đường bộ rất nhiều thì việc xây dựng nhiều sân bay có dư thừa trong khi hàng loạt các cảng hàng không nội địa vẫn đang loay hoay cắt lỗ?”.
Đến năm 2020 sẽ chi tổng 277.800 tỷ đồng cho các dự án hàng không
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng được đưa vào sử dụng từ đầu năm 2016 rút ngắn thời gian đi lại giữa hai điểm này chỉ còn dưới 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, tại lễ khánh thành ngày hôm qua, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định Cảng Hàng không quốc tế (HKQT) Cát Bi không chỉ phục vụ người dân Hải Phòng mà còn là đầu mối giao thông hàng không của cả vùng duyên hải Bắc Bộ.
Cũng cần nói thêm là đầu năm 2015, nhà ga T2 của Cảng HKQT Nội Bài cũng mới đưa vào sử dụng có tổng vốn đầu tư lên tới gần 50.000 tỷ đồng, chủ yếu là vốn vay ODA Nhật Bản. Bên cạnh dự án sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) đã chính thức khởi công và dự kiến hoàn thành một số hạng mục trong năm 2017 thì cuối tháng 3/2016, Cục Hàng không Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT kế hoạch triển khai đầu tư xây dựng 3 cảng hàng không khu vực Tây Bắc là Nà Sản, Lai Châu, Lào Cai. Trong đó sân bay Nà Sản được nâng cấp là cảng hàng không nội địa cấp 4C và sân bay quân sự cấp 1 đáp ứng nhu cầu phục vụ 0,9 triệu hành khách/năm đến năm 2020 và 1,5 triệu hành khách/năm đến năm 2030 với tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là hơn 1.984 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước từ Bộ Quốc phòng, dự kiến khởi công năm 2017, hoàn thành năm 2019.
Sân bay Lai Châu được xây mới với quy mô theo đúng chức năng là sân bay hoạt động khai thác dân dụng cấp 3C, sân bay quân sự cấp III, đáp ứng nhu cầu phục vụ 40.000 hành khách/năm. Tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là hơn 4.783 tỷ đồng. Cảng hàng không Lào Cai cũng được dự kiến xây mới quy mô là cảng hàng không nội địa cấp 4C, sân bay quân sự cấp 2, đáp ứng nhu cầu phục vụ 560.000 hành khách/năm; tổng mức đầu tư dự kiến giai đoạn 1 là hơn 3.046 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành 2019.
Việc xây dựng đồng loạt các sân bay này nằm trong chủ trương và dự án quy hoạch phát triển hàng không giai đoạn 2020 và 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo dự án này, đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 26 cụm cảng hàng không được đưa vào khai thác sử dụng, trong đó có 10 cụm cảng hàng không quốc tế là Nội Bài, Cát Bi, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành, Cần Thơ, Phú Quốc và 16 cảng hàng không nội địa là Điện Biên Phủ, Lào Cai, Lai Châu, Nà Sản, Quảng Ninh, Gia Lâm, Vinh, Đồng Hới, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Vũng Tàu.
Cũng theo dự án, tổng nhu cầu vốn cho các dự án cảng hàng không lên tới 227.800 tỷ đồng, tương đương 14,2 tỷ USD. Trong đó, đầu tư mua máy bay khoảng 117.000 tỷ đồng (7,3 tỷ USD), đầu tư cơ sở vật chất cảng hàng không khoảng 90.000 tỷ đồng (5,6 tỷ USD).
Nhiều cảng hàng không nội địa vẫn chưa hết lỗ
Trong khi có nhiều ý kiến cho rằng, việc có tới 26 cảng hàng không đến năm 2020 sẽ dẫn đến “lạm phát sân bay”, phía Cục Hàng không Việt Nam cho rằng số lượng sân bay ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với khu vực. Chẳng hạn, Thái Lan có tới 34 sân bay, Malaysia có 37 sân bay, Philippines có dân số nhỏ hơn Việt Nam nhưng có tới gần 40 sân bay.
