Khi sản xuất được vaccine ngừa Covid-19, các nước sẽ ưu tiên cho nhu cầu sử dụng trong nước của họ trước, sau đó mới bán cho các nước khác. Trong khi đó, Việt Nam là một trong 42 quốc gia trên thế giới có năng lực sản xuất vaccine. Đó là những lý do quan trọng cho thấy vì sao Việt Nam hiện có bốn nhà sản xuất đang nỗ lực cùng với các nước nghiên cứu sản xuất vaccine ngừa Covid-19.
Vaccine Covid-19 do các đơn vị của Việt Nam phát triển đã được sử dụng thí nghiệm với chuột bạch. Ảnh: DNCC
Quá trình nghiên cứu, thử nghiệm vaccine Covid-19 của Viêt Nam đã bước đầu đã có những kết quả khả quan. Các nước đã thử nghiệm vaccine trên người còn Việt Nam mới thử nghiệm trên chuột bạch. Bốn nhà sản xuất đang nghiên cứu, phát triển vaccine Covid-19 của Việt Nam gồm Công ty TNHH MTV vaccine và Sinh phẩm y tế (Vabiotech), Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (Polyvac), Viện vaccine và Sinh phẩm y tế (IVAC) và Công ty TNHH Dược Nanogen.
Những kết quả bước đầu khả quan
Công ty Vabiotech đã bắt tay vào nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 từ tháng 2-2020, sau khi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân lập được virus. Sau bốn tháng nghiên cứu, giữa tháng 6 vừa qua công sức của các thành viên của dự án nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng Covid-19 của công ty Vabiotech đã được đền đáp. Bởi dự án đã có kết quả bước đầu là vaccine có tính sinh miễn dịch khá cao. Với Vabiotech, kết quả này rất có có ý nghĩa bởi nó cho thấy dự án mà họ đang theo đuổi đang đi đúng hướng và đã cho kết quả đầu tiên.
Kết quả trên có được sau khi cuối tháng năm vừa qua hai lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột đã tiêm vaccine phòng Covid-19 được Vabiotech gửi sang Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để đánh giá. Theo ông Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, có bốn trong tám lô chuột được tiêm ngừa vaccine đã được đánh giá là có đáp ứng kháng thể, có thể ngừa được Covid-19. Đây là cơ sở để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh.
Ông Đỗ Tuấn Đạt, chủ tịch Vabiotech cho biết, Vabiotech đã vượt tiến độ hai tháng trong giai đoạn một của dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19. Ở giai đoạn tiếp theo, vaccine dự tuyển sẽ được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Để cho ra đời vaccine hoàn chỉnh cần 9-12 tháng nữa nhưng Vabiotech đang nỗ lực để rút ngắn thời gian này. So với mức trung bình 10 năm để phát triển các vaccine bình thường, thời gian 18-24 tháng để phát triển được một vaccine đã là một thành tựu đáng kể.
Để có được kết quả trên, việc chuẩn bị đã được Vabiotech bắt đầu từ trước đó. Vabiotech đã cử các nhà khoa học trẻ đi học tại Đại học Bristol, Anh, nơi hợp tác với đơn vị này trong sản xuất vaccine. Nhiều công đoạn nghiên cứu của dự án nghiên cứu vaccine Covid-19 của Vabiotech đã được thực hiện tại phòng thí nghiệm của Đại học Bristol (Anh) từ đầu tháng 2 vừa qua. Công nghệ được áp dụng cho sản xuất vaccine này cũng là công nghệ mới - vector virus - thay vì các công nghệ vaccine bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vaccine đại dịch.
Do lo ngại lường trước nguy cơ châu Âu bị phong tỏa, toàn bộ các hoạt động nghiên cứu phải tạm dừng thì dự án sẽ đổ bể, tháng hai vừa qua các nhà khoa học của Vabiotech đã làm việc không quản ngày đêm, mỗi ngày chỉ ngủ vài tiếng, để kịp hoàn thành kế hoạch đặt ra. Các nhà khoa học của Vabiotech cho biết họ quá may mắn khi các thành viên vừa rời đi thì nước Anh phong tỏa. Họ về đến Việt Nam ngay sát thời điểm đóng cửa đường hàng không hồi cuối tháng 3.
