16h chiều 30-6, tại Hà Nội, Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức ký Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) sau nhiều năm đàm phán.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và đại diện EU cùng ký EVFTA |
Tại lễ ký, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, Cao ủy thương mại Cecilia Malmstrom, Bộ trưởng Romania phụ trách kinh doanh, thương mại và doanh nghiệp Stefan-Radu Oprea đại diện cho EU cùng Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (được ủy quyền, đại diện Chính phủ Việt Nam) đã ký vào bản Hiệp định lịch sử này.
Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và được trông đợi sau gần 10 năm nỗ lực đàm phán. Tại lễ ký kết, sau phần chiếu phim tài liệu giới thiệu về Hiệp định EVFTA và IPA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có bài phát biểu khẳng định tầm quan trọng của hai hiệp định này đối với cả hai nền kinh tế.
"Việc ký kết các Hiệp định về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và EU ngày hôm nay là một sự kiện quan trọng đối với tất cả chúng ta, đánh dấu một bước phát triển mới trong quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và EU đã được khởi xướng từ năm 2012, phù hợp với định hướng phát triển vì sự thịnh vượng chung của 2 nền kinh tế, thể hiện sự ghi nhận và coi trọng của EU đối với vị thế, vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế với tư cách là một nền kinh tế năng động, sẵn sàng cải cách để hội nhập.
Đồng thời, các hiệp định được ký kết ngày hôm nay còn mang ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy kết nối kinh tế giữa cộng đồng kinh tế ASEAN và EU cũng như góp phần phát triển kinh tế toàn cầu" - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết.
Trong khi đó, ông Stefan Radu Oprea, Bộ trưởng Môi trường, Kinh doanh, Thương mại và doanh nghiệp Rumani cũng nhấn mạnh, hiệp định được ký kết là biểu tượng quan trọng trong bối cảnh thương mại quốc tế hiện nay. Với hiệp định được ký kết, EU đầu tư vào Việt Nam sẽ có sự gia tăng, doanh nghiệp EU đến Việt Nam sẽ nhiều hơn...
Đây là sự khởi đầu, hợp tác mang đến lợi ích chung.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu sau lễ ký kết hiệp định |
Phát biểu ngay sau lễ ký Hiệp định EVFTA và IPA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hiệp định được ký kết là mốc son sau quá trình bắt đầu đàm phán và hoàn tất các thủ tục nhiều năm qua và mở ra chân trời mới cho sự phát triển của hai bên. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam rất vui mừng hợp tác với EU -một nền văn minh tiên tiến, khối kinh tế phát triển để mở rộng hợp tác với 28 thành viên với EU.
Thỏa thuận thương mại tự do “tham vọng nhất từ trước đến nay”
Trước đó, trong thông cáo đưa ra ngày 25-6, phía EU nhận định, EVFTA là thỏa thuận thương mại tự do "tham vọng nhất từ trước tới nay" mà EU từng ký với một quốc gia đang phát triển, trong đó sẽ xóa gần 99% thuế quan giữa EU và Việt Nam.
Về phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, EVFTA là hiệp định có vai trò rất quan trọng trong chiến lược về hội nhập của Việt Nam. Đây là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với những tiêu chuẩn rất cao và có tính toàn diện.
Cùng với EVFTA, EVIPA, vị thế của Việt Nam sẽ được khẳng định rất mạnh mẽ trên trường quốc tế, như là một trong những quốc gia có đóng góp to lớn, có trách nhiệm cho sự phát tiển của toàn cầu hóa theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại nhưng trên cơ sở có tính đến điều kiện phù hợp để bảo vệ lợi ích của các nước tham gia. Đặc biệt, là phù hợp với trình độ phát triển và sự chênh lệch của các đối tác cùng tham gia hiệp định.
Mở ra cơ hội xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào EU
Cụ thể, theo Hiệp định EVFTA, giai đoạn đầu ngay khi có hiệu lực, EVFTA sẽ xóa 65% thuế nhập khẩu hàng EU xuất sang Việt Nam, trong khi phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Đối với khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, ta áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
Ngược lại, ở thời điểm đầu có hiệu lực, 71% thuế quan hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được gỡ bỏ. Tối đa sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, có thể nói gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu sau một lộ trình ngắn. Vì thế, khi được đưa vào thực thi, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Theo Bộ Công Thương, mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Trong khi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, Hiệp định sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020, 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định.
Hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới
Về mặt chiến lược, việc đàm phán và thực thi các Hiệp định EVFTA và EVIPA gửi đi một thông điệp tích cực về quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh tình hình kinh tế địa chính trị đang có nhiều diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Thông qua EVFTA và EVIPA, nhà đầu tư EU cũng sẽ có cơ hội tiếp cận thị trường các nước đã ký FTA với Việt Nam với những đối xử ưu đãi hơn. Hiệp định này cũng giúp thúc đẩy quan hệ giữa EU với từng nước ASEAN nói riêng và cả khối ASEAN nói chung, tạo tiền đề hướng tới việc thảo luận một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.
Theo An ninh thủ đô