Phản ứng chính sách của Việt Nam đối với Covid-19 là rất đáng kể và sẽ giúp hồi phục tăng trưởng mạnh mẽ khi cuộc khủng hoảng lắng xuống.
Trước tác động kinh tế nghiêm trọng từ Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp táo bạo một cách kịp thời.
Cuộc khủng hoảng chưa từng có
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở cao, nên điều quan trọng trước tiên là phải hiểu rõ tác động của Covid-19 lên nền kinh tế thế giới. Đại dịch này là thảm kịch, đã tác động mạnh mẽ đến sinh mạng con người và các hoạt động kinh tế toàn cầu. Việc bảo vệ cuộc sống con người và áp dụng các hệ thống y tế nhằm đối phó với dịch bệnh đã đòi hỏi các biện pháp giãn cách xã hội, cách ly và đóng cửa nền kinh tế.
Cuộc khủng hoảng này không giống các cuộc khủng hoảng khác, vì tính nghiêm trọng và sự không chắc chắn về cường độ cũng như thời điểm chấm dứt, do đó đòi hỏi các phản ứng chính sách hiệu quả.
Theo Báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), kinh tế toàn cầu dự báo sẽ trải qua cuộc suy thoái sâu vào năm 2020, với mức tăng trưởng giảm xuống khoảng 3%, tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Tăng trưởng tại châu Á dự kiến gần âm, cũng tồi tệ hơn cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu (4,7%), hay khủng hoảng tài chính châu Á (1,3%). Giả dụ dịch bệnh kết thúc vào quý II/2020 và có sự nới lỏng các biện pháp ngăn chặn, thì kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng 5,8% vào năm 2021, khi hoạt động kinh tế trở lại bình thường do các hỗ trợ chính sách.
Tuy nhiên, dự báo về tăng trưởng toàn cầu cũng không chắc chắn. Tác động kinh tế của Covid-19 phụ thuộc vào các yếu tố như diễn biến của dịch bệnh, cường độ và hiệu quả của các nỗ lực ngăn chặn, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng, các điều kiện thị trường tài chính toàn cầu, việc chuyển đổi các mô hình chi tiêu và sự thay đổi hành vi, hiệu ứng niềm tin và sự bất ổn của giá cả hàng hóa.
Các chính sách phù hợp là vô cùng cần thiết nhằm tránh các hậu quả xấu hơn. IMF đã kêu gọi các chính phủ trên khắp thế giới có những hành động táo bạo. Ban đầu, ưu tiên nhằm vào việc tăng chi tiêu cho y tế và thực hiện các biện pháp hạn chế lây nhiễm. Các chính sách cũng cần phải giảm thiểu được các tác động kinh tế lên con người, doanh nghiệp và hệ thống tài chính, giảm tổn thất dai dẳng đối với nền kinh tế và tạo điều kiện cho việc hồi phục kinh tế khi dịch bệnh dịu đi. Ngày càng có nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp lớn về tài chính, tài khóa và thị trường, nhằm hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực
Như đã nói ở trên, tính nghiêm trọng của tác động kinh tế từ Covid-19 đòi hỏi phải có các hành động táo bạo từ các chính phủ trên toàn thế giới. Và Việt Nam đã đưa ra các biện pháp táo bạo một cách kịp thời.
Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đã đẩy mạnh chi tiêu cho y tế công cộng và đưa ra các biện pháp quyết đoán và mạnh mẽ nhằm hạn chế lây nhiễm. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã duy trì tính thanh khoản dồi dào, chính sách tiền tệ nới lỏng và khuyến khích các ngân hàng thể hiện sự linh hoạt với các đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Chính sách tài khóa đã tập trung vào việc hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoãn trả tiền thuê đất và thuế và tăng cường hỗ trợ các gia đình nghèo, bị tổn thương, không có nghề nghiệp ổn định.
Chính phủ Việt Nam cũng đã có chính sách tăng đầu tư công mà chúng tôi cho rằng, chính sách này nên đi kèm với việc cải thiện quản lý tài chính công và hiệu quả chi tiêu ngân sách. Tuy nhiên, do những hoàn cảnh khá đặc biệt, việc hỗ trợ thêm có thể cần thiết nhằm bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và ngăn ngừa những tổn thất về kinh tế kéo dài, nếu các rủi ro, tiêu cực vẫn còn dai dẳng.
Việt Nam đã thành công trong ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh ở trong nước nhờ các biện pháp của Chính phủ, nhưng đã và sẽ không thể thoát khỏi các tác động tiêu cực về kinh tế do Covid-19 gây ra. Tăng trưởng của Việt Nam được dự báo sẽ giảm từ mức trung bình khoảng 7% trong giai đoạn 2018-2019 xuống còn 2,7% trong năm 2020, phản ánh cả cầu trong nước và bên ngoài đều yếu và do tác động của các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh.
Tuy nhiên, khi các biện pháp trên được dỡ bỏ, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được dự báo sẽ hồi phục dần và đạt mức 7% vào năm 2021, nhờ sự hỗ trợ của các chính sách tài chính và kinh tế vĩ mô, các nền tảng kinh tế vĩ mô khá mạnh, sự hồi phục của nhu cầu hàng hóa và dịch vụ bên ngoài.
Sự giảm tốc của kinh tế Việt Nam sẽ đi kèm với sự nới lỏng các áp lực lạm phát. Lạm phát tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Giêng, một phần là do việc tăng đáng kể của giá thịt lợn, nhưng đã bắt đầu dịu đi, xuống còn 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng Tư. Tăng trưởng chậm và nhu cầu yếu dự báo sẽ góp phần đưa lạm phát xuống 2% vào cuối năm 2020. Với nền kinh tế được kỳ vọng đang dần phục hồi, thì lạm phát cũng được dự báo sẽ dần tăng, gần chạm mục tiêu 4% vào năm 2021 của Ngân hàng Nhà nước.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trung hạn của Việt Nam vẫn tích cực. Nền kinh tế phát triển đáng kể trong ba thập kỷ qua có thể tiếp tục sau khi dịch bệnh kết thúc. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn phải tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc nhằm hỗ trợ tăng trưởng mạnh mẽ và toàn diện, cải thiện tính đàn hồi của nền kinh tế, bao gồm hiện đại hóa thể chế kinh tế vĩ mô, tăng đầu tư vào kết cấu hạ tầng, cải cách doanh nghiệp nhà nước, đất đai, ngân hàng và đẩy mạnh quản trị, năng suất của nền kinh tế.