27% ý kiến chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn, đứng thứ 2 sau Myanmar, đất nước giữ vị trí hàng đầu của danh sách trong nhiều năm nay.
69% nhà đầu tư cho rằng Việt Nam "hấp dẫn" hoặc "rất hấp dẫn" đầu tư, tăng 10% so với kỳ năm 2015.
Theo báo cáo của Grant Thornton, phần lớn người trả lời dự đoán rằng mức độ của các hoạt động đầu tư ở Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới.
Có nhiều lý do cho việc tăng trưởng vốn đầu tư nước ngoài (FDI), bao gồm sự thành lập của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã giúp mở rộng thị trường Việt Nam; xu hướng dòng vốn FDI dịch chuyển từ Trung Quốc đến các quốc gia Đông Nam Á khác, trong đó Việt Nam là một trong các điểm đến hàng đầu; ảnh hưởng của hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản, EU và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).
Bên cạnh đó, mức độ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có ảnh hưởng tích cực nhờ sự cải thiện trong môi trường kinh doanh.
69% nhà đầu tư cho rằng Việt Nam "hấp dẫn" hoặc "rất hấp dẫn" đầu tư, tăng 10% so với kỳ năm 2015.
Với thực tế Trung Quốc không còn là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất do nguồn nhân công đắt đỏ và năng suất lao động thấp đã tạo cơ hội cho Việt Nam.
Với điều kiện thuận lợi như nguồn lao động dồi dào, chi phí vận hành thấp, cấu trúc dân số đa dạng và môi trường chính trị ổn định, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, báo cáo nhận định.
Khi được hỏi về xếp hạng Việt Nam và các nước láng giềng về mức độ thu hút đầu tư, 27% ý kiến chọn Việt Nam, đứng thứ 2 sau Myanmar, đất nước giữ vị trí hàng đầu của danh sách trong nhiều năm nay.
Trong cuộc khảo sát này, Indonesia đã lấy lại được sức hấp dẫn đối với đầu tư với 20% người tham gia lựa chọn đây là thị trường hấp dẫn nhất.
Ngoài một số lợi thế cạnh tranh như giá nhân công rẻ, lực lượng lao động mạnh và nguồn nguyên liệu thô dồi dào, chính phủ Indonesia đã sửa đổi một số quy định để kích thích đầu tư nước ngoài.
Năm 2015, Indonesia đã triển khai 10 gói chính sách để đơn giản hóa thủ tục đăng ký kinh doanh và đưa ra các ưu đãi về thuế đối với các hoạt động kinh tế trọng điểm.
Khi được hỏi về những trở ngại trong đầu tư, “Tham nhũng", “Quan liêu/thủ tục hành chính phức tạp" và “Ban điều hành thiếu chiến lược dài hạn" là ba yếu tố được nhắc đến nhiều nhất, trong 91% ý kiến phản hồi.
Đáng chú ý trong khảo sát lần này, số lượng phản hồi đánh giá “Thay đổi liên tục trong chính sách kinh tế” là trở ngại "rất quan trọng" đã tăng từ 15% lên đến 35%.
Nhằm đạt mục tiêu cải thiện hành lang pháp lý của Việt Nam, Chính phủ đã có nhiều sửa đổi bổ sung cho nhiều bộ luật bao gồm Luật Đầu tư, Luật thuế VAT, Luật Xây dựng,... và các Nghị định, Thông tư tương ứng.
Những thay đổi về luật pháp và quy định thường xuyên như vậy có thể gây lo ngại lớn về môi trường pháp lý về hoạt động đầu tư trong các công ty và nhà đầu tư.
Nếu các nhà hoạch định chính sách tiếp tục phát hành các văn bản quy định mà không xem xét tới sự nhất quán của toàn bộ hệ thống pháp lý, yếu tố này sẽ trở thành là một trong những trở ngại lớn nhất cho quyết định đầu tư vào Việt Nam, Grant Thornton cảnh báo.
Thảo Mai / BizLIVE