Trong khi một tổ chức xếp Việt Nam đứng thứ 7 châu Á về mức thông thạo tiếng Anh, các chuyên gia chỉ ra kết quả này còn hào nhoáng so với thực tế dạy và học môn này.
Theo bảng xếp hạng Chỉ số thông thạo Anh ngữ của 88 quốc gia trên thế giới do Tổ chức Giáo dục quốc tế EF (Education First) thực hiện, năm 2018, Việt Nam đứng vị trí thứ 7 ở châu Á. Đó là thông tin được bà Cao Phương Hà, Giám đốc EF tại Việt Nam, vừa công bố tại TP Hà Nội. Theo đó, so với năm đầu tiên tham gia đánh giá (2011) thì những năm gần đây, Việt Nam liên tục vượt hạng về chỉ số thông thạo Anh ngữ (EPI).
Chọn ngẫu nhiên, khó toàn diện
Theo EF, sở dĩ năm nay vị trí của Việt Nam thấp hơn năm ngoái là do số lượng quốc gia tham gia đánh giá nhiều hơn năm ngoái chứ thực tế các chỉ số của năm 2018 đều cao hơn năm 2017 và những năm trước đó.
Tuy kết quả xếp hạng của EF có vẻ khả quan về khả năng sẵn sàng trước xu thế hội nhập của thế hệ trẻ nhưng thực tế cho thấy không ít hạn chế vẫn tồn tại nhiều năm qua trong việc dạy và học ngôn ngữ này. Kỳ thi THPT quốc gia 2018 vừa qua, có tới hơn 78% bài thi đạt điểm dưới trung bình môn tiếng Anh. Số điểm có nhiều thí sinh đạt nhất là 3 điểm. Cả nước có 78,22% bài thi đạt dưới trung bình (<5 điểm). Điểm trung bình chỉ là 3,91 điểm.
Sinh viên Trường ĐH Hoa Sen trong giờ học tiếng AnhẢnh: TẤN THẠNH |
Ông Cao Huy Thảo, nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Quốc tế Việt - Úc, cho rằng trên thế giới có hàng trăm bảng xếp hạng về khả năng tiếng Anh tương tự EF công bố. Mỗi tổ chức có những tiêu chí riêng để xếp hạng. Tuy nhiên, do chỉ dựa trên các bài khảo sát được lựa chọn ngẫu nhiên nên nhiều khảo sát không đánh giá đúng và toàn diện được thực tiễn sử dụng tiếng Anh của mỗi quốc gia.
Tại hội thảo "Giảng dạy tiếng Anh toàn quốc lần thứ nhất" mới diễn ra, ThS Nguyễn Thị Minh Ngọc, giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho biết từ các cuộc phỏng vấn những sinh viên mới tốt nghiệp, các nhà tuyển dụng phản ánh hầu hết sinh viên tốt nghiệp đều không thể giao tiếp hiệu quả bằng tiếng Anh. "Mặc dù một số sinh viên đạt được 550 điểm TOEIC nhưng họ không thể vượt qua các cuộc phỏng vấn việc làm vì không thành thạo tiếng Anh" - ThS Ngọc cho hay.
Đánh giá về thực trạng dạy và học tiếng Anh hiện nay, ThS Lữ Thị Hải Yến, Trường CĐ Sư phạm Đắk Lắk, cho rằng đa số giảng viên dạy học theo lối truyền thống mà chưa chú trọng phương pháp lấy học sinh làm trung tâm. "Tình trạng thầy giảng - trò chép, thầy giảng - trò nghe còn phổ biến ở đa số giờ học tiếng Anh không chuyên ngữ; phương pháp dạy học của giáo viên còn thiếu tính sáng tạo, rập khuôn theo nội dung dạy học và giáo trình" - bà Hải Yến nhận xét.
Chưa hoàn thiện việc học và đánh giá
"Trước đây, một học sinh giỏi ngoại ngữ được đánh giá qua kết quả học tập mà cụ thể là đọc viết. Có thể nói, dạy học tiếng Anh chỉ chú trọng phương pháp dịch ngữ pháp, sinh viên rất giỏi về cấu trúc ngữ pháp, nhớ rất rõ, dùng rất thạo các cấu trúc và làm bài thi đạt điểm cao song lại thiếu kỹ năng nghe và nói dù chỉ là những câu đơn giản" - ThS Hải Yến nêu thực trạng.
Theo khảo sát do ThS Ngô Thị Hạnh - giảng viên Trường ĐH Công nghiệp TP HCM - thực hiện, khi được hỏi "Em đã được rèn luyện kỹ năng nói trước khi vào trường ĐH chưa?", chỉ có 4,26% câu trả lời là đã được rèn luyện kỹ năng này, 78,72% có nhưng được rèn rất ít và 17,02% là chưa bao giờ. Việc yếu kém kỹ năng nói cũng dẫn tới sự thụ động và tự ti trong giờ học. Từ đó cho thấy việc dạy kỹ năng trên lớp rất khó khăn với giảng viên vì sự chênh lệch về trình độ và thái độ học tập, hệ lụy là ảnh hưởng đến kết quả học tập và năng lực phát triển kỹ năng của môn học. Vấn đề này là do mục tiêu học tiếng Anh ở THPT nhằm phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia dưới hình thức trắc nghiệm.
Trong khi đó, ThS Trần Tín Nghị, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho biết các trường CĐ-ĐH hiện nay cũng đã đưa ra các tiêu chuẩn về ngoại ngữ cho sinh viên khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, các quy chuẩn đầu ra cũng thường dựa vào bài thi đánh giá năng lực như TOEIC, TOEFL, IELTS… dễ dẫn đến việc dạy và học chạy theo các bài thi hơn là hoàn thiện các kỹ năng.
Ngoài ra, hệ thống các bài thi theo khung năng lực ngoại ngữ dành cho Việt Nam chưa hoàn thiện. Việc cấp phép cho các trường tổ chức thi chưa dựa trên năng lực và điều kiện để bảo đảm chất lượng như các tổ chức quốc tế. Việc tổ chức thi còn để xảy ra những tiêu cực dẫn đến mất lòng tin của người học vào hệ thống bài thi năng lực ngoại ngữ của Việt Nam.
Yếu tiếng Anh vẫn đậu ĐH nhờ xét học bạ
ThS Ngô Thị Hạnh cho biết qua khảo sát, việc tuyển sinh đầu vào bằng xét kết quả từ học bạ (lấy trung bình điểm 3 năm học lớp 10, 11 và 12) khiến nhiều sinh viên yếu tiếng Anh vẫn trúng tuyển vào khoa ngoại ngữ của các trường ĐH.
"Việc xét điểm trung bình 3 năm học phổ thông dẫn đến khoa ngoại ngữ tuyển nhiều sinh viên học yếu tiếng Anh vì điểm các môn phụ khác cao, sẽ có số điểm trung bình cao nhưng trong đó, môn tiếng Anh lại thấp. Thậm chí, có trường hợp 1 sinh viên vào ngành chuyên ngữ mà không hề học tiếng Anh ở trung học" - ThS Hạnh cho hay.
Theo Lê Thoa (Người lao động)