Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 11 nền kinh tế chỉ nhập siêu khoảng 243 triệu USD, thấp hơn nhiều con số ước tính trước đó của Tổng cục Thống kê là 400 triệu USD. Nhờ đó tính chung 11 tháng, nền kinh tế xuất siêu tới 2,98 tỷ USD.
Cụ thể, trong tháng 11 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt hơn 16,13 tỷ USD, tăng 4,7% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng đạt hơn 159,94 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của cả nước trong tháng 11 đạt gần 16,38 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng đạt hơn 156,96 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam chỉ thâm hụt khoảng 243 triệu USD, thay vì con số thâm hụt 400 triệu USD theo ước tính của Tổng cục Thống kê. Nhờ đó, tính chung 11 tháng qua, nền kinh tế xuất siêu tới 2,98 tỷ USD.
Với diễn biến hoạt động xuất khẩu từ đầu năm đến nay, có thể thấy mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2015 chắc chắn là không đạt được khi mà chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2016. Tuy nhiên, cán cân thương mại đang thặng dư khá lớn tới 2,98 tỷ USD và nếu duy trì tốc độ như mấy tháng vừa qua, ước cả năm sẽ thặng dư hơn 2,5 tỷ USD – một chuyên gia cho biết.
Xét riêng khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI), trong tháng 11, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khối này đạt hơn 11,60 tỷ USD, tăng 5,6% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng đạt hơn 112,45 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11 của khối này đạt hơn 9,48 tỷ USD, giảm 0,4% so với tháng trước; lũy kế 11 tháng đạt hơn 92,75 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2015.
Như vậy, trong tháng 11 khu vực FDI vẫn xuất siêu tới 2,12 tỷ USD, nâng con số xuất siêu trong 11 tháng qua lên 19,70 tỷ USD. Điều đó cũng có nghĩa, trong 11 tháng qua, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu tới 16,72 tỷ USD.
Điều đáng chú ý nữa là với tốc độ tăng trưởng khá cao, khu vực FDI ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Theo Lao động