Sáng 15/4, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội phối hợp với Đại học Justus Liebig Giessen (Đức) công bố báo cáo quốc gia Việt Nam "một xã hội đang già hóa".
Theo PGS Nguyễn Tuấn Anh, Phó khoa Xã hội học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội, vấn đề đáng lo ngại nhất với tình trạng già hóa dân số ở Việt Nam là hiện phần lớn người cao tuổi đang phải làm việc để tạo thu nhập.
"Gần 46% người từ 60 đến 64 tuổi, gần 30% người từ 70 đến 79 tuổi và 10% người hơn 80 tuổi vẫn phải lao động để kiếm sống", ông nói.
Nếu dựa trên chuẩn nghèo quốc gia (thu nhập dưới một triệu đồng mỗi người một tháng ở nông thôn và dưới 1,3 triệu đồng ở thành thị), hiện Việt Nam có 16% người trên 60 tuổi thuộc diện nghèo.
Năm 2019, trong số 13,4 triệu người cao tuổi thì chỉ có 23,5% được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng từ nguồn ngân sách Nhà nước và quỹ bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, 64,4% người cao tuổi không có lương hưu và trợ cấp. "Nghĩa là những người này phải sống dựa vào con cháu, gia đình, họ hàng hoặc phải tiếp tục lao động để mưu sinh", ông Tuấn Anh phân tích.