Kho dữ liệu thương mại quốc gia là dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại được Chính phủ Anh dành cho Việt Nam.
Đại sứ quán Anh cho biết, bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan, Quốc vụ Khanh Bộ Thương mại quốc tế Anh Greg Hands và Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh đã ký kết ý định thư về việc phối hợp xây dựng kho dữ liệu thương mại quốc gia của Việt Nam. Kho này sẽ được kết nối để trở thành một bộ phận của Kho dữ liệu thương mại ASEAN.
Đây là dự án hỗ trợ kĩ thuật không hoàn lại mà Chính phủ Anh dành cho Việt Nam trong Chương trình Thương mại toàn cầu của Quỹ Thịnh vượng Anh.
Kho dữ liệu dự kiến gồm các đầu mục nội dung chính như: Biểu thuế quan, thuế suất tối huệ quốc, thuế suất ưu đãi theo Hiệp định về Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA):và các hiệp định khác của ASEAN với các đối tác đối thoại, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan...
Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh trao đổi ký kết hôm 12/11. Ảnh: Đại sứ quán Anh.
Phía Anh nhận định, minh bạch thông tin là một trong những yếu tố quan trọng của môi trường kinh doanh công bằng, đặc biệt là tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam.
Sau khi hoàn thiện, kho dữ liệu này sẽ tạo thuận lợi cho thương mại tự do và thị trường mở tại Việt Nam nhờ vào tập hợp, cập nhật thông tin liên quan đến việc xuất nhập khẩu. Kho còn hỗ trợ doanh nghiệp quốc tế tiếp cận, tra cứu dễ dàng hơn các quy định và luật lệ liên quan đến kinh doanh tại Việt Nam.
Kho dữ liệu cũng giúp thúc đẩy đầu tư và tăng cường sự tương tác của Việt Nam với các chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện sinh kế của người dân.
Chia sẻ tại buổi lễ, Đại sứ Anh Gareth Ward khẳng định kho dữ liệu thương mại Việt Nam, sẽ mang đến giá trị to lớn với các doanh nghiệp trên toàn thế giới, bao gồm cả doanh nghiệp Anh, trong xúc tiến thương mại hàng hóa và dịch vụ với Việt Nam và ASEAN.
Chương trình Thương mại toàn cầu là một trong số các chương trình phát triển quốc tế trong Quỹ Thịnh vượng của Chính phủ Anh. Với tổng ngân sách 150 triệu bảng, chương trình được triển khai tại 10 quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam, nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho thương mại tự do thông qua, giảm thiểu tác động của các rào cản thương mại phi thuế quan, qua đó góp phần tăng cường thịnh vượng cho các quốc gia đối tác.