Các nhà khoa học của Vabiotech cho biết họ đã chịu áp lực rất lớn vì lo ngại không chuyển được mẫu về Việt Nam như vậy kết quả nghiên cứu gần hai tháng sẽ công toi. Để bù tiến độ cho 14 ngày gián đoạn vì cách ly tập trung sau khi về nước, nhóm nghiên cứu tiếp tục làm việc với cường độ cao, coi phòng thí nghiệm của Vabiotech khi đó đã trở thành phòng cách ly để nghiên cứu không quản ngày đêm của những nhà khoa học trở về từ Anh. Nhờ thế mà chỉ một tháng sau, dự tuyển vaccine đã được hoàn thành để tiêm thử nghiệm trên chuột.
Vabiotech hi vọng tối thiểu 4-5 tháng, tối đa 9 tháng nữa có thể thử nghiệm vaccine trên động vật một lần nữa trước khi thử nghiệm chính thức trên người. Sau đó cần thêm 2-3 tháng nữa để hoàn thành các giai đoạn sản xuất và có thể đưa vaccine ra sử dụng chính thức.ông Đỗ Tuấn Đạt, chủ tịch Vabiotech.
Cùng với Vabiotech, Viện vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) cũng là một trong bốn đơn vị của Việt Nam tham gia nghiên cứu, sản xuất vaccine Covid-19. Hiện nay mẫu vaccine ngừa Covid-19 đã được IVAC gửi sang Mỹ để đánh giá.
Theo ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC, vaccine ngừa Covid-19 được viện này bắt tay với các đối tác cùng nghiên cứu từ tháng 5 vừa qua và đạt kết quả bước đầu tốt, chủng tốt, thử nghiệm trên dây chuyền tốt. Tuy nhiên, để đánh giá vaccine này có an toàn, có giá trị bảo vệ hay không thì còn phải có các bước đánh giá cụ thể từ rất nhiều cơ quan khác nhau.
Sau khi có kết quả bước đầu, tháng 7 vừa qua IVAC đã gửi mẫu vaccine sang Mỹ để đánh giá và dự kiến cuối tháng 8 này sẽ có kết quả đầu tiên. Theo ông Thái, nếu phản hồi từ Mỹ tích cực, IVAC sẽ chuẩn bị các bước tiếp theo để thử nghiệm lâm sàng trên người và nếu tất cả kết quả tốt, dự kiến cuối năm 2021 đơn vị này có thể sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Song ông Thái cũng cho rằng việc gửi mẫu vaccine sang Mỹ chỉ là bước đầu và chưa thể nói trước được điều gì vào thời điểm này.
Ông Thái cho hay, vaccine được nghiên cứu tại IVAC sử dụng công nghệ nuôi cấy trên trứng gà có phôi với quy trình sản xuất tương tự sản xuất vaccine cúm đại dịch A/H5N. Có thể sử dụng nhà máy vaccine cúm đại dịch hiện có của IVAC để sản xuất. Dự kiến cuối năm nay IVAC có thể thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 trên người.
Được biết, hai nhà sản xuất vaccine ngừa Covid-19 còn lại của Việt Nam cũng đang nỗ lực nghiên cứu. Trong đó Công ty Nanogen đã sản xuất vaccine quy mô nhỏ dựa trên chủng virus Vũ Hán (Trung Quốc) và chủng đột biến, tháng 9-2020 sẽ thử nghiệm tiền lâm sàng.
Tự sản xuất để tăng tính chủ động
Không sốt ruột trước thông tin nhiều nước đã bắt đầu thử nghiệm vaccine phòng Covid-19 trên người, các nhà khoa học của Việt Nam cũng đang miệt mài, nỗ lực để nghiên cứu sản xuất vaccine phòng Covid-19. Theo các nhà nghiên cứu, Việt Nam không đặt mục tiêu dẫn đầu nhưng sẽ đón đầu nhờ kế thừa được các kinh nghiệm của thế giới ứng phó với loại virus rất mới SARS-CoV-2.
Việc Việt Nam tham gia sản xuất vaccine phòng Covid-19 không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vaccine mà cả thế giới đang trông đợi. Mục tiêu lớn hơn được đặt ra là giúp tăng khả năng chủ động về vaccine cho Việt Nam.
Với dịch bạch hầu ở Tây Nguyên, một số tỉnh miền Trung, Việt Nam hoàn toàn chủ động được việc sản xuất, cung cấp đủ cho nhu cầu của các địa phương. Tương tự với Covid-19, chúng ta cũng đặt vấn đề sản xuất để đảm bảo an ninh vaccine, tính chủ động vaccine của một quốc gia là rất quan trọng.
Ngoài ra, khi ta sản xuất được vaccine phòng Covid-19, một loại vaccine đại dịch. Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng coronavirus mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần lắp ráp phần gien của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vaccine mới.
