Theo báo cáo Tiêu điểm kinh tế do Oxford Economics- Tổ chức chuyên về dự báo kinh tế và là đối tác của Viện Kế toán công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW) công bố mới đây cho thấy, kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước tiến mạnh mẽ trong những năm tới, trong khi các nước khác trong khối ASEAN (trừ Malaysia) sẽ có sự phục hồi ở mức độ vừa phải.
Với nền kinh tế tăng trưởng ổn định, Việt Nam thu hút nhiều DN nước ngoài đến tìm kiếm cơ hội đầu tư |
Trong số 6 nền kinh tế lớn của khối ASEAN được khảo sát trong báo cáo, Việt Nam, Philippines và Indonesia dự kiến sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất, lần lượt đạt mức 6,3%, 6,1% và 5,1% trong năm 2016.
Nhìn lại năm 2015, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế ASEAN với mức tăng trưởng lên tới 6,7% nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng đạt mức kỷ lục, kèm theo tăng trưởng mạnh về xuất khẩu. Từ năm 2016 đến 2018, tăng trưởng GDP dự kiến sẽ đạt ngưỡng 6- 7% nhờ những cải thiện về khả năng tiếp cận thương mại sẽ bù đắp cho sự chững lại của một số đối tác thương mại chính. Nền kinh tế của Việt Nam cũng có sự đa dạng hóa với sự tăng trưởng của các ngành nghề khác ngoài dệt may.
Tuy nhiên, trong 10 năm qua, hệ số nợ tư nhân trên GDP của Việt Nam đã tăng tới 40 điểm % – mức cao nhất trong khu vực. Các chuyên gia của ICAEW cảnh báo Việt Nam phải có chính sách phù hợp để bảo đảm hệ số nợ tư nhân trên GDP không vượt ngưỡng trần 65%, sau khi đã lên tới 60% trong năm 2015.
Ông Tom Rogers - Cố vấn Kinh tế của ICAEW kiêm Phó Giám đốc của tổ chức Oxford Economics cho biết, những nước thành công nhất trong khối ASEAN- 6 sẽ là những nền kinh tế đạt được tăng trưởng nhờ những nền tảng trong nước vững chắc, cùng với sự hỗ trợ về chính sách. Trên quan điểm này, Indonesia, Philippines và Việt Nam sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt nhất trong số các nền kinh tế ASEAN-6. Kết quả tăng trưởng tốt phản ánh những sự lành mạnh của những nhân tố nội địa như tỷ lệ nợ thấp, sự ổn định vĩ mô và mức lương cạnh tranh. Những yếu tố trên sẽ giúp các nước này tiếp tục tăng thị phần trong những ngành nghề có chi phí thấp.
Bên cạnh đó, anh hưởng của việc Trung Quốc tăng trưởng chậm lại sẽ tác động không đồng đều giữa các quốc gia ASEAN. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, Singapore và Thái Lan, trong đó Malaysia và Singapore là hai nước bị ảnh hưởng nhiều nhất trước sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc do vị trí của những nước này trong các chuỗi cung ứng khu vực về mặt hàng điện tử.
Trong khi đó Indonesia, Philippines và Việt Nam ít tham gia hơn vào lĩnh vực sản xuất, chế tạo, nơi mà Trung Quốc đang dư thừa năng lực. Mức lương cạnh tranh của những nước này cũng có nghĩa là các diễn biến ở Trung Quốc sẽ khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến tiến trình công nghiệp hóa của mình.
Tuy nhiên, Ông Mark Billington- Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của ICAEW cho rằng, khi các nước ASEAN tiếp tục cải cách nền kinh tế để đạt mức tăng trưởng vừa phải trong mấy năm tới, sẽ vẫn có những giai đoạn biến động trên thị trường tài chính do các nước này phải điều chỉnh theo xu hướng tăng trưởng mới của Trung Quốc. Sự chững lại sâu hơn dự kiến của Trung Quốc sẽ là mối đe dọa chính cho các nền kinh tế ASEAN, cùng với sự biến động lớn hơn của thị trường tài chính, việc thắt chặt các điều kiện tài chính khi các nước công nghiệp hóa kiện toàn chính sách tiền tệ. Tình hình này sẽ đặc biệt ảnh hưởng nhiều đến những nền kinh tế có mức nợ cao.