Tuy nhiên có một thực trạng là nhiều cảng hàng không hiện nay lại đang thua lỗ, vắng khách, hoạt động èo uột. Theo thông tin từ Tổng công ty Hàng không Việt Nam (ACV) công bố tại “Hội thảo giới thiệu cơ hội đầu tư vào ACV” diễn ra hồi đầu tháng 3.2016 thì nhiều người giật mình:
“Trong tổng số 22 cảng hàng không do ACV quản lý, chỉ có Nội Bài và Tân Sơn Nhất đang có lãi, còn lại đều thua lỗ”. ACV cho biết, sân bay Chu Lai (Quảng Nam) có công suất thiết kế 500.000 khách mỗi năm nhưng thực tế chỉ đạt trên 8%, nên cả năm 2014 chỉ thu về 3,57 tỷ đồng. Tương tự, Cảng HKQT Cần Thơ chỉ đạt công suất trên 15% trên mức thiết kế 2 triệu khách, mang về doanh thu 34 tỷ đồng. Một số sân bay khác như Cà Mau, Rạch Giá, Tuy Hòa, Điện Biên, Đồng Hới, Liên Khương, Phú Quốc… cũng chỉ đạt công suất hoạt động 11-37%. Nói cách khác Nội Bài và Tân Sơn nhất đang phải gánh lỗ cho 20 sân bay còn lại.
Lạc quan với lượng khách từ Trung Quốc
Ngày 8.5, UBND tỉnh Lào Cai đã có cuộc gặp với những nhà đầu tư để bàn chuyện thúc đẩy dự án sân bay Lào Cai.
Cảng Hàng không quốc tế Cần Thơ chỉ đạt công suất trên 15% trên mức thiết kế 2 triệu khách. Ảnh: T.C.A
Ngày 12/5, trước câu hỏi của PV rằng: “Giao thông đường bộ và đường sắt lên Lào Cai hiện tại đã rất thông thoáng và thuận lợi, đặc biệt tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai rút ngắn thời gian di chuyển từ nửa ngày xuống 3 tiếng đồng hồ. liệu có nhất thiết phải xây dựng thêm đường hàng không?”, ông Nguyễn Văn Vịnh - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lào Cai - nói: “Sân bay hoàn thành sẽ giúp kết nối Lào Cai với các tỉnh miền biển như Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa... Khách du lịch miền biển, miền Nam lên đỉnh Fansipan thì rất thích, có người xúc động còn khóc.
Ai cũng nói rằng đi đường bộ rất mất thời gian, được đi máy bay thì may quá. Ngoài đối tượng khách nội địa, sân bay Lào Cai đặc biệt hướng tới những du khách đến từ Vân Nam (Trung Quốc). Họ có mấy chục triệu dân và đều rất thích biển…”. “Cảng hàng không Lào Cai là sân bay lưỡng dụng, kết hợp giữa phát triển kinh tế với an ninh, quốc phòng. Sân bay sẽ góp phần tăng cường khả năng cơ động trong việc phòng thủ, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh khu vực biên giới phía bắc cũng như phục vụ trong công tác cứu hộ, cứu nạn cho các tỉnh trong khu vực Tây Bắc. Do đó việc sớm xây dựng Cảng hàng không Lào Cai là rất cần thiết” ông Vịnh nói.
Thực hiện mục tiêu chính trị xã hội, an ninh quốc phòng dường như đang là một “cứu cánh” cho những sân bay đang thua lỗ, trong đó có những sân bay sắp khởi công xây dựng như Lai Châu, Lào Cai.
Ông Hoàng Quốc Khánh - Giám đốc Sở KHĐT Lào Cai: Vừa qua Bộ GTVT quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng hàng không Lào Cai giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, theo đó dự án sân bay Lào Cai được quy hoạch tại huyện Bảo Yên với quy mô sân bay cấp 4C đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321 hoặc tương đương. Về vốn đầu tư xây dựng sân bay hiện đang xin cơ chế, không sử dụng 100% vốn Nhà nước mà phải có phương án huy động các nguồn vốn khác. Về ý kiến cho rằng hiện đã có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai đi lại rất thuận tiện thì việc xây dựng sân bay có gì lãng phí không khi lưu lượng hành khách bay tới khu địa phương chưa đạt như Nội Bài, tôi cho rằng không thể nói là lãng phí được vì đây là chủ trương lớn của Chính phủ, giúp cho các địa phương phát triển kinh tế xã hội rất nhiều, việc xây dựng sân bay là hoàn toàn đúng đắn. Sân bay xây dựng theo hình thức đầu tư bỏ vốn thì người ta làm người ta đương nhiên phải tính toán. VŨ HẢI ghi Phát biểu tại lễ khánh thành dự án xây dựng Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi, TP. Hải Phòng ngày 12.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP. Hải Phòng và các địa phương liên quan phát triển dịch vụ, du lịch, đầu tư và đặc biệt là các cơ sở hạ tầng liên quan để kết nối với sân bay. Bộ GTVT và các đơn vị liên quan phải chú trọng công tác bảo đảm an toàn bay, thường xuyên duy tu, bảo dưỡng, sử dụng hiệu quả công trình. CÔNG THẮNG |
Theo Báo Lao Động