Nói tại cuộc hội thảo về đẩy mạnh sản xuất vaccine ngừa Covid-19 được tổ chức gần đây, ông Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng: “Trong bối cảnh đại dịch đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc nghiên cứu sản xuất và làm chủ nguồn cung cấp vaccine ngừa Covid-19 trong nước hết sức quan trọng.”
Ông Long cho biết Việt Nam hiện có 4 nhà sản xuất nghiên cứu vắc xin, đi theo các hướng khác nhau nhưng tất cả đều làm chủ công nghệ. Ông cũng cho biết tin tưởng việc Việt Nam chủ động về nghiên cứu, sản xuất vaccine. Bởi Việt Nam là một trong 42 quốc gia có thể sản xuất vaccine. Là một trong 38 quốc gia sản xuất vắc xin đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới, là điều kiện thuận lợi cho sản xuất, phát triển và xuất khẩu vaccine.
Ông Vũ Hương, Cố vấn kỹ thuật Khu vực, Trung tâm Sáng kiến và Tiếp cận vaccine cho biết, đến ngày 15-7, trên toàn cầu có 163 đơn vị nghiên cứu phát triển vaccine ngừa Covid-19. Trong đó có 23 vaccine đang ở giai đoạn thử nghiệm trên người còn lại 140 vaccine đang ở giai đoạn tiền lâm sàng (trong đó có các vaccine của Việt Nam).
Tại sự kiện, ông Long chỉ đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế sớm hoàn thiện quy định về nghiên cứu sản xuất, thử nghiệm lâm sàng, cấp phép đăng ký, sử dụng vaccine Covid-19 tại Việt Nam trình Lãnh đạo Bộ ban hành; các đơn vị trong hệ thống đẩy nhanh quá trình kiểm định, thẩm định hồ sơ nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng, cấp phép lưu hành vaccine Covid-19 nhằm tạo điều kiện thúc đẩy công tác nghiên cứu sản xuất vaccine tại Việt Nam trong thời gian ngắn nhất.
Nhưng theo các nhà khoa học, việc phát triển vaccine của Việt Nam có chậm hơn các nước có lý do là các nhà phát triển vaccine của nước ngoài có thể thử nghiệm song song trên động vật và trên người. Việt Nam đi chậm để có thể chứng kiến các nhà phát triển khác thử nghiệm nhằm đảm bảo chắc chắn hơn, do đây là một virus mới, vaccine mới. Các nhà khoa học Việt Nam muốn thận trọng phát triển từng giai đoạn để có thể phát triển thành vaccine hoàn chỉnh, ổn định, đủ tiêu chuẩn sử dụng cho người. Sau đó xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí hàng chục triệu liều.
Theo ông Đặng Đức Anh, thế giới đang sử dụng 3 công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19. Thứ nhất là công nghệ sử dụng virus bất hoạt, đây là công nghệ Trung Quốc hiện đang làm và họ đã sản xuất được vaccine. Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm trên người ở giai đoạn ban đầu, kết quả có đáp ứng miễn dịch tương đối tốt nhưng cơ sở vật chất để sản xuất vaccine cũng phải đáp ứng được yêu cầu, như phòng an toàn sinh học cấp 3, nếu sản xuất đại trà thì khó đáp ứng trong giai đoạn hiện nay.
Công nghệ thứ 2 Vabiotech đang triển khai, là sử dụng vector virus. Nghĩa là tìm kháng nguyên của virus corona và đưa vào một virus lành tính, tiêm vào chuột, bước đầu thấy kết quả như trên. Một số quốc gia đang sử dụng công nghệ này.
Công nghệ thứ 3 mới hơn, công nghệ gen, Mỹ, Anh và một số quốc gia đang sản xuất vaccine Covid-19 bằng công nghệ này. Họ cũng đã phát triển được vaccine, tính cả khâu đánh giá trên người sẽ mất khoảng vài tháng nữa.
Với Việt Nam, ông Đức Anh nhận định khoảng 6-9 tháng nữa mới nghiên cứu thành công vaccine Covid-19. Như vậy, trước tình hình đại dịch Covid-19 đang hoành hành, cùng với các nước, Việt Nam nhìn nhận thế giới không thể bình thường trở lại nếu chưa có vaccine Covid-19. Với khát vọng kiểm soát được dịch bệnh, Việt Nam đang nỗ lực cùng với thế giới nghiên cứu phát triển vaccine Covid-19. |