Nhiều doanh nghiệp (DN) thủy sản của VN đang nhập nguyên liệu từ các nước về để tinh chế, xuất khẩu. VN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng thủy sản của thế giới.
Nhiều nhà chế biến và nhập khẩu hàng đầu thế giới đang chuyển nhà máy hoặc dịch vụ từ các quốc gia châu Âu, Trung Quốc đến VN để chế biến thủy sản xuất khẩu.
Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) cho rằng VN hoàn toàn có thể trở thành trung tâm chế biến thủy sản của thế giới.
Nhập nguyên liệu, xuất khẩu hàng tinh chế
Tình hình khai thác biển trong nước mấy tháng gần đây không thuận lợi, nhưng doanh số xuất khẩu các mặt hàng thủy hải sản của Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (Bidifisco) dự kiến vẫn đạt trên 50 triệu USD trong năm 2016.
Theo bà Cao Thị Kim Lan - tổng giám đốc Bidifisco, trong số trên 50 triệu USD xuất khẩu của cả năm nay, lượng hàng chế biến từ nguyên liệu thủy sản nhập khẩu chiếm đến 60-65%.
“Hơn 10 năm qua, ngành thủy sản VN có tốc độ tăng trưởng bình quân 16-18%/năm. Hiện VN nằm trong top 5 quốc gia đứng đầu thế giới về nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản. Khi các hiệp định thương mại tự do lớn mà VN đã ký có hiệu lực, ngành thủy sản sẽ thêm dư địa để trở thành địa chỉ chế biến sản phẩm thủy sản toàn cầu Ông TRƯƠNG ĐÌNH HÒE, tổng thư ký VASEP |
Đây là các mặt hàng Bidifisco đã nhập từ Thái Lan, Indonesia, Philippines... để chế biến rồi xuất khẩu sang các thị trường cao cấp như EU, Mỹ, Nhật...
Bà Lan cho biết các quốc gia trên có nghề khai thác hải sản xa bờ phát triển hơn nên lượng cá nguyên liệu rất lớn. Tuy nhiên, VN lại có các nhà máy chế biến thủy sản trình độ cao và giá nhân công rất cạnh tranh.
Do đó, các doanh nghiệp (DN) trong nước đã tăng cường nhập khẩu nguyên liệu thô từ nước ngoài về chế biến rồi tái xuất khẩu.
“Trong khu vực không có nước nào có trình độ chế biến thủy sản và hệ thống quản lý chất lượng như các nhà máy của VN. Do đó, VN đang có thế mạnh về sản xuất thủy sản để xuất khẩu vào các thị trường cao cấp” - bà Lan đánh giá.
Ông Dương Ngọc Minh, tổng giám đốc Công ty cổ phần Hùng Vương, cho biết năm ngoái công ty này đã đưa vào hoạt động nhà máy chế biến thủy sản tại Bến Tre.
Bên cạnh dây chuyền chế biến cá tra còn có một dây chuyền chế biến cá hồi nhập khẩu từ Na Uy, cá minh thái Alaska từ Nga.
Từ trước đến nay Trung Quốc là nơi chế biến chủ yếu hai loại cá này rồi xuất sang châu Âu, nhưng gần đây nhiều nhà sản xuất đã bắt đầu chuyển hướng sang VN khi chất lượng chế biến của VN ngày càng được ghi nhận trên toàn cầu.
Không chỉ có Hùng Vương, nhiều đơn vị chế biến thủy sản khác cũng đang lắp thêm dây chuyền chế biến cá minh thái Alaska. Ước tính chế biến và xuất khẩu cá minh thái Alaska của VN lên tới 60.000 tấn vào năm 2018 và sẽ vượt qua Trung Quốc.
Trong 9 tháng đầu năm nay, VN đã nhập khẩu gần 800 triệu USD (khoảng 17.000 tỉ đồng) mặt hàng thủy sản các loại. Trong đó nhiều nhất là tôm, cá ngừ, mực... chủ yếu để chế biến và tái xuất khẩu.
Nhập khẩu thủy sản còn nhiều trở ngại
Theo các DN thủy sản, để trở thành một trung tâm chế biến thủy sản của thế giới, VN bắt buộc phải trở thành nước nhập khẩu thủy sản lớn.
Tuy nhiên, những chính sách về nhập khẩu nguyên liệu thủy sản đến nay còn nhiều trở ngại.
Giám đốc một DN chế biến thủy sản tại TP.HCM cho hay nhiều cơ quan chức năng vẫn còn tâm lý bảo hộ nuôi trồng thủy sản trong nước, nên không muốn mở cửa cho nhập khẩu.
Ngay cả với những mặt hàng cho nhập khẩu thì chính sách về kiểm kê hàng hóa, hoàn thuế và kiểm tra an toàn thực phẩm cũng rất mất thời gian, tốn kém công sức của DN.
Ông Trương Đình Hòe, tổng thư ký VASEP, cho biết cơ quan quản lý nhà nước nên phân chia các DN thủy sản ra các nhóm khác nhau để có chính sách kiểm tra hàng hóa phù hợp.
Nếu DN làm tốt nhiều năm sẽ được đưa vào “luồng xanh” nhằm giảm tần suất kiểm tra... “Hiện cơ quan chức năng đang áp dụng cách quản lý cào bằng, rất tốn thời gian và nguồn lực của DN” - ông Hòe nói.
Theo ông Lê Văn Quang - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thủy sản Minh Phú, việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản chế biến có cả mặt tốt và không tốt.
Việc phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, nhất là đối với ngành tôm, cho thấy nền sản xuất thủy sản của VN đang thiếu sức cạnh tranh.
Ngành sản xuất tôm của VN yếu từ quy hoạch, sản xuất con giống đến kiểm soát dư lượng kháng sinh, dịch bệnh nên giá thành cao hơn các nước khác rất nhiều.
Vì vậy theo ông Quang, Nhà nước cần xây dựng các chính sách để phát triển bền vững nguồn nguyên liệu trong nước, nhất là với con tôm, để cải thiện sức cạnh tranh với các nước trong khu vực.
3 triệu tấn thủy sản chế biến/năm Theo Tổng cục Hải quan, trong 9 tháng đầu năm 2016 VN đã xuất khẩu được trên 5 tỉ USD các loại thủy sản, tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Trương Đình Hòe, hiện tại năng lực chế biến thủy sản trong nước có thể đạt 3 triệu tấn sản phẩm/năm. Nếu trước đây VN chỉ xuất khẩu các sản phẩm dạng thô thì hiện nay tỉ lệ sản phẩm có giá trị gia tăng cao ngày càng tăng (ước đạt khoảng 35%). Các sản phẩm như sushi, sashimi, surimi... đã được sản xuất ở hầu hết nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu |
Theo Trần Mạnh
Tuổi trẻ