– Vậy thời gian tới các hoạt động của thương vụ sẽ thay đổi như thế nào để hỗ trợ tốt nhất cho các DNVN khi thâm nhập thị trường Hoa Kỳ, thưa ông?
Với sự thay đổi do TPP mang lại, tất cả các DNVN cũng như các DN Mỹ tại địa bàn đều rất quan tâm tới thị trường của nhau. Tôi được biết, đang có một “làn sóng” đầu tư của các nước không phải TPP, tham gia vào các nước nội khối của TPP, đặc biệt là VN vào các mặt hàng dệt may, giầy dép. Có những tập đoàn có 5 nhà máy sản xuất ở Trung Quốc, nay chuyển cả 5 nhà máy đó sang VN. Tôi cho rằng đây là cơ hội rất lớn cho các DNVN trong việc mở cửa thị trường của các nước về việc giảm các dòng thuế. Chính vì vậy, thời gian tới công việc của thương vụ cũng sẽ tăng lên đột biến, có rất nhiều DNVN muốn tham gia thị trường Hoa Kỳ để hưởng các lợi ích mà TPP mang lại. Nhưng họ còn thiếu nhiều thông tin, thiếu các nghiên cứu cụ thể về các cơ hội và thách thức do TPP mang lại. Vì vậy, thương vụ thường xuyên trả lời các email, các “đặt bài” của DNVN muốn kết nối với các DN Hoa Kỳ. Ở chiều ngượi lại, chúng tôi nhận thấy các DN Mỹ cũng rất quan tâm tới thị trường VN để tăng cường đầu tư vào VN trong các lĩnh vực do TPP mang lại
– Có ý kiến cho rằng hoạt động của các thương vụ chưa tích cực trong việc dự báo xu hướng thị trường, cũng như giúp DN định hướng XK vào thị trường nước ngoài, thưa ông?
Tôi cho rằng với cơ cấu hiện nay, Thương vụ đông nhất cũng chỉ được có 4 người, Thương vụ ít nhất là 1 người. Dù lực lượng mỏng nhưng từ Tham tán tới các tùy viên đều đã rất cố gắng, nỗ lực hết sức trong việc cung cấp thông tin hỗ trợ cho DN, tìm hiểu thị trường, tìm bạn hàng … Thương vụ tại Hoa Kỳ còn chịu trách nhiệm tham gia vào các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với hàng hóa VN, vận động, đấu tranh đối với các đơn vị liên quan của phía bạn để giải tỏa ách tắc với hàng hóa XK của VN. Với một số lượng công việc lớn như vậy, thời gian qua Thương vụ Hoa Kỳ nói riêng và các Thương vụ VN trên thế giới nói chung đã có những cố gắng hết sức để giúp đỡ các DN. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng các cơ quan Thương vụ không thể trả lời hay “làm bài tập” hộ cho các DN trong nước. Ở Hội nghị Tham tán Thương mại 2016 cũng đã có nhiều ý kiến cho rằng các DN muốn được sự hỗ trợ tốt hơn từ các cơ quan Thương vụ, họ cần phải “làm bài tập” của mình trước khi có liên hệ với Thương vụ. Ví dụ các DN muốn XK hoa quả tươi vào thị trường Hoa Kỳ phải hiểu rằng, hiện nay họ chỉ cho phép VN XK 4 loại: Thanh long, chôm chôm, vải, nhãn. Nhưng thực tế nhiều DN lại nói với chúng tôi rằng họ muốn XK chanh leo, chanh tươi vào Hoa Kỳ, điều này chứng tỏ DN chưa có tìm hiểu, chưa nghiên cứu về thị trường Hoa Kỳ. Thậm chí có DN còn quả quyết rằng các mặt hàng: tăm tre, tăm hương, trầm hương, yến sào… đang rất có tiềm năng, có nhu cầu và đang tiêu thụ tốt ở Hoa Kỳ. Nhưng do chưa tìm hiểu nên họ không biết rằng người Mỹ không dùng tăm, không dùng hương, Yến sào thị trường Mỹ cũng không dùng để bảo vệ môi trường, sinh thái…
– Ông có dự báo gì về tình hình trao đổi thương mại và đầu tư giữa VN và Hoa Kỳ trong năm 2016?
Năm 2016, kim ngạch XK của VN với Hoa Kỳ có thể tăng khoảng 20%, tổng kim ngạch XNK tăng khoảng 22%. Hiện nay kim ngạch XK của VN sang Hoa Kỳ năm 2015 là 33,5 tỷ USD, nhập khẩu từ Hoa Kỳ là 7,8 tỷ USD.
– Xin cảm ơn ông!
Quốc Anh / enternews.vn